Đưa giống cây trồng mới đến với bà con người Mông trên biên giới Pù Nhi

Bình luận · 203 Lượt xem

Đồn Biên phòng Pù Nhi, BĐBP Thanh Hóa quản lý địa bàn 3 xã thuộc huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, với 2.939 hộ/14.179 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm tới 79% tổng dân số. Với thói quen phát nương, trỉa rẫy trên

Thực hiện chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Mường Lát, trong thời gian qua, Đồn Biên phòng Pù Nhi, BĐBP Thanh Hóa đã tích cực triển khai dự án, tìm tòi đưa giống cây mới và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để cây cho năng suất cao, dần nâng cao đời sống cho người dân.

Hành trình đưa giống cây mới đến với đồng bào Mông

Thiếu tá Hơ Văn Xá, Đội trưởng vũ trang, Đồn Biên phòng Pù Nhi chuẩn bị tư tưởng cho tôi trước khi khởi hành đến nhà ông Thao Nọ Gia, 60 tuổi, ở bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát bằng câu nói: “Anh chỉ cầm theo những thứ thật cần thiết và nhẹ thôi kẻo phải đi bộ trèo dốc hơn 5km mới đến được nhà của ông ấy”. Quả đúng như lời Xá nói, chúng tôi xuất phát từ Đồn Biên phòng Pù Nhi lúc 7 giờ 30 phút sáng, sau khi “mượn” đường đi thuộc địa bàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn chừng gần 10km, Xá gửi xe ở một nhà dân và từ đó chúng tôi đi bộ, bám theo con đường ngược núi để tìm đến nhà ông Nọ Gia.

Ngôi nhà ông Nọ Gia tựa lưng vào sườn núi, hướng về phía mặt trời mọc, khi tôi và Xá vừa chạm lối ngõ rẽ vào nhà thì cũng là lúc ông Nọ Gia mới từ trên rẫy trồng cây táo mèo trở về. Ông đón chúng tôi trong nụ cười xởi lởi và niềm vui của người nông dân nhìn thấy thành quả lao động do mình làm ra đang hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Ông chia sẻ: “Trước đây, mình toàn phát nương để trỉa cây ngô, cây lúa, nương ở trên núi cao nên chẳng có nước tưới, năm ông trời cho mưa thì lúa tốt, năm hạn hán thì cả nhà thiếu cái ăn. Cả nhà mình, ai cũng chăm chỉ lên nương rẫy nhưng không biết nhiều về cách chăm sóc, nên sản lượng thấp, vì thế cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn. Khi nghe anh Xá và các anh ở Đồn Biên phòng Pù Nhi vận động thay đổi để trồng cây táo mèo, năm 2019, mình đã đồng ý trồng với diện tích hơn 5ha và giờ đây vườn cây của gia đình mình đã lên tốt và cho quả mùa đầu tiên”.

Để vận động người Mông thay đổi tư duy và cách sản xuất cũ đã ăn sâu vào tiềm thức của họ là một việc làm chưa bao giờ được gọi là dễ dàng. Việc đưa giống cây mới, có năng suất và tính thương mại cao cho bà con người Mông trên biên giới Pù Nhi của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pù Nhi cũng vậy. Các anh đã phải bám nương rẫy cùng với người dân từ lúc đi tìm cây giống đến lúc cây cắm rễ nảy cành và ra quả trên đất đồi, núi đá. Vòng đời sinh trưởng của cây táo mèo khi hạt nảy mần cho đến khi cây có quả bói đầu tiên mất chừng 4 năm và đó cũng chính là quãng thời gian mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pù Nhi tuyên truyền, vận động được ông Thao Nọ Gia trồng 5ha cây táo mèo.

