Ngành chăn nuôi dịch chuyển: Chuẩn bị sẵn tâm thế khi các sắc thuế về 0%

Bình luận · 186 Lượt xem

Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam phải chuẩn bị sẵn tâm thế và hành trang khi các sắc thuế nhập khẩu giảm về 0%.

 

Thách thức lớn nhưng cũng nhiều lợi thế

Thưa ông, sau khi chứng kiến những thăng trầm của ngành chăn nuôi, rất nhiều người đặt dấu hỏi là nước ta thực sự có lợi thế để chăn nuôi hay không, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

 

Đúng là so với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam không có được lợi thế về đất đai để phát triển chăn nuôi công nghiệp quy mô siêu lớn. Tuy nhiên, không phải chăn nuôi nước ta quá lép vế so với các nước trong khu vực.

 

Trước hết, nhu cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi khu vực châu Á Thái Bình Dương và trong nước tiếp tục tăng. Thể chế pháp luật và chính sách phát triển của ngành chăn nuôi hiện khá đầy đủ và phù hợp, nếu vận dụng tốt sẽ phát huy hiệu lực, hiệu quả.

 

Tiếp đến, hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho ngành chăn nuôi đã và đang được các doanh nghiệp đầu tư khá hiện đại, đồng bộ sẽ phát huy hiệu quả. Sản xuất chăn nuôi đang được tổ chức lại theo mô hình các chuỗi liên kết, đứng đầu là các doanh nghiệp mạnh. Đây sẽ là nền tảng quan trọng cho ngành hàng phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường.

 

Và sự mở cửa hợp tác quốc tế rất sâu, rộng của ngành chăn nuôi cũng tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, trao đổi khoa học, công nghệ, giống, vật tư chăn nuôi, thú y…

 

Vậy, còn những hạn chế như "lời nguyền" mà Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng nhiều lần nhấn mạnh là "manh mún, nhỏ lẻ, tự phát" thì sao thưa ông?

 

Đúng! Đó chính là 3 rào cản lớn nhất với ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi Việt Nam nói riêng hiện nay. Những điểm yếu đó khiến dịch bệnh, nhất là các loại bệnh truyền nhiễm mới nguy hiểm ngày càng nhiều, phát sinh thêm chi phí sản xuất và tạo gánh nặng giá thành với ngành chăn nuôi.

 

Bên cạnh đó, thị trường các sản phẩm chăn nuôi trong nước ngày càng chịu áp lực lớn, bởi sức mua giảm và ngày càng gia tăng của các loại thực phẩm nhập khẩu, nhất là thực phẩm giá rẻ và vấn đề nhập khẩu tiểu ngạch vật nuôi, sản phẩm vật nuôi qua các tỉnh biên giới.

 

Nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) và vật tư các yếu tố đầu vào của sản xuất tiếp tục gia tăng, làm mất tính chủ động của sản xuất trong nước về nguồn cung và giá thành sản xuất.

 

Áp lực về môi trường và di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi và Luật Môi trường sẽ là thách thức lớn với ngành chăn nuôi, khi thời hạn thực thi những quy định này đang đến rất gần là ngày 1/1/2025.

 

Yêu cầu ngày càng cao của thị trường đối với các sản phẩm chăn nuôi về vấn đề an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, kinh tế chia sẻ và đối xử nhân đạo với vật nuôi cũng thực sự là áp lực với chăn nuôi Việt Nam.

 

Quy mô đàn các loại vật nuôi của Việt Nam đã thuộc top những nước cao nhất trên thế giới đang gây áp lực lớn cho các yếu tố môi trường và tài nguyên... khiến không gian chăn nuôi của Việt Nam đã hẹp ngày càng hẹp hơn.

 

Phải tự túc bằng được một phần nguyên liệu đầu vào

Như ông chia sẻ, khó khăn với ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay ngoài những nguyên nhân chủ quan nội tại thì sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu TĂCN nhập khẩu cũng chính là một bài toán nan giải?

 

Vấn đề nguyên liệu TĂCN đang là một hạn chế của ngành chăn nuôi Việt Nam. Điều này không phải bây giờ mới bàn đến mà đã được “nói đi nói lại” rất nhiều lần trước đó. Chúng ta đã có những biện pháp và rất muốn tự túc một phần nguyên liệu, thế nhưng kết quả chưa như mong đợi.

 

Việt Nam không phải là quốc gia có lợi thế về sản xuất nguyên liệu TĂCN, đặc biệt là những nguyên liệu lớn, như ngũ cốc, ngô, lúa mỳ, các loại khô dầu, nhất là khô dầu đậu tương… cho nên phải nhập khẩu.

 

Để khắc phục hạn chế này, theo tôi, trước hết phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nguyên liệu TĂCN cả nhập khẩu và trong nước bằng các giải pháp khoa học công nghệ, tổ chức quản trị nguyên liệu và tổ chức sản xuất.

 

Thứ hai, nghĩ đến việc tự túc một phần các nguyên liệu TĂCN mà trong nước có, nhất là từ các nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp. Chúng ta có thể chế biến nâng cao và sử dụng làm nguyên liệu TĂCN.

