Khỏe cây, khỏe đất, khỏe người từ mô hình IPM

Bình luận · 206 Lượt xem

Nông dân Tuyên Quang đã thay đổi tư duy sản xuất, chú trọng giải pháp bảo vệ đất, bảo vệ 'sức khỏe cây trồng' và sức khỏe con người khi triển khai mô hình IPM.

Vụ đông xuân 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang triển khai mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa vụ xuân. Giống lúa được áp dụng tại mô hình là VNR20 với diện tích 2ha, có 13 hộ tham gia. Qua 3 tháng triển khai, ruộng lúa các hộ nông dân áp dụng IPM cây lúa nhanh bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh sớm. Năng suất thực thu ở ruộng áp dụng IPM cao hơn ruộng thông thường 4,8 tạ/ha do ruộng IPM có số bông/m2 và số hạt chắc/bông cao hơn so với ruộng thông thường.

 

Gia đình anh Nguyễn Gia Trung ở thôn Nà Nghè (xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa) trồng hơn 1 sào lúa theo mô hình IPM. Tham gia mô hình, anh tham gia đầy đủ các buổi tập huấn nên nắm rõ và thực hành tốt các nội dung như: Điều tra phát hiện sâu bệnh hại; phân biệt một số sâu bệnh hại chính trên cây lúa; đánh giá sinh trưởng phát triển và các yếu tố tác động đến từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa; nắm rõ được mối nguy hại của thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến con người, thiên địch và môi trường; thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và quản lý sâu, bệnh hại, cỏ dại theo phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp...

 

Sau triển khai, 1 sào lúa của gia đình anh Trung đạt năng suất 2,5 tạ (sào 360m2). Anh Trung cho biết, cái được nhất khi triển khai mô hình này đó là sức khỏe của những người trong gia đình anh được đảm bảo. Những hạt thóc đảm bảo an toàn thực phẩm ăn vào người cũng yên tâm hơn.

 

Vụ mùa 2023 này tuy mô hình trình diễn đã kết thúc nhưng anh Trung và các hộ dân trong thôn vẫn tiếp tục duy trì canh tác theo phương pháp IPM. Đây cũng là xu hướng tốt mà nhiều nông dân quê anh đang hướng tới.

 

Nâng cao kiến thức làm nông nghiệp theo mô hình IPM, từ năm 2021 đến nay, ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức 14 lớp tập huấn IPM với 380 nông dân tham gia; xây dựng 14 mô hình IPM trên các cây trồng như lúa, ngô, rau, cam, bưởi, chè với diện tích thực hiện 61ha. Các mô hình này đã góp phần thay đổi nhận thức trong canh tác của người dân và giúp lan tỏa phong trào làm nông nghiệp tốt, thân thiện với môi trường trong cộng đồng.

 

Gia đình anh Phạm Đức Mạnh, thôn Yên Vân, xã Chiêu Yên (huyện Yên Sơn) áp dụng quy trình chăm sóc, trồng bưởi theo mô hình IPM từ đầu năm 2023 trên 1ha. Anh Mạnh cho biết, từ khi áp dụng mô hình này, anh hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, tạo môi trường thuận lợi để các loài thiên địch phát triển. Do đó anh cảm thấy đất trong vườn bưởi đã khỏe hơn. Đây là điều kiện thuận lợi cho cây trồng phát triển khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt. Ý nghĩa nhất của mô hình mang lại là bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và cả người tiêu dùng.

 

Thông qua việc triển khai chương trình IPM tại Tuyên Quang, đặc biệt sau khi tham gia lớp tập huấn và xây dựng mô hình IPM, người dân đã được nâng cao kiến thức về quản lý sinh vật gây hại cây trồng; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là sản xuất theo hướng an toàn. Đồng thời nâng cao nhận thức trong bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và trách nhiệm đối với cộng đồng.

 

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, triển khai mô hình IPM lấy cây trồng và giá trị nông sản là chủ thể hành động và thực hiện trên 6 nguyên tắc: Đất khỏe, cây khỏe, đầu tư thông minh, bảo vệ môi trường sinh thái, giám sát đồng ruộng, nông dân chuyên nghiệp và có trách nhiệm.

 

Trong đó, các mô hình đặc biệt chú trọng đẩy mạnh quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), hữu cơ; kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI), "3 giảm 3 tăng"; quy trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn; mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái; tăng cường thu gom, xử lý, tái sử dụng phế phụ phẩm cây trồng, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng…

 

Đào Thanh

Bình luận