Cùng với 2 vụ lúa, vụ đông luôn được xã Duyên Hải (Hưng Hà, Thái Bình) xác định là vụ sản xuất chính trong năm. Do vậy, việc quy hoạch vùng sản xuất, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống đều có sự gắn kết cả 3 vụ.
Với quyết tâm không để đất nghỉ, đất trống nên khi lúa chín đỏ đuôi, nông dân xã Duyên Hải đã bắt đầu rẽ lúa đặt bầu gieo trồng cây vụ đông để bảo đảm thời vụ.
Là trưởng thôn, dù bận rộn với công việc làng xã nhưng vụ đông nào ông Vũ Quang Phụng, thôn Khả Đông cũng trồng 1,5 mẫu bí đỏ. Ông bảo “Cán bộ nào thì phong trào ấy”. Thấy ông hăng hái, tích cực bám đồng, bám ruộng, bà con trong thôn cũng hào hứng tham gia. Không chỉ trồng hết diện tích ruộng của gia đình, nhiều hộ trong thôn còn mượn thêm ruộng để canh tác.
Ông Phụng cho biết: Toàn thôn hiện có 22ha trồng cây vụ đông, trong đó 18ha trồng cây bí đỏ. Để bảo đảm thời vụ, bà con đã làm bầu sớm trước 10 ngày. Từ ngày 20/9, bà con rẽ lúa đặt bầu xuống ruộng. Do chủ động làm sớm nên khi thu hoạch lúa mùa xong thì bí đã lên xanh. Đến nay, toàn thôn đã gieo trồng được 80% diện tích bí đỏ theo kế hoạch.
Những ngày này, tại các cánh đồng ở xã Duyên Hải, người thu hoạch lúa, người chở cây giống ươm trồng, người thì làm đất, làm luống, tưới cây..., mọi việc diễn ra hối hả. Gia đình bà Nguyễn Thị Năm, thôn Khả Đông là một trong những hộ mạnh dạn tích tụ ruộng đất để mở rộng diện tích trồng cây vụ đông với gần 1,5 mẫu bí đỏ.
“Từ nhiều năm nay, gia đình tôi lựa chọn cây bí đỏ là cây trồng chủ lực trong vụ đông. Là cây vụ đông ưa ấm nên đòi hỏi khắt khe về lịch thời vụ, do đó tôi áp dụng phương pháp gối vụ, gieo hạt trong bầu, khi lúa đỏ đuôi sẽ rẽ hàng đặt bầu vừa bảo đảm lịch thời vụ lại không ảnh hưởng tới năng suất lúa. Từ trồng cây vụ đông, mỗi năm gia đình tôi thu về gần 100 triệu đồng. Năm nay, nếu thời tiết thuận lợi, giá cả ổn định như các năm trước ước tính sẽ đạt bình quân 3 - 4 triệu đồng/sào” - bà Năm chia sẻ.
Không chỉ thôn Khả Đông, phong trào thi đua sản xuất vụ đông lan tỏa khắp các thôn ở xã Duyên Hải. Năm nay toàn xã phấn đấu gieo trồng 230ha cây vụ đông, trong đó có 158ha cây bí đỏ (vượt chỉ tiêu huyện giao).
Ở đây, nông dân trồng bí đỏ theo phương pháp làm đất tối thiểu, không cần làm luống, chỉ thực hiện một số thao tác như gặt trước 4 - 8 hàng lúa, đặt bầu, bón phân, phủ rạ xung quanh.
Ông Lê Xuân Hùng, thôn Khả Tân cho biết: Năm nay, gia đình tôi phấn đấu gieo trồng gần 1,5 mẫu bí đỏ, tăng 5 sào so với vụ đông năm ngoái. Để rút ngắn thời vụ, tôi làm bầu sớm, rẽ lúa đặt cây bí ra ruộng trước, bí lên 3 - 4 lá thì thu hoạch lúa. Trồng sớm sẽ cho thu hoạch sớm, dễ bán lại được giá cao nên năm nay gia đình tôi tiếp tục mượn ruộng mở rộng diện tích.
Xác định vụ đông là vụ sản xuất mang lại thu nhập cao cho nông dân, ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, của huyện, xã Duyên Hải cũng có những cách làm riêng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm mở rộng diện tích.
Ông Nguyễn Xuân Luyến, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Bí đỏ được trồng trên đồng đất Duyên Hải hàng chục năm nay, diện tích năm sau luôn tăng so với năm trước. Để khuyến khích bà con mở rộng diện tích, yên tâm sản xuất, HTX đã tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây bí để bà con chủ động nắm bắt, rút kinh nghiệm, áp dụng vào thực tế; ngoài việc vận động nông dân lựa chọn cấy các giống lúa ngắn ngày để sớm được thu hoạch, giải phóng đất trồng cây vụ đông, chúng tôi còn triển khai nhiều giải pháp khuyến khích bà con thông qua việc làm tốt các khâu dịch vụ, triển khai sớm việc trợ giá giống, vật tư phân bón phục vụ nông dân sản xuất. Đồng thời, HTX liên kết với các công ty ở Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội... bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Với phương châm “sáng lúa, chiều cây vụ đông”, không khí lao động sản xuất trên các cánh đồng ở xã Duyên Hải luôn nhộn nhịp, khẩn trương. Thời tiết đầu vụ tương đối thuận lợi cho việc xuống giống gieo trồng cây vụ đông đã tạo thêm hy vọng cho người dân nơi đây về một vụ đông thắng lợi.