Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, cho biết: UBND huyện thành lập các đoàn công tác rà soát, đánh giá điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, từ đó xây dựng quy hoạch vùng trồng các loại cây phù hợp. Đồng thời, triển khai hỗ trợ 30 tỷ đồng mua cây, con giống; mỗi năm tổ chức khoảng 150 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân, từng bước giúp bà con nắm vững kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi.
Toàn huyện đang duy trì 13.789 ha lúa, 2.510 ha cây ăn quả các loại; trên 1.100 ha cỏ phục vụ chăn nuôi và gần 5.000 ha trồng cây hoa màu và cây trồng khác. Nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2020, huyện Phù Yên triển khai thực hiện các mô hình trồng lúa và trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, tạo sức lan tỏa, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, tăng giá trị nông sản của địa phương. Đến nay, diện tích sản xuất lúa hữu cơ của huyện đạt trên 300 ha, trong tháng 10, thương hiệu “Gạo hữu cơ” sẽ chính thức được công nhận.
Tham gia trồng lúa hữu cơ, bà Đinh Thị Việt, bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, nói: Gia đình tôi có 4.000 m2 ruộng lúa trồng theo phương pháp hữu cơ. Ưu điểm của cách làm này đó là khả năng chống, chịu sâu bệnh của cây lúa tốt hơn. Ngoài ra, giá bán gạo cũng cao hơn từ 5.000 đồng/kg trở lên. Với sản lượng thóc mỗi vụ đạt từ 2-3 tấn, ngoài phục vụ sinh hoạt của gia đình, tôi còn bán ra thị trường, thu từ 30-35 triệu đồng/vụ.
Bên cạnh trồng lúa, với quyết tâm thay đổi những diện tích nương ngô tại các xã vùng Mường trở thành vùng trồng cây ăn quả có múi chất lượng cao, huyện đã chỉ đạo các xã hướng dẫn nhân dân lựa chọn giống cây trồng, kỹ thuật sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm... Hiện nay, toàn huyện trồng gần 1.000 ha cây ăn quả có múi, chủ yếu là cam, bưởi, sản lượng đạt 12.409 tấn quả các loại/năm. Đã có nhiều nông dân trở thành triệu phú từ trồng cây ăn quả có múi, như ông Nguyễn Tiến Cường, bà Nguyễn Thị Lưu, bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi; ông Nguyễn Văn Ngân, bản Văn Phúc Yên, xã Mường Thải; ông Trần Văn Tuấn, bản Yên Thịnh, xã Tân Lang...
Lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản cũng có bước phát triển mạnh về chất và lượng. Hiện nay, tổng đàn gia súc của huyện đạt trên 117.650 con, hầu hết được nuôi theo hình thức bán chăn thả, tận dụng các phiêng, bãi rộng, dựng rào quây, ngăn từng khu thuận lợi cho việc quản lý và tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng dần qua từng năm, riêng năm 2022 đạt trên 6.300 tấn. Đối với nuôi thủy sản, nhân dân đã tận dụng hiệu quả trên 3.350ha mặt nước trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, kết hợp với đánh bắt, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 1.220 tấn/năm.
Đối với các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, huyện chỉ đạo các xã vận động nhân dân trồng các loại cây lâm nghiệp, cây lấy gỗ. Đến nay, diện tích cây lâm nghiệp tại các xã vùng lòng hồ đạt khoảng 800ha, mang lại thu nhập ổn định cho nhân dân. Ông Hà Văn Minh, bản Bèo, xã Tường Phong, cho biết: Gia đình tôi có 1 ha cây tếch đã trồng 26 năm, đang cho thu hoạch và 1,5 ha đã trồng được 7 năm, đang phát triển tốt. Trồng cây tếch vừa để phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa cho thu nhập 40 triệu đồng/năm.
Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với từng vùng, từng địa phương của huyện Phù Yên đã giúp nhân dân phát triển kinh tế bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.