Hà Nội tổ chức tái cơ cấu ngành trồng trọt: Nâng cao hiệu quả sử dụng đất

Bình luận · 182 Lượt xem

Hà Nội đã và đang tổ chức tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng sản xuất tập trung chuyên canh, quy mô lớn, tăng diện tích cây ăn quả đặc sản; rau an toàn; hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao.

Nhờ đó, đã nâng cao hiệu quả sử dụng đất, xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt cho giá trị kinh tế cao, giúp cải thiện đời sống của người dân ở khu vực nông thôn.

Tái cơ cấu nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng giai đoạn 2016-2020 đã đạt được những kết quả nhất định, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao. Điển hình như huyện Mê Linh, đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, như: Vùng trồng rau an toàn 3.600ha, vùng trồng hoa cây cảnh 2.000ha…; từng bước hình thành nền nông nghiệp hàng hóa, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tiến Tuấn, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) Nguyễn Tiến Dũng, sau khi được UBND huyện Mê Linh phê duyệt phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, công ty đã tập trung phát triển trang trại tổng hợp với diện tích gần 129.000m2; trong đó có khoảng 4.000m2 trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 120.000 cây lan các loại, doanh thu hàng tỷ đồng/năm.

Hay như tại huyện Thanh Trì, theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Vạn Phúc Nguyễn Anh Huy, năm 2013, sau quá trình thực hiện dồn điền, đổi thửa, nông dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Trong số 130ha đất nông nghiệp của xã, người dân đã chuyển đổi 60ha sang trồng cây quất cảnh và cây ăn quả.

Việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực trồng trọt, đã giúp cho Hà Nội quy hoạch được vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh vùng, miền, thổ nhưỡng. Hiện tại, đã hình thành được hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung (từ 50ha đến 300ha/vùng) cho giá trị cao hơn 25-30% so với sản xuất lúa truyền thống; vùng trồng cây ăn quả tập trung 21.800ha (bưởi, cam, nhãn, ổi...), trong đó có 60% diện tích trồng các loại cây đặc sản, xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu đạt giá trị từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm; vùng trồng rau an toàn 5.044ha, hơn 50ha rau hữu cơ... Đặc biệt, Hà Nội đã hình thành 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Nhiều mô hình trồng trọt còn manh mún, nhỏ lẻ; ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Số lượng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn ít, gây khó khăn cho việc mở rộng quy mô trồng trọt theo hướng tập trung, quy mô lớn…

Để khắc phục những hạn chế và hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, ngày 25-2-2022, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 731/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, Hà Nội sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng rau, hoa, cây cảnh... Theo đó, Hà Nội duy trì 150.000ha sản xuất lúa, nhưng phát triển theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng cao, nhất là giống lúa Japonica để phục vụ tiêu dùng của người dân Thủ đô và xuất khẩu. Phát triển 7.449ha hoa, cây cảnh, với các giống chủ lực: Hoa lan, hoa cúc, hoa hồng, các giống hoa mới nhập khẩu...; hình thành các vùng trồng tập trung, có quy mô từ 20ha đến 50ha trở lên, ứng dụng công nghệ cao, thông minh... Thành phố cũng duy trì 23.206ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: Bưởi đỏ Tân Lạc, nhãn chín muộn, bưởi Diễn, cam Canh, táo, ổi…

Để thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển thông tin, huyện tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa, vùng cây ăn quả cho phù hợp với quy hoạch của huyện là hành lang xanh, vùng đô thị sinh thái ven đô.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, Sở tiếp tục tham mưu cho thành phố về chính sách hỗ trợ nghiên cứu, bảo vệ, phát triển, sản xuất các loại giống cây trồng đặc sản; tạo cơ chế hỗ trợ nhập các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao. Chuyển đổi linh hoạt giữa trồng cây lương thực, cây thực phẩm; phát triển trồng trọt theo hướng hữu cơ, gắn sản xuất hữu cơ với du lịch và bảo vệ môi trường.

“Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi, có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về tín dụng, xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi... để thu hút các đơn vị có đủ tiềm lực về kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng. Từ đó, hình thành những mô hình sản xuất quy mô lớn, tạo ra nhiều mặt hàng nông sản có lợi thế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.

Bình luận