Công nghệ số trong quản lý chăn nuôi, thú y: [Bài 1] Ứng dụng công nghệ Blockchain

Bình luận · 213 Lượt xem

Cách đây 10 năm, Bình Định đã quản lý dịch bệnh gia súc bằng bản đồ số, mấy năm gần đây, công nghệ Blockchain trợ lực thêm cho công tác quản lý đàn vật nuôi…

Không ngừng đổi mới công nghệ quản lý, kiểm soát dịch bệnh

Đầu thập niên 2010, Bình Định đã xây dựng bản đồ dịch tễ hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS) và bệnh dịch tả trên đàn heo. Bản đồ số được xây dựng theo công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) bước đầu đã hỗ trợ cho việc xác định các vùng dịch đã xảy ra tại Bình Định, dự báo khả năng lây truyền và phát sinh dịch bệnh tại các địa phương trong tỉnh.

 

Ưu điểm của công nghệ này là giúp cơ quan quản lý có cái nhìn tổng quan về vị trí, cùng thông tin chi tiết các khu vực chăn nuôi, những điểm giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật, xác định các điểm xuất hiện dịch, bán kính ảnh hưởng cũng như các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng trên bản đồ GIS, để ngành chức năng kịp thời đề ra các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả.

 

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, khi ấy, bản đồ số được xây dựng theo công nghệ GIS hỗ trợ nhiều cho việc xác định các vùng dịch đã xảy ra và dự báo khả năng lan truyền và phát sinh dịch bệnh trong các khu vực lân cận, cho từng loại dịch bệnh khác nhau. Là công cụ hữu hiệu đặc biệt cho cơ quan quản lý thú y, giúp ngành chức năng kiểm soát được các vùng dịch bệnh 1 cách toàn diện, đồng thời có thể so sánh được việc phát sinh dịch bệnh trong nhiều thời điểm khác nhau.

 

Thế nhưng trong 5 năm nay, cũng theo ông Diệp, ngành chức năng Bình Định đã áp dụng phần mềm quản lý đàn vật nuôi và dịch bệnh bằng công nghệ Blockchain trên địa bàn tỉnh. Đây là bước tiến trong việc số hóa công tác quản lý và kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi của tỉnh Bình Định.

 

Để thực hiện việc khai báo và quản lý phần mềm Blockchain hiệu quả, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Cục Thống kê phối hợp với Sở NN-PTNT xây dựng kế hoạch phân công những công việc thực hiện phần mềm quản lý đàn vật nuôi và thông tin chống dịch thật cụ thể.

 

“Ngành chức năng tuyên truyền cho người chăn nuôi nắm bắt được ý nghĩa, quyền lợi, trách nhiệm trong việc tham gia chương trình quản lý đàn vật nuôi và phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Cơ sở chăn nuôi nắm bắt cách thao tác ứng dụng trên điện thoại thông minh, để báo cáo tình hình đàn vật nuôi, dịch bệnh và việc tiêu thụ, vận chuyển; thực việc chủ động, tự giác trong việc báo cáo số liệu chăn nuôi, tình hình dịch bệnh tại cơ sở của mình…”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, chia sẻ.

 

Quản lý vật nuôi từ trang trại đến bàn ăn

Áp dụng công nghệ Blockchain để quản lý đàn và kiểm soát dịch bệnh đối với đàn heo, đã giúp cho ngành chăn nuôi Bình Định quản lý được tổng đàn vật nuôi thường xuyên trên địa bàn; có thông tin nhanh, chính xác về đàn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi; quản lý thông tin thống kê; nắm bắt được tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có những giải pháp kịp thời phòng, chống hiệu quả.

 

Ngoài ra, phần mềm nói trên còn giúp ngành chức năng quản lý việc áp dụng an toàn sinh học, công tác tiêm phòng và thức ăn cho heo tại cơ sở chăn nuôi. Đặc biệt, nhờ phần mềm này mà ngành chức năng Bình Định còn theo dõi được trang trại bị lây nhiễm dịch bệnh, việc xử lý tiêu hủy gia súc, gia cầm và việc hỗ trợ thiệt hại cho cơ sở chăn nuôi do dịch bệnh gây ra. Cơ sở chăn nuôi được cung cấp miễn phí phần mềm trên điện thoại thông minh kết nối Internet, sau khi hoàn tất khai báo thông tin, hệ thống sẽ cung cấp mã quản lý, sử dụng.

 

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh này đã có 800 cơ sở chăn nuôi sử dụng phần mềm quản lý đàn vật nuôi và dịch bệnh bằng công nghệ Blockchain. Trong đó, huyện Hoài Ân có 450 cơ sở, thị xã An Nhơn có 100 cơ sở, huyện Phù Cát có 100 cơ sở, thị xã Hoài Nhơn có 80 cơ sở và huyện Phù Cát có 70 cơ sở.

 

Trước khi áp dụng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định đã phối hợp với Cục Thống kê tỉnh tổ chức tập huấn, triển khai phần mềm cho 800 cơ sở chăn nuôI nói trên. Các chủ cơ sở chăn nuôi được hướng dẫn cài đặt phần mềm, cập nhật thông tin liên quan đến đàn vật nuôi trong quá trình chăn nuôi; cập nhật các thông tin liên quan đến dịch bệnh.

 

“Phần mềm công nghệ Blockchain quản lý đàn vật nuôi từ trang trại đến bàn ăn. Phần mềm quản lý số lượng đàn đối với heo thịt, heo nái, heo con. Về quản lý dịch bệnh, đối với heo bị bệnh, người chăn nuôi sẽ báo cáo, qua đó áp dụng quy trình xử lý từ sát trùng chuồng trại, sử dụng vacxin.

 

Phần mềm này còn giúp ngành chức năng truy xuất chuỗi cung ứng thịt heo ra đến thị trường; hỗ trợ kết nối các kênh tiêu thụ và xây dựng thương hiệu; giúp cơ quan quản lý nắm được số lượng đàn, cập nhật chính xác số liệu chăn nuôi; hỗ trợ nhận biết và kiểm soát dịch bệnh; kiểm soát từ khâu vận chuyển, thức ăn, giết mổ, tiêu thụ". Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định.

Vũ Đình Thung

 

Bình luận