Ám ảnh những 'cửa hàng giống cây trồng di động'

Bình luận · 180 Lượt xem

Nạn giống cây trồng bán dạo trên những chiếc xe tải hay xe máy là nỗi ám ảnh của ngành trồng cây ăn quả ở tỉnh Bình Định.

Nhan nhản ngõ ngách

Trong những năm qua, nhiều địa phương ở Bình Định phát triển mạnh trồng cây ăn quả. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 5.300ha diện tích trồng cây ăn quả; gồm 1.274ha xoài, 2.170ha chuối, gần 500ha bưởi da xanh, 193ha mít và gần 180ha cam.

 

Dự kiến, đến năm 2025, Bình Định có vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả chất lượng cao; trong đó có 1.500ha xoài được xây dựng ở thành phố Quy Nhơn và các huyện Phù Cát, Tây Sơn; 1.000ha bưởi da xanh ở 3 địa phương phía Bắc tỉnh là Hoài Ân, An Lão và thị xã Hoài Nhơn; 10.000ha dừa tập trung ở thị xã Hoài Nhơn và các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát.

 

Nhanh chóng ăn theo, trên địa bàn Bình Định xuất hiện các xe bán dạo giống cây trồng. Trên mọi ngõ, ngách đường giao thông nông thôn của tỉnh nhan nhản những chiếc xe tải hạng nhẹ (loại 1,4 tấn) mang biển số Quảng Ngãi, bên trong thùng xe chở đầy cây giống. Hai bên thùng xe tải được treo 2 tấm biển quảng cáo giới thiệu cây giống có xuất xứ ở miền Tây.

 

Hoặc đơn giản hơn là những chiếc xe máy “gánh” 2 bên yên xe 2 sọt nhựa, bên trong để những túi cây giống, bên trên ba gác cũng được đặt 1 sọt nhựa đựng cây giống khác. Lời rao quảng cáo được ghi âm trong thẻ nhớ, được phát liên tục khi những chiếc xe bán dạo cây giống chạy chầm chậm trên những tuyến đường nông thôn. Ai muốn mua chỉ cần “ới” 1 tiếng là xe chở cây giống lập tức dừng lại, nếu khách hàng có nhu cầu mua số lượng lớn cây giống, người bán cũng gật đầu ngay và hẹn ngày giao hàng.

 

Nơi được các xe tải chở cây giống đi bán dạo nhiều nhất là huyện trung du Hoài Ân, địa phương phát triển mạnh phong trào trồng cây ăn quả những năm qua. Từ năm 2016 đến nay, huyện Hoài Ân đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích khoảng gần 1.700ha, tập trung tại các xã Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, Ân Tín, Ân Mỹ, Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, thị trấn Tăng Bạt Hổ…

 

Theo anh Thái Thành Việt, cán bộ khuyến nông của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, những chiếc xe tải loại 1,4 tấn mang biển số Quảng Ngãi chở cây giống bán dạo xuất hiện tại huyện Hoài Ân đã nhiều năm nay. Dù người bán có những lời ra cam kết chắc nịch về chất lượng cây giống, nhưng chỉ có trời mới biết những cây giống này có được sản xuất đúng quy trình hay không, nguồn gốc xuất xứ như thế nào.

 

Nhiều nông dân hiếu kỳ, thấy lạ lẫm về các “cửa hàng giống cây trồng di động” nên cũng ngoắc lại mua dăm ba cây. Cây giống mua về trồng cũng phát triển tươi tốt, nhưng là cây lâu năm nên phải vài ba năm sau mới biết nó có cho quả hay không, chất lượng quả như thế nào. Nếu mua phải cây giống rởm, cây không cho quả thì người trồng mất cả chì lẫn chài.

 

Cũng theo anh Việt, giống cây ăn quả bán dạo không có chất lượng, trước đây nông dân Hoài Ân có mua trồng nhưng không hiệu quả, nên giờ không ai mua nữa, nhất là cây bưởi da xanh, loại cây trồng phát triển nhiều ở Hoài Ân. Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân thường xuyên nhìn thấy những chiếc xe tải chở cây giống đi bán dạo trên địa bàn, nhưng do đơn vị này không có chức năng quản lý mảng giống cây trồng nên không thể kiểm tra.

