Đầu năm 2018, ông Trương Quốc Việt (xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) vào trồng thử nghiệm mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh và Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuyên Hóa luôn đồng hành cùng ông.
“Vườn cây ăn quả có diện tích hơn 14ha, trong đó có 6ha cam và 7ha bưởi. Tôi đã dành nhiều thời gian học hỏi, tìm hiểu và thực hiện mô hình trồng cam, bưởi theo hướng hữu cơ và xây dựng thương hiệu “Cam Kim Lũ”- ông Việt cho hay.
Được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ nông nghiệp nên quá trình trồng và chăm sóc cây cam theo hướng hữu cơ khá thuận lợi. Từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch, vườn cam chỉ bón phân hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm tạo ra sản phẩm sạch, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
“Tôi mua phân chuồng của các hộ chăn nuôi trâu bò đưa về ủ, xử lý nấm, sau đó để hoai mục rồi bón cho cây. Tôi sử dụng tỏi, ớt cay, gừng ngâm với rượu đủ độ nồng để phun lên cây chống côn trùng, nấm bệnh gây hại. Trong quá trình sản xuất, tôi còn dùng bẫy để bắt côn trùng và bướm”- ông Việt cho hay.
Khi cam bưởi kết trái, ông Việt mua bao về và thuê người bọc quả. Với cách làm này đã tránh được tình trạng bị ruồi chích, mưa axit… dẫn đến rụng quả.
Vụ thu hoạch 2021, cam theo hướng hữu cơ đầu tiên cho năng suất cao với gần 20 tấn quả. Quả cam mọng nước, thơm và có vị ngọt thanh, rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Mặc dù lúc đó, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng cam của ông Việt được nhiều thương lái thi nhau đến mua. “Có những thời điểm, thương lái đặt hàng nhiều mà vườn không đủ cam để đáp ứng”- ông Việt nói.
Năm nay, bưởi canh tác theo hướng hữu cơ của gia đình ông Việt được đưa ra thị trường với giá bán 30.000đ/quả. Với chất lượng sạch, an toàn, bưởi vị ngọt, thanh được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
“Năm nay, gia đình đã xuất bán trên 9.000 quả bưởi giống Phúc Trạch. Bưởi ngọt, màu vàng đẹp, mẫu mã ưa nhìn hơn so với bưởi bán trên thị trường. Do đó, dù giá của vườn cao hơn bưởi đại trà khoảng 10.000đ/quả nhưng vẫn được người mua ủng hộ. Hiện có nhiều thương lái đến đặt bưởi cho năm sau rồi”- ông Việt hồ hỡi nói.
Ông Việt cũng bảo, trước đây, nghe nói đến “chuyển đổi số” trong sản xuất nông nghiệp, thì ông cũng lớ ngớ lắm. Được sự hỗ trợ, đồng hành Sở Nông nghiệp - PTNT, Trung tâm Khuyến nông - KN nên ông Việt đã dần áp dụng công nghệ vào sản xuất. Đây là bước đi đầu tiên trong công cuộc chuyển đổi số của ngành.
Theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông -KN, sau khi quét mã QR một quả cam, bưởi thì quá trình chăm sóc từ khi ra bông đến kết trái cho tới thời điểm thu hoạch đều hiển hiện ra trước mắt.
“Có mã QR, 1 kg cam bán ra thị trường được 30.000 - 35.000 đồng. Giá trị của quả cam có mang mã QR so với cam trước đây chênh lệch rất lớn, tăng lên từ 10.000- 15.000 đồng. Người trồng được nâng cao thu nhập đáng kể”- ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – KN Quảng Bình khẳng nhận.
Vụ cam, bưởi năm nay, ông Việt phấn khởi hơn khi sản phẩm cam, bưởi của mình đã được chứng nhận VietGAP có tem truy xuất nguồn gốc, mã quét QR. Nhờ đó, người tiêu dùng tin tưởng hơn khi sử dụng sản phẩm. Ngày càng có nhiều thương lái tìm đến mua, giá bán cũng cao hơn so với giá bán trên thị trường.
Năm nay, nhờ thời tiết thuận nên vườn cam có tỷ lệ đồng đều quả đạt cao. Mẫu mã quả vàng đẹp ít bi rám nắng hay ong châm. Khi thu hoạch, quả cam xếp loại 3 chiếm tỷ lệ không đáng kể.
Theo ông Việt, thị trường tiêu thụ chủ yếu người tiêu dùng trong tỉnh và một số khách hàng ngoài tỉnh thông qua mạng xã hội như Zalo, facebook và các cửa hàng bán nông sản sạch trên địa bàn tỉnh.
Khi lứa bưởi đầu tiên đưa ra thị trường có dán tem truy xuất nguồn gốc, lượt người tiếp cận đạt 3.515 người, 192 lượt tương tác. Điều đó cho thấy sự quan tâm của người tiêu dùng đến các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn.
Vườn cam sạch, an toàn, thân thiện với môi trường sẽ tạo sự khác biệt, giúp người tiêu dùng nhận diện rõ hơn về nông sản sạch. Trồng cam theo hướng hữu cơ tuy mới chỉ là bước đi đầu tiên, nhưng với việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất sẽ là nền tảng vững chắc để thương hiệu “Cam, bưởi Kim Lũ” ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp - PTNT rất quan tâm, đẩy mạnh sản xuất hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc. Qua đó, hình thành và phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, chuyên canh. Tạo sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Từ thực tế, cây cam, bưởi phù hợp với vùng gò đồi Quảng Bình, thích nghi với điều kiện gió bão và hạn chế tối đa thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt gây ra. Chuyển đổi đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng cam, bưởi được xem là điểm sáng, triển vọng đưa lại năng suất, hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích.
Ngành Nông nghiệp - PTNT đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Đề xuất các giải giáp chuyển đổi số. Đẩy mạnh ứng dụng các mô hình nông nghiệp thông minh, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, trong quản lý vùng chuyên canh, truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi.
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình cho hay, ngành đang triển khai thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.
“Chúng tôi tăng cường chỉ đạo, thực hiện thêm nhiều mô hình như cam Kim Lũ. Qua đó để phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế”- ông Minh nói.