Tiền Giang: Tổ yến chờ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Bình luận · 773 Lượt xem

Hiện nay, các cơ sở chăn nuôi yến ở Tiền Giang đang mong chờ hướng dẫn từ phía cơ quan chức năng để đưa tổ yến xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Tỉnh Tiền Giang là một trong những địa phương ở ĐBSCL có nghề nuôi chim yến phát triển mạnh. Toàn tỉnh hiện có 1.718 nhà yến, đứng hàng thứ ba cả nước sau tỉnh Kiên Giang và Bình Định. Sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 19 tấn. Hiện nay, chim yến con đã trưởng và bay đi, các chủ nuôi yến bắt đầu vô mùa khai thác tổ. Giá tổ yến thô chưa qua sơ chế đạt 17 triệu đồng/kg; tổ yến thô đã qua sơ chế có giá 25 triệu đồng/kg; còn đối với tổ yến tinh chế có giá từ 35 triệu đến 42 triệu đồng/kg. Thời gian qua, ngành yến được xem là ngành mang về “ngoại tệ trắng” cho người chăn nuôi.

Để lĩnh vực chăn nuôi này phát triển ổn định, Tiền Giang là một trong những địa phương đi đầu về thực hiện hành lang pháp lý về quản lý nuôi chim yến. Trước thời điểm thông tư 35 năm 2013 của Bộ NN-PTNT ra đời tỉnh Tiền Giang đã có Chỉ thị 11, sau là Quyết định 17 về quản lý hoạt động nuôi chim yến. Từ đó, tạo nên nề nếp, tiền đề để các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp quản lý chặt chẽ và chủ cơ sở nuôi cũng phối hợp thực hiện tốt các quy định này. Năm 2017, tỉnh Tiền Giang thực hiện quy hoạch vùng nuôi chim yến. Sau khi luật Chăn nuôi ra đời, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 30, trong đó có nội dung quy định vùng nuôi chim yến. Nói chung, đối với hành lang pháp lý quản lý nghề nuôi chim yến địa phương rất quan tâm.

Sản phẩm chế biến từ tổ yến tại Công ty Trí Sơn. Ảnh: Minh Đảm.

Sản phẩm chế biến từ tổ yến tại Công ty Trí Sơn. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, đang trong thời gian triển khai hoàn thiện các yêu cầu trong Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc, tỉnh Tiền Giang cũng đang chờ hướng dẫn của Cục Chăn nuôi để cấp mã định danh nhà yến thông qua phần mềm tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia. Song song đó, ngành chức năng địa phương cùng với nhà chăn nuôi sẽ thực hiện những kế hoạch giám sát dịch bệnh, đặc biệt là cúm gia cầm và Newcastle theo tinh thần của Nghị định thư. Đồng thời, ngành chức năng địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan Trung ương để giám sát về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại những cơ sở sơ chế và chế biến.

Ông Bùi Băng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Trí Sơn tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết: Hiện nay, công ty liên kết xây dựng chuỗi cung ứng yến thô được 120 nhà yến. Sản lượng khoảng 500kg/tháng, chủ yếu tiêu thụ tại thường trong nước. Trong đó, có 50 sản phẩm đa qua tinh chế với 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao (nhiều sản phẩm tiềm năng 5 sao để xuất khẩu).

Sơ chế tổ yến tại Công ty Yến sào Trí Sơn. Ảnh: Minh Đảm.

Sơ chế tổ yến tại Công ty Yến sào Trí Sơn. Ảnh: Minh Đảm.

Thấy được tiềm năng thị trường Trung Quốc, công ty và các đối tác đã nộp hồ sơ về Cục Chăn nuôi cấp mã định danh đăng ký cho 37 nhà yến. Bên cạnh đó, cũng nộp hồ sơ về Cục Thú y để cấp mã số cơ sở sản xuất. Hiện đang trong quá trình hoàn các nội dung theo yêu cầu của Nghị định thư như lấy mẫu phân, mẫu tổ yến xét nghiệm H5N1, giám sát dịch bệnh, an toàn thực phẩm… Để đảm bảo an toàn dịch bệnh trong khai thác tổ yến, chủ nuôi cũng như công nhân cần có trang phục bảo hộ lao động, xét nghiệm thường xuyên đối với yến chết.

Cũng theo ông Sơn và ngành chức năng cho biết, chim yến là động vật hoang dã hầu như không nhiễm bệnh. Chim chết chủ yếu trong quá trình tập bay, chim mồ côi do chim bố mẹ dính bẫy lưới tàng hình hay bị chim ăn thịt săn bắt.

Tiền Giang có số lượng nhà yến đứng thứ ba cả nước, trên 1.700 căn. Ảnh: Minh Đảm.

Tiền Giang có số lượng nhà yến đứng thứ ba cả nước, trên 1.700 căn. Ảnh: Minh Đảm.

Theo bà Lê Thị Hồng Nhớ, Trưởng phòng Kỹ thuật, Nghiệp vụ, Chăn nuôi thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết: Đối với công tác giám sát dịch bệnh trên chim yến, định kỳ hàng năm, từ nguồn ngân sách tỉnh đơn vị thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm kiểm tra xem mầm bệnh trong đàn yến, đặc biệt là cúm gia cầm. Bởi mầm bệnh này có thể lây truyền sang người. Kết quả xét nghiệm các loại bệnh từ trước nay trên đàn chim yến ở Tiền Giang đều cho kết quả âm tính.

Hàng năm, Cục Thú y đều thực hiện xét nghiệm dịch bệnh trên các loài chim hoang dã nhưng hầu như không phát hiện bệnh. Tuy nhiên, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở khâu sơ chế, chế biến cần được các cơ sở sơ chế luôn luôn quan tâm để sản phẩm đạt chất lượng cao nhất, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa. Đặc biệt là công văn số 144/TY-TYCĐ ngày 31/01/2023 của Cục Thú y về việc hướng dẫn giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cả nước hiện có khoảng 23.800 nhà yến với sản lượng từ 150 - 200 tấn mỗi năm. Thời gian qua, tổ yến Việt Nam được xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc thu về mỗi năm khoảng 200 - 300 triệu USD.

Bình luận