 

“Rất may, để phục vụ phát triển cây ăn quả trên địa bàn, UBND huyện Hoài Ân đã chỉ đạo cho ngành chức năng ký hợp đồng mua cây giống của cơ quan chuyên nghiên cứu, sản xuất và cung ứng các loại cây ăn quả về cấp cho nông dân nên các “cửa hàng bán cây ăn quả di động” hết đường làm ăn. Giá của cây ăn quả bán rong cũng rất đắt, ví như cây giống bưởi da xanh, họ bán đến 70.000 - 80.000 đ/cây, còn cây giống huyện cung ứng chỉ 50.000 - 60.000 đ/cây mà chất lượng rất bảo đảm”, anh Thái Thành Việt cho hay.

 

Chọn mua cây giống của các cơ sở uy tín

Theo anh Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, xác định cây giống quyết định cho chất lượng vùng cây ăn quả sau này, nên trong những năm qua, UBND huyện Hoài Ân liên tục có nhiều dự án đấu thầu mua giống cây ăn quả cung ứng cho nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu.

 

Ví như vào năm 2021, ngành chức năng huyện Hoài Ân mua giống bưởi da xanh cung cấp cho các hộ dân tham gia dự án ứng dụng khoa học và công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất bưởi da xanh và dừa xiêm theo hướng thực hành tốt (VietGAP) với kinh phí gần 399 triệu đồng. Năm 2023, Hoài Ân tiếp tục mua cây giống cung ứng cho người dân tham gia dự án trồng bưởi và dừa xiêm tập trung; kinh phí mua cây giống dừa xiêm là 77 triệu đồng, mua cây giống bưởi da xanh là gần 382 triệu đồng. Nguồn giống cây ăn quả đều do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây lâu năm của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cung cấp.

 

Những diện tích trồng cây ăn quả tập trung được Nhà nước hỗ trợ cây giống theo chương trình nông thôn mới, hoặc mô hình khuyến nông thì được ngành chức năng trực tiếp liên hệ với các viện khoa học mua cây giống đảm bảo chất lượng.

 

Trước đây, những hộ trồng nhỏ lẻ từ 20-50 cây do không có điều kiện tiếp cận với những cơ sở uy tín nên thường mua cây giống trôi nổi, nên các “cửa hàng giống cây trồng di động” trên những chiếc xe tải mới có cơ hội làm ăn.

 

Còn bây giờ, những hộ trồng bưởi da xanh đã dày dạn kinh nghiệm ở Hoài Ân nếu muốn mở rộng diện tích cũng tự chiết giống để trồng, chứ không mua cây giống trôi nổi nữa. Họ chiết cây con từ cành của những cây bưởi phát triển tốt trồng rất hiệu quả. Ở Hoài Ân cũng có những nhà vườn trồng bưởi thâm niên chuyên chiết cây con bán cho những hộ có nhu cầu.

 

“Kỹ thuật chiết giống cây ăn quả được ngành chức năng huyện đào tạo cho nông dân thông qua những lớp sơ cấp nghề trồng trọt. Nông dân tham gia những lớp tập huấn này ai cũng rành kỹ thuật chiết cây con. Thông qua những lớp tập huấn, ngành chức năng huyện Hoài Ân còn nâng cao ý thức cho người dân bằng cách khuyến cáo nông dân tuyệt đối không mua những cây giống không rõ nguồn gốc về trồng”, anh Thái Thành Việt, cán bộ khuyến nông của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, chia sẻ.

 

Theo ông Lê Bá Thừa, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Bình Định, để ngăn chặn nạn các loại vật tư nông nghiệp, trong đó có giống cây trồng kém chất lượng lưu hành trên thị trường, ngành chức năng Bình Định thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh giống lúa và giống cây ăn quả hoạt động trên địa bàn, nhất là thời điểm trước khi bước vào vụ sản xuất.

 

“Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đưa giống lúa và giống cây ăn quả về Bình Định để bán. Do đó, Thanh tra Sở NN-PTNT Bình Định phải thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp, trong đó có giống cây trồng để ngăn chặn hành vi sản xuất, kinh doanh không tuân thủ pháp luật. Tất cả các mặt hàng cơ sở kinh doanh phải được đăng ký, nằm trong danh mục được phép lưu hành. Ngoài ra, cơ quan thanh tra còn lấy mẫu để kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Nếu cơ sở nào vi phạm về chất lượng sản phẩm sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật hiện hành”, ông Lê Bá Thừa, Chánh thanh tra Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ.

 

Vũ Đình Thung

Bình luận