Triển khai 180 nghìn ha trong vụ đông xuân
Ngày 2/10, tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT và một số tổ chức, doanh nghiệp đã tổ chức Hội thảo vai trò của hợp tác công - tư trong triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao).
Tại Hội thảo, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, sẽ được triển khai từ năm 2024 với khoảng 200 ngàn ha dựa trên diện tích vùng lúa thuộc Dự án VnSAT đã triển khai những năm trước đây.
Cụ thể, bắt đầu ngay từ vụ đông xuân 2023 - 2024, sẽ triển khai khoảng 180.000ha. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300 ngàn đến 500 ngàn ha. Từ 2026 - 2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL vào năm 2030.
Đảm bảo lợi nhuận cao cho nông dân
Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là đảm bảo lợi nhuận cho nông dân ở mức trên 40% vào năm 2025 và trên 50% vào năm 2030. Mục tiêu này là hoàn toàn khả thi với sản xuất lúa bền vững.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty Syngenta Việt Nam, cho biết, giải pháp GroMoreTM tích hợp các biện pháp kỹ thuật canh tác áp dụng theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, nhằm đảm bảo cải thiện đáng kể về năng suất, chất lượng và thu nhập cho nông dân trong điều kiện áp lực ngày càng tăng của các yếu tố sinh học và phi sinh học, đã được Syngenta áp dụng trên các mô hình khảo nghiệm khắp cả nước và đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, giải pháp này làm năng suất tăng thêm trung bình khoảng 6%/ha, lợi nhuận tăng thêm trung bình 40%/ha. Đặc biệt, gạo sản xuất ra không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và châu Âu.
Ông Trương Công Cứ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC), chia sẻ, trong thời gian qua VFC đã kết hợp với Viện Lúa ĐBSCL xây dựng những mô hình sản xuất lúa tiên tiến, qua đó, giúp nông dân tăng thêm thu nhập 25%.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, giải pháp chính để giúp đảm bảo lợi nhuận cho nông dân ở mức trên 40% vào năm 2025 và trên 50% vào năm 2030 là bán tín chỉ các bon từ sản xuất lúa phát thải thấp. Ngân hàng Thế giới đã cam kết mua tín chỉ các bon ở mức 10 USD/tấn, mà 1ha lúa có thể bán được tín chỉ ở mức khoảng 10 tấn các bon, tương đương với 100 USD. Chính vì vậy, việc xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam giảm phát thải sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho người trồng lúa. Bên cạnh đó, là đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng các phế, phụ phẩm từ cây lúa để tăng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa.
Đẩy mạnh hợp tác công - tư
Để triển khai thành công Đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao”, hợp tác công - tư (PPP) đóng một vai trò rất quan trọng. Vì vậy, tại Hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về những động lực phát triển và tiềm năng của hợp tác công - tư trong ngành lúa gạo, những kinh nghiệm trong phát triển ngành hàng lúa gạo, sáng kiến sản xuất lúa gạo bền vững dự kiến sẽ chia sẻ tại COP 28...
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, đại diện Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ, cho biết, GIZ đã hợp tác với Bộ NN-PTNT thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững tại Việt Nam từ năm 2011 thông qua các dự án Sáng kiến Lúa gạo Châu Á giai đoạn 1 và 2, dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh (GIC) tại các tỉnh ĐBSCL và 1 tỉnh ở miền Bắc. Các dự án giúp nâng cao năng lực cho các đối tác công tư trong chuỗi lúa gạo, đào tạo giảng viên tiêu chuẩn lúa gạo bền vững SRP ủy quyền, đào tạo hơn 33.000 nông dân về tiêu chuẩn lúa gạo bền vững SRP, 177 hợp tác xã được huấn luyện về tiêu chuẩn lúa gạo bền vững SRP, Trong đó, 22 hợp tác xã đã được chứng nhận SRP mức độ 2 và 1 HTX đã đạt chứng nhận SRP mức 3.
Năm 2024, GIZ sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ NN-PTNT, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn để tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững trong khuôn khổ dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh (GIC).
Bà Misha Rabat, Quản lý Chương trình Chuỗi giá trị của Grow Asia chia sẻ: Grow Asia mong muốn hỗ trợ Nhóm công tác PPP ngành hàng lúa gạo đóng góp vào quá trình triển khai Đề án “Phát triển Bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối các đối tác khối công và khối tư và huy động nguồn lực từ 2 Quỹ GrowVenture và GrowHer để hỗ trợ đổi mới hệ thống lương thực, thực phẩm và tăng cường vai trò của phụ nữ trong các chuỗi giá trị, góp phần cải thiện ngành lúa gạo thích ứng với BĐKH và gia tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa tại Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và sẵn sàng tham gia vào Đề án này. Theo ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Vinarice (Cụm công nghiệp Trường Xuân, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), hàng năm, công ty liên kiết sản xuất hạt giống trên diện tích 10 nghìn ha và liên kết thu mua gạo thành phẩm trên diện tích 25 nghìn ha. Gạo của Vinarice đang được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Canada, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Vinarice đã đặt ra mục tiêu có sản phẩm gạo giảm phát thải từ cuối năm 2024, đầu 2025, và đã sớm triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật giúp giảm phát thải trong quy trình sản xuất.
Trong điều kiện ngân sách hạn chế, nguồn lực đầu tư công có hạn, việc huy động các thành phần trong chuỗi giá trị thông qua những chương trình hợp tác công - tư được ưu tiên hàng đầu. Chương trình hợp tác công - tư ngành hàng lúa gạo với mục tiêu cải thiện chất lượng và tính bền vững của lúa gạo Việt Nam, thông qua khai thác tiềm lực sẵn có của các thành phần trong chuỗi giá trị. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác nhằm tháo gỡ khó khăn của người nông dân, tăng cường hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực, hướng tới xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững và có trách nhiệm trong tương lai.
Chính vì vậy, việc thành lập Nhóm Hợp tác công - tư ngành hàng lúa gạo là việc làm cần thiết góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam và nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo Việt. Cùng với đó, tăng thu hút đầu tư, tăng cường hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực thông qua áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích cho nông dân và nông nghiệp Việt Nam.
Thanh Sơn