Việt Nam cùng với Ấn Độ được nhiều chuyên gia nhận định là điểm đến đầy triển vọng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Đây là các thị trường không chỉ tiềm năng về nhu cầu tiêu thụ nội địa mà còn có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ sinh thái. Ngành bán dẫn tại Việt Nam tuy còn sơ khai, nhưng cũng có những thành tựu nhất định bước đầu về thu hút các nhà đầu tư nước ngoài góp phần đa dạng hóa chuỗi giá trị ngành. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một bài toán lớn về nguồn nhân lực cần giải quyết cấp bách.
Động lực tăng trưởng thị trường nội địa
Tại thị trường Việt Nam, xét theo các phân khúc sản phẩm bán dẫn thì mạch tích hợp quản lý năng lượng (PMIC) chiếm thị phần cao nhất gần 68%, tiếp theo là vi mạch (microchip) gần 29% và còn lại là công nghệ nhận dạng sóng vô tuyến RFID. Ước tính doanh thu của hai phân khúc PMIC và microchip sẽ tăng trưởng 40% trong giai đoạn 2020-2025.
Nếu xét theo lĩnh vực ứng dụng sản phẩm bán dẫn, điện tử tiêu dùng đang dẫn đầu với thị phần khoảng 62%, công nghệ thông tin – truyền thông chiếm 21%, ô tô chiếm khoảng 10%. Dự kiến quy mô thị trường sản phẩm công nghệ thông tin – truyền thông sẽ tăng trưởng đến 45% trong giai đoạn 2020-2025, điện tử tiêu dùng và ô tô sẽ tăng trưởng khoảng 32%.
Như vậy có thể thấy động lực tăng trưởng các sản phẩm bán dẫn tại thị trường Việt Nam đến từ tăng trưởng nhu cầu của các lĩnh vực công nghệ liên quan.
Thực trạng hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam
Một quy trình sản xuất chip cơ bản gồm 3 giai đoạn sau: (1) thiết kế, (2) sản xuất và (3) lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm.
Tại Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn, phần lớn tập trung vào lĩnh vực thiết kế (80%), chủ yếu là phần xử lý back-end. Nguyên nhân do công đoạn này không đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn mà chỉ phụ thuộc vào yếu tố nhân lực. Hơn nữa, so với thiết kế front-end thì các kỹ năng về back-end dễ dàng đào tạo nhân lực hơn.
Dù vậy, mảng thiết kế bán dẫn của Việt Nam hiện nay đa phần vẫn là thiết kế thuê ngoài theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài, chiếm hơn 80% tổng giá trị toàn ngành thiết kế bán dẫn. Do đó, tuy có sự hội tụ lớn về số lượng doanh nghiệp, nhưng chỉ đóng góp rất khiêm tốn vào tổng giá trị toàn ngành. Phần lớn giá trị lại tập trung ở khâu lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói mà Samsung, Intel và Foxconn là ví dụ điển hình.
Người viết cho rằng, với thực trạng hiện tại, định hướng chiến lược cho Việt Nam là phải đa dạng hóa chuỗi giá trị ngành bán dẫn thông qua con đường: (1) tăng cường năng lực tự chủ để tạo giá trị gia tăng lớn hơn trong khâu thiết kế và lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm; (2) đồng thời tạo điều kiện về mặt chính sách để thu hút các nhà đầu tư vào mảng sản xuất. Tuy nhiên, hướng thứ nhất là khả thi nhất, cũng là ưu tiên hàng đầu cho Việt Nam và cũng là con đường mà các tập đoàn công nghệ bán dẫn lựa chọn khi đến Việt Nam.
Việc đa dạng hóa chuỗi giá trị có ý nghĩa lớn trong việc hoàn thiện hệ sinh thái ngành bán dẫn tại Việt Nam. Sự quy tụ các tập đoàn lớn của nước ngoài sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển các doanh nghiệp phụ trợ. Khi đó, Việt Nam mới thật sự trưởng thành trong lĩnh vực này, chứng minh năng lực đảm nhiệm hầu hết các công đoạn quan trọng trong quá trình sản xuất chip bán dẫn thành phẩm.
Một tín hiệu tích cực trong những năm gần đây là nhiều tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới đã đặt trụ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam như Samsung, LG, Qualcomm… và tiềm năng sắp tới sẽ là các trung tâm nghiên cứu và phát triển của Synopsys, Marvell… Ngoài các ông lớn về lắp ráp và kiểm định chip đã có mặt tại Việt Nam từ lâu như Intel, Foxconn…, Amkor cũng đã chính thức khởi công nhà máy tại Bắc Ninh từ năm ngoái. Những động thái này sẽ từng bước giúp Việt Nam xây dựng được hệ sinh thái ngành đa dạng và nâng cao chuỗi giá trị.
