Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững

Bình luận · 801 Lượt xem

Ngày 17/8/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp tổ chức Hội nghị “Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững”. Đây là hoạt động nằm

Toàn cảnh Hội nghị 

Khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, trong Quyết định số 749/QĐ-TTG của ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn xác định chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp khoa học công nghệ và đặc biệt là của người nông dân. Chuyển đổi số chính là phương thức quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng đạt lợi nhuận cao nhất.

Quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu; quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương; nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế; diện tích canh tác nhỏ; các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế.

Do đó, quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ của các cơ quan quản lý Nhà nước tại cấp trung ương, địa phương, mà còn của các doanh nghiệp, người dân và đặc biệt là sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của cộng đồng quốc tế. Trong thời gian qua, một số dự án hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế như UNDP, UNIDO, GIZ, IRRI, IDH, Oxfarm… đã triển khai nhiều mô hình thí điểm về ứng dụng số hóa trong sản xuất, thu hoạch, phân phối một số loại nông sản chủ lực của Việt Nam như lúa, tôm, cà-phê, cây ăn trái… và đã đạt được những thành công nhất định.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; ứng dụng chuyển đổi số để giám sát và theo dõi dấu chân các-bon trong các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực; một số giải pháp số hóa để nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng trong ngành trái cây nhằm thúc đẩy xuất khẩu; định hướng tích hợp hệ thống thông tin kinh doanh các chuỗi giá trị nông sản theo hướng xanh...

Tại Hội nghị, đại diện Dự án NDC và Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã giới thiệu mô hình về một hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi xuất xứ và dấu chân các bon của từng trái thanh long được sản xuất tại Bình Thuận. Với hệ thống này, người tiêu dùng trong nước và quốc tế khi mua hoặc nhập khẩu thanh long từ vùng sản xuất trọng điểm Bình Thuận, Việt Nam, có thể quét mã QR để truy xuất nguồn gốc trái cây và mức độ thực hành “xanh” hoặc thân thiện với môi trường được áp dụng để sản xuất ra trái cây này một cách minh bạch nhất. Đây là một công cụ quan trọng để các nhà sản xuất và doanh nghiệp địa phương theo dõi và quản lý mức độ phát thải khí nhà kính của chuỗi cung ứng và tránh những rào cản không cần thiết khi xuất khẩu sang các thị trường giá trị cao, thường là nơi đang tiến tới áp dụng cơ chế điều chỉnh các bon qua biên giới.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận giới thiệu hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử theo dõi xuất xứ và dấu chân các-bon của trái thanh long 

Bên cạnh đó, đại diện Tổ chức Oxfarm cũng giới thiệu về ứng dụng RiceHero – một công cụ xác định lượng phát thải khí nhà kính (quy đổi các bon tương đương) cho các công đoạn của quá trình sản xuất lúa gạo tại Việt Nam. Ứng dụng đã được thử nghiệm trên 200 hộ nông dân tại tỉnh An Giang từ 6-8/2022, thử nghiệm trên 2000 hộ nông dân tại tỉnh An Giang từ 4-8/2023 và dự kiến tiếp tục thử nghiệm để chuyển giao cho các đơn vị quan tâm. Theo đó, người dân có thể sử dụng ứng dung như nhật ký đồng ruộng để lưu trữ thông tin canh tác, điều chỉnh quy trình canh tác của hộ; từ đó tham gia vào chuỗi giá trị lúa các bon thấp khi có cơ hội. Với các doanh nghiệp có thể theo dõi, giám sát được quy trình canh tác của nông hộ; tham gia thị trường lúa gạo các bon thấp khi có nhu cầu; tham gia thị trường tín chỉ các bon khi có cơ hội. Đối với Quản lý nhà nước, ứng dụng giúp đo được dấu chân các bon trong ngành lúa gạo trên quy mô lớn (theo tỉnh, vùng, hoặc quốc gia), cũng như có thể làm cơ sở xây dựng hệ thống MRV cho ngành, tỉnh, huyện/xã, các chương trình, dự án sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Bộ sẽ tập trung vào số hóa dữ liệu để phục vụ việc ứng dụng số hóa trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian tới.

Hiện nay, tỷ lệ nông dân Việt Nam sử dụng internet hằng ngày khá cao, đây là một trong những thuận lợi giúp nông dân ứng dụng số hóa vào trong sản xuất. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ giúp sản phẩm nông, lâm, thủy sản của nông dân đáp ứng được đòi hỏi của thị trường về tính minh bạch trong quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà còn giúp nông dân gia tăng giá trị, hiệu quả của sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

BBT

Bình luận