 

Chúng ta có các sản phẩm từ quá trình chế biến hoa quả có thể đưa vào ủ chua, ủ men, có các sản phẩm chế biến từ các lò mổ, đặc biệt là thủy hải sản có thể đưa vào lên men, thủy phân để nâng cao giá trị dinh dưỡng.

 

Có thể tổ chức sản xuất một số cây trồng làm TĂCN mà trong nước có lợi thế, đặc biệt là hệ thống nuôi trồng các loại rong, tảo biển, côn trùng. Cần trồng ngô để lấy sinh khối làm thức ăn cho đàn gia súc ăn cỏ. 

 

Thứ ba, giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu TĂCN bằng cách giảm các chi phí kiểm tra, thủ tục hành chính, kiểm dịch…, điều này nằm trong tầm tay của chúng ta.

 

Thứ tư, cần đầu tư mạnh vào logistic. Hiện chi phí vận tải biển trong nước của Việt Nam cao hơn khu vực 10 - 15%. Nếu có hệ thống logistic sẽ giảm được chi phí thức ăn xuống. Và cuối cùng, cần điều chỉnh cơ cấu vật nuôi phù hợp, hạn chế các loại gia súc sử dụng nhiều ngũ cốc, tăng gia súc ăn cỏ.

 

Không thể chăn nuôi đơn độc được nữa!

Ông có đề cập đến vấn đề điều chỉnh cơ cấu vật nuôi phù hợp, vậy theo ông tỷ lệ như thế nào là hợp lý?

 

Trong cơ cấu chăn nuôi của nước ta, số 1 vẫn là lợn, số 2 là gia cầm, số 3 đến trâu, bò. Ngày trước lợn chiếm đến 70% trong cơ cấu chăn nuôi, nhưng sắp tới nên giảm xuống, chỉ tầm trên dưới 60% là hợp lý, đẩy gia cầm lên hơn 30%, gia súc ăn cỏ lên 10 - 12%.

 

Xu thế này dần dần sẽ thay đổi, lợn sẽ giảm, có thể dưới 60% hoặc thấp hơn nữa nhưng không thể thay thế lợn được, bởi đây vẫn là đặc thù của ngành chăn nuôi và thói quen tiêu dùng thực phẩm của nước ta.

 

Vậy theo ông, trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi cần phải làm gì để phát huy hơn nữa vai trò của mình, góp phần đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững?

 

Nhà nước phải rà soát lại quy hoạch ngành chăn nuôi để phù hợp hơn với điều kiện về tiềm năng chăn nuôi và gắn với hội nhập thế giới.

 

Thị trường sản phẩm chăn nuôi của nước ta bây giờ có lượng nhập khẩu rất nhiều vì nước ta đã tham gia các hiệp định tự do như: CPTPP, EVFTA, RCEP…, trong đó, toàn các cường quốc về chăn nuôi, có lợi thế hơn Việt Nam, nên các sản phẩm nhập khẩu về Việt Nam giá rất rẻ.

 

Do đó, cần phải quy hoạch lại chăn nuôi, trong đó cần tập trung kiểm soát quy mô đàn lợn, đàn gia cầm, vì những loại vật nuôi này đã tới hạn với các yếu tố tài nguyên, thị trường.

 

Rà soát lại chính sách, hướng tới khuyến khích tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi theo chuỗi liên kết khép kín, phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để đưa người chăn nuôi nhỏ lẻ vào chuỗi, sản xuất theo tín hiệu thị trường, tính đến hội nhập quốc tế.                   

Nhà nước phải kiểm soát dịch bệnh, trong đó gắn với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó là kiểm soát, giữ được thị trường bởi đây là yếu tố sống còn của chăn nuôi trong nước thời gian tới.

 

Khi các hiệp định tự do phát huy hiệu lực và thuế về 0%, nhập khẩu thịt sẽ thế nào? Nhà nước phải giữ được thị trường, bảo hộ được thị trường trong nước thông qua kiểm soát chặt nhập khẩu chính ngạch bằng hàng rào kỹ thuật, nhập tiểu ngạch các vật nuôi sống, sản phẩm vật nuôi qua các tỉnh biên giới.

 

Phải tăng cường xuất khẩu, dù đây không phải là lợi thế. Để làm được điều này, ngay bây giờ phải nghĩ đến xúc tiến thương mại.

 

Doanh nghiệp phải tự rà soát lại chiến lược kinh doanh, quy mô chăn nuôi cho phù hợp dung lượng thị trường trong nước và xuất khẩu. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, gắn đều trách nhiệm và quyền lợi với nhau. Đặc biệt, cần đầu tư đích đáng cho công nghệ, bởi lĩnh vực này là vô tận, có thể giúp giải quyết được những hữu hạn của ngành chăn nuôi Việt Nam.

 

Với chăn nuôi nông hộ cần đánh giá, nhìn nhận lại khả năng của mình. Nếu còn theo nghề, bắt buộc phải chuyên nghiệp để kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, nông dân cũng nên xác định gắn mình vào chuỗi liên kết, giờ không thể chăn nuôi đơn độc được nữa.

 

Xin cảm ơn ông!

Bình luận