Thách thức về nguồn nhân lực
Đứng trước cơ hội lớn cho đất nước, Chính phủ đã kịp thời nắm bắt xu hướng và phát huy vai trò của mình thông qua con đường ngoại giao và triển khai các công cụ chính sách để thu hút nhà đầu tư. Tuy vậy, một trong những lo lắng lớn của các nhà đầu tư là sự sẵn sàng của nguồn nhân lực Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, cả về số lượng lẫn chất lượng.
Về nguồn nhân lực, theo lời dẫn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi làm việc với hai đại học quốc gia ngày 6-9-2023, Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành bán dẫn, nhưng hiện tại chỉ đáp ứng chưa đầy 20%. Thực tế, ngành bán dẫn phải cạnh tranh nhân lực với các lĩnh vực công nghệ cao khác như điện tử, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… đang phát triển rất nhanh chóng.
Theo kết quả khảo sát của Viện Chính sách Kinh tế và Kinh doanh (IBEP), có khoảng 60% các trường đại học cả nước đào tạo các ngành có thể hỗ trợ cho lĩnh vực bán dẫn như: công nghệ thông tin, điều khiển và tự động hóa, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật điện – điện tử, viễn thông…, cung cấp lực lượng kỹ sư cho thị trường tập trung phần lớn ở phía Nam. Chính vì vậy, riêng ở khía cạnh nguồn nhân lực thì khu vực phía Nam có ưu thế hơn trong việc phát triển khâu thiết kế bán dẫn. Thực tế cho thấy, nhiều công ty thiết kế bán dẫn tập trung tại TPHCM như: Marvell, Renesas, Applied Micro, Ampere…
Về chất lượng nguồn nhân lực, đa phần các đại học hiện nay chưa có một chương trình đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch/bán dẫn mà chủ yếu là trên cơ sở các ngành liên quan. Nguyên nhân do sự hạn chế về đội ngũ chuyên gia thiết kế vi mạch/bán dẫn đáp ứng tiêu chuẩn nhân sự tại đại học và chi phí đầu tư vào hệ thống phần mềm, phòng thí nghiệm để đào tạo.
Khuyến nghị về nguồn nhân lực
Với những hạn chế trên, đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn hiện nay nhất thiết phải là “Nhiệm vụ chiến lược quốc gia”. IBEP đưa ra khuyến nghị về việc phát huy vai trò của các bên trong mối quan hệ liên kết giữa Chính phủ – đại học – doanh nghiệp.
Chính phủ thực hiện vai trò thu hút nhà đầu tư nước ngoài, vận dụng chính sách để xây dựng được hệ sinh thái ngành; đồng thời định hướng giáo dục đào tạo tại các đại học, đặt hàng đào tạo và hỗ trợ kinh phí cho đại học.
Đại học thực hiện tốt vai trò đào tạo và nghiên cứu theo định hướng của nhà nước, đặt hàng của doanh nghiệp; tích cực hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo gắn liền với thực tiễn ngành.
Doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với đại học để đặt hàng đào tạo, đồng thực hiện nghiên cứu, tài trợ trang thiết bị, phần mềm và hỗ trợ tài chính cho đại học.
Mô hình liên kết ba bên thể hiện rõ tại chương trình đào tạo thiết kế vi mạch của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM, là hai cơ sở dẫn đầu về đào tạo vi mạch. Gần đây nhất là trường hợp thành lập khoa thiết kế vi mạch trên cơ sở hợp tác chặt chẽ giữa Đại học FPT và Công ty Thiết kế vi mạch FPT Semiconductor.
Cùng với sự hiện diện ngày càng nhiều của các trung tâm nghiên cứu và phát triển của các tập đoàn bán dẫn trong thời gian sắp tới, chúng ta sẽ có một lực lượng kỹ sư nòng cốt về thiết kế vi mạch bán dẫn và một lực lượng kỹ sư trẻ được đào tạo mới hàng năm. Do đó, bài toán về nguồn nhân lực hoàn toàn có thể giải quyết được trong năm năm tới miễn là có sự quyết tâm của các bên trong công cuộc thực hiện “Nhiệm vụ chiến lược quốc gia” này.
Bên cạnh các tập đoàn tư vấn chiến lược toàn cầu như McKinsey, BCG, Bain & Company…, IBEP cũng là một đơn vị tư vấn có danh tiếng trong lĩnh vực này những năm gần đây. Với sự quy tụ của các chuyên gia hàng đầu về phân tích kinh tế, chiến lược kinh doanh và công nghệ – kỹ thuật, IBEP đã trở thành đối tác tư vấn chiến lược cho một số nhà đầu tư nước ngoài có vị thế cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông và bán dẫn.