Hoan ca một dải biên thùy: [Bài 1] Nước bạc trên cao nguyên xanh

Comments · 110 Views

Cái hồ chứa lớn nhất nhì Tây Nguyên đã giải cơn khát tự ngàn đời cho miền biên viễn, cho thêm nhiều nghề mới với cộng đồng các dân tộc đang sinh sống nơi đây.

Cái lòng hồ mà tôi nhắc đến ở trên, chính là lòng hồ thủy lợi Ia Mơr- một trong những công trình thủy lợi lớn nhất ở Tây Nguyên, tính đến thời điểm hiện tại.

 

Giải cơn khát ngàn năm

Tôi đã từng đi- không chỉ là một lần, suốt dọc những địa danh ở sườn Tây Trường Sơn, giáp biên giới Vương quốc Campuchia: Đó là Ea Sup thuộc tỉnh Đăk Lăk, là Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai thuộc tỉnh Gia Lai…

 

Dọc một dải biên thùy này, vào mùa mưa là trắng trời suốt sáu tháng, những dòng nước bạc hung tợn luôn là nỗi ám ảnh của cư dân bản địa tự ngàn đời nay. Còn vào mùa khô, những cơn gió phóng khoáng cứ vô tư sải cánh trên đại ngàn mênh mang, cuốn tung những lớp bụi đỏ, một trời mờ mịt. “Đặc sản” của mùa khô nơi đây, chính là cái nóng hầm hập: Con người ta lúc nào cũng cảm thấy nhớp nháp khó chịu. Cây cối thì cứ quắt quéo lại. Từng đàn trâu, bò thì tìm vào những gốc cây dưới tán rừng khộp để tránh nắng. Đất đai trơ khấc, nóng như hun, cứ như ngoài những loại cây thân dầu của miên man rừng khộp thì chẳng có loại cây nào khác sống được vào mùa khô khắc nghiệt ở nơi đây…

 

Lạ thay, những cơn lũ hung tợn vào mùa mưa, hay cái nắng nóng như muốn thiêu cháy cây cối suốt sáu tháng mùa khô lại không thể khuất phục được con người nơi đây. Hình như chính sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã hun đúc nên tinh thần sắt đá của người J’rai nơi miền biên giới xa xôi này.

 

Thế rồi, niềm vui cũng đã đến với người dân miền biên viễn này, khi mà công trình thủy lợi Ia Mơr chính thức được khởi công xây dựng vào năm 2005. Theo thiết kế, công trình có dung tích hữu ích là 177,8 triệu m3 nước, diện tích mặt nước 2.800 ha, phục vụ tưới cho hơn 12.500 ha đất canh tác (4.000 ha tưới cho huyện Ea Sup, tỉnh Đăk Lăk, 8.500 ha tưới cho một số xã ở huyện Chư Prông của tỉnh Gia Lai). Ngoài ra, công trình còn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 50.000 hộ dân trong vùng hưởng lợi…

 

Bên cạnh việc cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt cho người dân trong vùng, thủy lợi Ia Mơr còn có vai trò duy trì dòng chảy môi trường, cắt giảm lũ phía hạ du, kết hợp phát điện...

 

Công trình hồ chứa thủy lợi Ia Mơr như một dấu chấm hết cho sự thiếu nước của người dân nơi đây, giải cơn khát ngự trị tự ngàn đời nay nơi miền biên giới xa xôi này.

 

Ngát xanh miền biên viễn

Hồ chứa Ia Mơr là nơi nhận nước từ các con suối lớn bé trong vùng, trong đó có con suối mang tên Ia Mơr. Theo giải thích của những người già J’rai ở đây thì, Ia là nước, là suối, còn Mơr là không trong, là đục. Ở xã Ia Mơ, có một con suối mà người Kinh hay gọi là suối Nước Đục. Gần ba mươi năm về trước, tôi đã từng đi trên con đường đặc quánh bùn đỏ xuyên qua những cánh rừng khộp, từng run rẩy trên cây cầu treo ngạo nghễ bắc ngang suối Nước Đục để đến với Ia Mơ.

 

Còn bây giờ, từ trung tâm thành phố Pleiku vào đến xã Ia Mơ, hơn tám mươi cây số, ngồi xe máy lạnh chỉ hơn một giờ đồng hồ. Đường vào xã Ia Mơ bây giờ là đường nhựa phẳng lỳ, có một vài đoạn đường dốc quanh co thì được thảm bằng bê tông. Cây cầu treo bắc qua suối Nước Đục ngày nào, giờ được thay bằng cây cầu bê tông vĩnh cửu.

