Du lịch góp phần tăng giá trị kinh tế nông thôn

Bình luận · 282 Lượt xem

Thời gian gần đây, một số điểm đến tại Đồng Nai đang trở thành những cái tên “hot” trên mạng xã hội như: Lưng Chừng Mây, Phú Điền Glamping, Cầu Dầu Glamping, Vườn Hoa Bốn Mùa… Đây là những điểm đến du lịch do người

Những điểm đến dựa trên lợi thế cảnh quan thiên nhiên đẹp, gần gũi với đời sống, sinh hoạt của người dân trong vùng, du khách có thể trải nghiệm làm nông nghiệp, tham quan nhiều vườn trái cây đẹp. Người nông dân có cơ hội giao tiếp với nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, chất lượng cuộc sống vùng nông thôn.

  • Tạo việc làm, tăng thu nhập
  • Từ những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Đồng Nai đã được nâng lên một tầm cao mới. Đường sá khang trang, hạ tầng cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục… được đầu tư. Sản xuất nông nghiệp được quy hoạch bài bản, hình thành những vùng cây trồng chủ lực. Nông dân thay đổi tư duy làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường và áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất. Cùng với những kết quả nổi bật trên, người nông dân còn nhạy bén hơn khi thích ứng khá nhanh nhu cầu thị trường, tận dụng những vườn cây, vị trí đẹp hoặc biết cách cải tạo vườn tạp có năng suất thấp để khai thác dịch vụ du lịch hiệu quả.

Lưng Chừng Mây là điểm đến du lịch tại H.Định Quán, mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm nhưng đã trở thành điểm đang rất “hot” trên mạng xã hội, thu hút nhiều đoàn khách, người nổi tiếng đến tham quan, check-in. Lưng Chừng Mây được nhóm thanh niên địa phương khai thác dịch vụ từ khu vườn điều năng suất kém của gia đình. Với sự sáng tạo và đam mê làm du lịch, các chủ quán trẻ tuổi đã biến đất vườn năng suất thấp thành điểm đến nổi tiếng và còn tạo thêm việc làm cho hàng chục người dân xung quanh.

 

 Anh Phạm Văn Tài, quản lý Lưng Chừng Mây cho hay, Lưng Chừng Mây hiện tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên, với mức lương bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, ngoài khai thác dịch vụ nước uống, Lưng Chừng Mây còn trồng các loại cây dược liệu và là điểm bán lẻ nông sản khá tốt cho người dân địa phương.

 

Tại TP.Long Khánh, điểm đến Cầu Dầu Glamping nằm trên địa bàn xã Hàng Gòn đang thu hút giới trẻ. Cầu Dầu Glamping hoạt động theo mô hình du lịch cắm trại, các lều trại được bố trí tại những vườn cây sầu riêng, măng cụt và bơ để phục vụ du khách. Vào mùa trái cây, khách du lịch vừa có thể tham quan vườn hái trái tại Cầu Dầu Glamping, hoặc tham quan những vườn trái cây lân cận để trải nghiệm nhiều hơn cuộc sống của các nhà vườn. Buổi chiều, khách có thể vừa ăn uống ngoài trời, vừa ngắm hoàng hôn vì Cầu Dầu có vị trí ngắm hoàng hôn rất đẹp.

 

Anh Nguyễn Hùng, quản lý Cầu Dầu Glamping cho biết, từ khi hoạt động, Cầu Dầu tạo việc làm cho từ 25-30 lao động địa phương là học sinh, thanh niên trong và ngoài xã Hàng Gòn, với mức lương trung bình từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Khách du lịch đến Cầu Dầu Glamping có thể thưởng thức không gian thiên nhiên trong lành và trải nghiệm những món ăn được chế biên từ nông sản địa phương.

 

* Du lịch góp phần phát triển nông thôn mới bền vững

 

Khi du lịch phát triển, những vùng quê sẽ được gìn giữ luôn khang trang, sạch đẹp. Người dân có cơ hội giao lưu, học hỏi, nâng cao dân trí. Quan trọng hơn, du lịch còn là kênh quảng bá, tiêu thụ nông sản tại chỗ hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.

Anh Văn Thành Toàn, chủ Vườn Hoa Bốn Mùa (xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc) chia sẻ, khoảng 4 năm trước, trên cơ sở vẫn chăm sóc vườn cây và thu hoạch theo cách truyền thống như trước, anh đã tận dụng một số vị trí để trồng các loại hoa, tạo dựng cảnh quan trong vườn và bán vé cho du khách vào tham quan. Ý tưởng mới lạ đã mang lại cho anh những kết quả ngoài mong đợi khi lượng khách đến đông, cho thu nhập cao hơn thu nhập từ thu hoạch trái cây. Đến nay, anh Toàn đang hợp tác với một doanh nghiệp lữ hành của tỉnh xây dựng khu vui chơi, trải nghiệm những công việc làm vườn, trồng rau, bắt cá nhằm phục vụ đối tượng khách chính là học sinh.

Ngoài ra, Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Xuân Bắc vừa thành lập sẽ hướng tới phục vụ du khách tham quan các nhà vườn. Khách du lịch vừa có thể trải ngiệm, vừa có thể tự tay thu hoạch trái cây và mua làm quà cho người thân.

 

Bên cạnh phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp nông thôn, các lễ hội, triển lãm… cũng là kênh quảng bá hình ảnh, sản phẩm địa phương mang lại hiệu quả cao. Tại Lễ hội trái cây Long Khánh vào tháng 6-2023 vừa qua, thông qua lễ hội, Đồng Nai đã quảng bá, tôn vinh những loại trái cây đặc sản địa phương, đồng thời khẳng định vị thế của nông sản Đồng Nai trên thị trường quốc tế thông qua lễ xuất khẩu sầu riêng thu hút đông đảo sự quan tâm. Hay như Tuần lễ Văn hóa thể thao và du lịch của tỉnh là nơi hội tụ những giá trị văn hóa đặc trưng, những tiềm năng, lợi thế về du lịch, đồng thời tạo cơ hội quảng bá những sản phẩm du lịch của Đồng Nai.

 

Để du lịch nông nghiệp nông thôn phát triển bền vững, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành liên quan nhanh chóng xây dựng quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo cơ sở pháp lý trong hoạt động và quản lý các cơ sở du lịch, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển mạnh trong thời gian tới.

Bình luận