'Phát súng' mở đường vực lại vụ hè thu

Bình luận · 238 Lượt xem

Giữa phong trào bỏ ruộng vụ hè thu, một hợp tác xã ở vùng lúa Lệ Thủy vẫn vững vàng duy trì sản xuất lúa, giúp nông dân lãi 25 - 30 triệu đồng/ha.

 

Có nên SX lúa tái sinh?

'Tranh cãi' lúa tái sinh ở Quảng Bình

Dũng “cao bồi”, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Bồ (xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), dáng cao gầy đi trước, cánh tay không ngừng đưa lên xuống:“Cũng không dễ dàng chi, phải mất nhiều năm bám ruộng thì bà con nông dân chúng tôi mới cả gan đưa hết diện tích vào sản xuất vụ hè thu. Năm nay, thêm vụ thắng lợi, năng suất đạt hơn 60 tạ/ha. Nhiều thương lái đã đánh tiếng đặt cọc tiền để mua lúa của bà con rồi”.

 

“Cú bắt tay” của doanh nghiệp

Gần 8 năm trước, ruộng ở Xuân Bồ cũng bỏ hoang trong vụ hè thu hoặc làm lúa tái sinh. Trong một dịp gặp nhau, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc Công ty Giống cây trồng Quảng Bình hỏi: “Có dám làm vụ hè thu không để chúng tôi liên kết”? "Có chứ”- Dũng “cao bồi” trả lời dè dặt và cái bắt tay cũng dè dặt.

 

Nhưng cái bắt tay dè dặt ấy là tiền đề cho 20ha lúa vụ hè thu được triển khai. Giống mới, lúa tốt, được mùa. Năm sau, diện tích tăng lên 50ha và cứ tăng dần lên. Cho đến gần đây, hơn 110ha của Xuân Bồ đã được đưa vào sản suất lúa vụ hè thu.

 

Vụ hè thu hằng năm, nông dân cả huyện Lệ Thủy và nhiều địa phương khác lo ngại chuột mà không dám sản xuất. Dũng “cao bồi” không sợ, đêm nằm không ngủ chỉ để “nặn” cho ra cách ngăn chuột hại lúa. Sáng, Dũng kéo mấy nông dân có máu làm lúa hè thu ra ruộng. Chỉ vào hàng rào bị đàn chuột phá để băng vào ruộng lúa, Dũng bảo: “Một hàng rào chưa được, ta làm hai tuyến hàng rào, ở giữa là mương nước. Lũ chuột phá được hàng rào ngăn thứ nhất, bơi qua mương thì cũng hết sức rồi, không thể phá được hàng rào thứ hai đâu. Chuột bị kẹt giữa hai hàng rào thì sáng ra cứ vậy mà diệt”.

 

Nói là làm, những thửa ruộng ven đường được gia cố thêm. Nghĩa là một kênh nước ở ngoài hàng rào nilon, tiếp đó là kênh nước thứ hai. Sát kênh nước thứ hai là hàng rào nilon. “Làm kỳ công như vậy chi phí có tăng lên, nhưng đảm bảo chuột không thể công phá “thành trì” này được. Diện tích ruộng có giảm chút do nhường đất cho kênh và hàng rào nhưng năng suất lúa sẽ bù lại là ổn”, Dũng “cao bồi” nói.

 

Ngay từ đầu vụ, sau khi xuống giống lúa, HTX Xuân Bồ phát động bà con mở chiến dịch diệt chuột. Thôi thì đủ các phương án thực thi: Nào là đào hang đốt rơm quạt khói, đặt bẫy truyền thống theo dấu chân chuột đi, có người đặt bẫy kẹp bằng sắt, trên đặt miếng mồi cá khô nướng thơm phức, người thì lom khom rải cơm, gạo đã trộn bả sinh học ở những góc ruộng nơi chuột thường qua lại…

 

Trăm phương ngàn kế cũng chỉ tập trung tiệt trừ hết đám chuột mẹ, chuột con để không cho chúng hại lúa. Dũng “cao bồi” bảo: Có đêm, bà con còn mang thau chậu ra đồng đánh gõ cho lũ chuột giật thót là chạy vào bẫy. Được bà con đồng sức đồng lòng và có định hướng của HTX thì như thêm sức mạnh. Không được như thế, khó làm được vụ hè thu.

 

Để có được thành công trong việc sản xuất lúa hè thu cũng không phải dễ dàng gì. Những vụ đầu, bản thân các anh trong ban lãnh đạo HTX dấn thân làm thử, sau đó đến cả những người thân cùng gánh vác việc này. Có vụ, Dũng “cao bồi” và mấy anh em thuê lại ruộng của bà con để làm. Vụ đó, tiền lãi chia nhau mỗi người cũng được hơn 20 triệu đồng.

 

Dũng “cao bồi” có tên đầy đủ là Trần Xuân Dũng. Dáng cao, mặt hơi dài nhìn giống mấy anh cao bồi miền tây xứ Mỹ. Dũng lại có thói quen chỉ xài quần bò, từ xanh lét đến bạc phếch. Nhìn Dũng hồi mới quen, tôi đặt luôn cho cái húy danh Dũng “cao bồi”. Dũng không giận mà còn tỏ ra khoái. Và cứ thế, tôi gọi thành quen luôn. Thế thôi. Cái chức danh Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Bồ thì Dũng “cao bồi” được bà con tín nhiệm bầu cũng ngót được 8 năm.

Bình luận