Ngày 19/8, UBND huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị giới thiệu cơ hội đầu tư cho gần 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Huyện Tân Phước thuộc tiểu vùng sinh thái Đồng Tháp Mười, được thành lập gần 30 năm. Huyện có 12 xã, thị trấn, diện tích đất tự nhiên là hơn 33.000ha, dân số gần 67.000 người. Được sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, của tỉnh, gần đây tình hình kinh tế xã hội của Tân Phước có bước phát triển đáng kể. Từ vùng đất hoang hóa toàn rừng tràm, cây năng, đến nay người dân Tân Phước đã khai hoang mở đất trồng được 6.000ha lúa, 15.000ha khóm, 1.000ha khoai mỡ, 1.000ha cây thanh long, 800ha cây mít... Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 65 triệu đồng/năm.
Huyện Tân Phước có đặc thù riêng, có lợi thế để thu hút các nhà đầu tư. Toàn huyện có 7 tuyến đường giao thông trọng yếu kết nối Quốc lộ 1A, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và đang triển khai dự án đường Đồng Tháp Mười kết nối từ trung tâm huyện đến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Hệ thống đường thủy đã được khai thông, kết nối liên hoàn, trong đó có kênh Nguyễn Văn Tiếp kết nối liên vùng đến TP.HCM.
Trên địa bàn còn có 9 di tích gồm 1 di tích cấp Quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh, 1 Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, 1 khu bảo tồn sinh thái rộng 106ha với 60 loài chim thú quý hiếm; 2 điểm du lịch sinh thái thu hút đông khách các nơi đến tham quan, du lịch.
Thời gian qua huyện Tân Phước rất chú trọng phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển kinh tế. Địa bàn đã có 1 khu công nghiệp Long Giang hoạt động ổn định thu hút nhiều nhà đầu tư Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore; 2 khu công nghiệp Tân Phước 1, Tân Phước 2 đã được quy hoạch với diện tích 730ha. Ngoài ra, huyện còn quy hoạch phân khu vực công nghiệp Thạnh Tân rộng 131ha, khu chăn nuôi và dịch vụ hậu cần chăn nuôi 180ha và 200ha đất công tại trung tâm huyện đang mời gọi, thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp.
Hiện nay, làn sóng đầu tư vào vùng đất mới này đang được phát triển. Ông Quách Trung Kiên, chủ doanh nghiệp kinh doanh du lịch sinh thái Trung Kiên tại xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước nhận xét môi trường đầu tư ở huyện Tân Phước rất tốt. Về đất đai, có nhiều cánh đồng mẫu lớn. Cơ hội đầu tư, đặc biệt phát triển du lịch ở Tân Phước rất tốt. Có thể thực hiện các dự án du lịch tâm linh và du lịch sinh thái.
Về chính sách thu hút đầu tư, ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước cho biết, Tân Phước hiện còn là huyện nghèo nên các chính sách ưu đãi về thuế rất nhiều. Các doanh nghiệp đầu tư sẽ được hưởng lợi vì điều kiện kinh tế - xã hội đã giảm khó khăn và có nhiều cơ hội phát triển. Các ngành nghề có danh mục ưu tiên, tùy theo lĩnh vực thu hút đầu tư về xã hội hóa, khu cụm công nghiệp huyện Tân Phước có chính sách ưu tiên riêng.
Các nhà đầu tư sẽ được nhiều chính sách ưu đãi như: được miễn, giảm tiền thuê đất, mặt nước, tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp,... Thuế thu nhập doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ, được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm kể từ khi đi vào hoạt động có doanh thu. Đồng thời, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo khi có thu nhập chịu thuế (chưa trừ chuyển lỗ).
Tại hội nghị, UBND huyện Tân Phước đã giới thiệu 15 dự án mời gọi đầu tư, trong đó có 5 dự án phát triển công nghiệp. Đặc biệt, ở lĩnh vực nông nghiệp, huyện Tân Phước đang kêu gọi 2 dự án. Dự án Tổ hợp các dự án sản xuất chế biến nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến huyện Tân Phước có quy mô 200ha trên nền đất công. Dự án khu chăn nuôi và các dịch vụ hậu cần chăn nuôi xã Thạnh Hòa quy mô 180,3ha cũng trên nền đất công.
UBND tỉnh Tiền Giang đã đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông, thủy lợi để khai thác vùng đất giàu tiềm năng này