Tạm biệt gia đình Nọ Gia, tôi và Thiếu tá Hơ Văn Xá tiếp tục tìm đến nhà anh Va Văn Câu, 44 tuổi ở bản Lốc Há, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát để tham quan mô hình trồng xen cây mận và cây đào trên cùng một diện tích đã ít nhiều đem lại nguồn kinh tế cho gia đình. Chúng tôi đến nhà khi anh Câu đang đi rẫy làm cỏ cho vườn cây. Gửi lại xe máy, chúng tôi lại cuốc bộ qua những rãnh hợp thủy, những con dốc để đến và tận mắt nhìn vườn cây xanh tốt của gia đình anh Câu. Với diện tích hơn 4ha, anh Câu đã trồng xen trên 200 gốc đào và mận từ năm 2020, vụ này cây đã cho quả bói đầu tiên, gia đình anh thu hoạch được khoảng trên 100kg, giá bán trên thị trường hiện nay là 30.000 đồng/1kg đào và 15.000 đồng/1kg mận, anh Câu đã thu về hơn 20 triệu đồng. Tuy chưa thật sự nhiều, song so với việc làm lúa, trồng ngô theo truyền thống thì đây là một khoản thu nhập không hề nhỏ.

Quyết tâm phát triển để trở thành cây chủ lực

Người hiểu kỹ nhất về việc đưa cây đào và cây táo mèo về trồng trên rẫy của người Mông ở vùng đất biên cương Pù Nhi chính là Thiếu tá Hờ Văn Xá, khi anh còn giữ chức vụ Đội trưởng đội Vận động quần chúng của đơn vị từ năm 2017 đến năm 2022. Buổi đầu tiên nhận công tác, anh được trực tiếp đồng chí Chính trị viên giao nhiệm vụ phải nghiên cứu, tìm tòi các loại giống cây mới có giá trị kinh tế cao để dần thay thế những loại cây bản địa vốn không đem lại thu nhập tốt cho bà con.

Sau thời gian bám địa bàn tìm hiểu và nhờ vào sự tư vấn, giúp sức của bạn bè đang công tác ở BĐBP Sơn La, anh đã đề xuất Ban chỉ huy đơn vị cũng như lãnh đạo chính quyền 2 xã Pù Nhi và Nhi Sơn đưa cây táo mèo và cây đào về trồng tại địa phương. Khi được sự đồng ý của các cấp lãnh đạo, anh đã cùng với đồng đội tiến hành tìm cây giống và vận động bà con trồng thử nghiệm. Ròng rã gần 2 năm trời, các anh đã động viên được hộ gia đình ông Thao Nọ Gia và anh Va Văn Câu trồng 5ha cây táo mèo và hơn 4ha cây đào.

Đối với cây đào, các anh đã ứng dụng kỹ thuật ghép cành cây đào Sơn La vào gốc cây đào bản địa nên đảm bảo tỷ lệ sống cao, cây phát triển tốt, ít bị sâu bệnh. Khi nhìn thấy gia đình anh Câu trồng và có thu nhập khá từ ngay vụ đầu tiên thì nhiều hộ trong bản Lốc Há cũng như một số bản khác ở xã Nhi Sơn tìm đến học tập và trồng loại cây này.

Để giúp người dân phát triển giống cây mới, Đồn Biên phòng Pù Nhi đã cử cán bộ hiểu biết về kỹ thuật chiết, ghép và chăm sóc cây phối hợp cùng với gia đình anh Câu tích cực tạo nguồn cây giống để cung cấp cho bà con. Trung tá Lê Ngọc Đông, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pù Nhi cho biết: “Hai loại cây mới là táo mèo và đào hiện đang phát triển khá tốt và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế rất khả quan tại hai hộ gia đình trồng thí điểm. Từ hai hộ gia đình này đã có nhiều hộ dân có mong muốn được trồng nhằm thay thế dần những loại cây bản địa không đem lại hiệu quả về kinh tế. Trước vấn đề đó, đơn vị đang xây dựng kế hoạch phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mường Lát nhân rộng mô hình và quyết tâm xây dựng 2 loại cây này trở thành cây trồng chủ lực cho đồng bào Mông ở địa phương”.

Với những gì đã và đang diễn ra trên vùng đất biên cương Pù Nhi, nếu được đầu tư đúng mức cũng như có sự chung sức của các cấp, các ngành địa phương thì việc cây táo mèo và cây đào trở thành cây chủ lực là rất có cơ sở thực tiễn, từ đó chắc chắn đời sống kinh tế người dân sẽ không ngừng được nâng lên

Bình luận