 

Ia Mơ- miền biên giới xa xôi, nay đã được xích lại gần hơn với phố thị…

 

Xã biên giới Ia Mơ bây giờ là bạt ngàn những cánh đồng lúa nước hai vụ, dịu dàng ôm lấy những thị tứ, những làng mạc sầm uất…

 

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr cho biết: Tổng diện tích gieo trồng toàn xã là 1772,15 ha, với… Cơ cấu cây trồng ở đây phong phú với đủ các loại cây trồng như điều, lúa, dưa hấy, bí đỏ, mía, rau đậu các loại... Nhiều năm về trước, đời sống của bà con, chủ yếu là đồng bào J’rai còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập của nhân dân thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông chưa được đầu tư bài bản...

 

Một điều đặc biệt là từ khi có nước từ công trình thủy lợi Ia Mơr thì đến thời điểm hiện tại, xã Ia Mơ đã hình thành được hai cánh đồng trồng lúa nước hai vụ với 382 ha. Đây là những vùng đất khô cằn mà trước kia, bà con dân tộc J’rai chỉ biết tra hạt lúa xuống đất rồi… giao cho trời, hoặc những khu chăn thả tự nhiên với nỗi lo trâu bò bị lũ cuốn trôi vào mùa mưa, hoặc thiếu đồng cỏ cho bầy gia súc chăn thả trong những mùa khô khốc liệt...

 

Còn bây giờ, nước đi đến đâu, lúa tốt bời bời đến đó. Lúa nước hai vụ theo chân người J’rai, người Tày, người Thái, người Kinh nơi đây, len lỏi đến tận gầm nhà sàn, rồi mở ra những cánh đồng bao la, ngằn ngặt xanh đến tận đường chân trời. Cái đói đã vĩnh viễn được đẩy lùi.

 

Bà K’păh Bơi, một phụ nữ lớn tuổi người dân tộc J’rai không thể nhớ là từ khi nào, đã trải qua bao nhiều đời rồi, dòng họ K’păh của bà đã sinh sống ở làng Nap thuộc xã Ia Mơ này. Gia đình bà có 6 sào đất mà theo bà thì trước đây, khi chưa có nước từ công trình thủy lợi, gia đình bà (cũng như bao gia đình khác ở cái làng Náp, ở xã Ia Mơ này) chỉ trồng lúa một vụ bấp bênh hoặc một vài loại cây truyền thống khác. Theo đó, cuộc sống cũng bấp bênh theo thời tiết mỗi năm.

 

“Trước đây bà con chỉ làm lúa được một vụ nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều năm mất mùa, bị đói giáp hạt là chuyện thường tình. Nay có hồ thủy lợi, bà con vui lắm, có nước để bà con trồng lúa hai vụ, có nước cho con người và bầy trâu, bầy bò uống, do đó có thêm thu nhập để cuộc sống ấm no hơn”, bà K’păh Bơi không dấu nổi niềm vui.

 

Còn ở làng Klă, một thời, gia đình anh Vy Phúc Thuận thuộc diện khó khăn, kinh tế gia đình gần như chỉ trông ngóng vào hơn 3 sào lúa sản xuất một vụ. Khó khăn là phải bởi di cư từ miền Tây Bắc vào, vợ chồng anh hầu như chỉ mang theo… đôi bàn tay cần mẫn, đất đai thì thường xuyên thiếu nước, nếu năm nào gặp thời tiết khô hạn, xem như mất trắng. Từ khi có nước về, 3 sào ruộng của anh bỗng như “trở mình”, hạt giống gặp nước, thêm vào sự cần mẫn cứ bời bời xanh tốt. Kể từ đó, sự túng thiếu chỉ còn là một ký ức. “Trước đây, cánh đồng này chưa có nước về nên bà con chỉ làm lúa một vụ. Từ ngày có kênh thủy lợi dẫn nước vào đồng ruộng, bà con chúng tôi rất vui. Giờ người dân ở đây đã biết trồng lúa hai vụ rồi, cuộc sống đỡ hơn nhiều so với trước”, anh Thuận nói.

 

Có nước, cộng với sự chịu khó và kinh nghiệm canh tác lúa nước của đồng bào phía Bắc đã giúp vùng biên trở mình thức giấc. Người J’rai vùng biên này chỉ quen canh tác lúa rẫy lạc hậu, giờ học hỏi cách làm lúa nước hai vụ, cuộc sống khấm khá hẳn lên. Theo đó là trường học, trạm y tế mọc lên bên những ruộng lúa ngát xanh suốt dọc một dải biên thùy này.

 

Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ chia sẻ: “Việc mở rộng những cánh đồng lúa nước hai vụ là một thay đổi lớn, giúp người dân nơi đây dần làm quen với việc canh tác lúa nước hiện đại. Địa phương luôn vận động bà con không nên bán đất mà phải giữ lại đất để canh tác, phát triển kinh tế gia đình và để dành đất cho con cháu sau này”.

 

Trần Đăng Lâm

Comments