Cà phê Việt Nam đã 'đạt chuẩn' EUDR, thị trường vẫn hot dù bị tạm hoãn

Bình luận · 48 Lượt xem

Cho dù EU có tạm hoãn việc thực hiện Quy định chống phá rừng (EUDR), ngành cà phê Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục chủ động thực hiện quy định này để chủ động nâng chất các lô hàng xuất khẩu.

Thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên. Ảnh: Sơn Trang.

Trong những nước xuất khẩu cà phê trên thế giới, có thể nói, Việt Nam đang là nước đi đầu về thực hiện Quy định chống phá rừng và suy thoái rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết, Việt Nam là nước đầu tiên và rất tích cực triển khai thực hiện EUDR. Đặc biệt, Chính phủ, Bộ NN-PTNT rất quan tâm và hỗ trợ việc thực hiện EUDR ở các ngành hàng liên quan tới quy định này, trong đó có ngành cà phê.

Trong thời gian qua, VICOFA đã bám sát và phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT và các tổ chức quốc tế, triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của EUDR theo khung hành động mà Bộ NN-PTNT đã ban hành. Nội dung các tài liệu liên quan đến EUDR đã được văn phòng Hiệp hội cập nhật bản dịch tiếng Việt gửi cho các hội viên và đăng tải trên website của VICOFA. Hiệp hội cũng đưa đại diện các hội viên vào nhóm hỏi đáp về EUDR do Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ NN-PTNT lập ra; tham gia các cuộc họp kỹ thuật xây dựng nội dung sổ tay hướng dẫn thực hiện EUDR do Bộ NN-PTNT chủ trì.

Nhờ vậy, đến nay, về cơ bản, ngành cà phê Việt Nam đã đáp ứng được EUDR. Có thể nói, đại đa số các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam đã sẵn sàng xuất khẩu cà phê đáp ứng EUDR ngay khi quy định này được thực thi theo kế hoạch ban đầu là từ 1/1/2025.

Trong khi đó, ở những nước xuất khẩu cà phê khác, việc triển khai thực hiện EUDR trong ngành cà phê đang có những vấn đề, những tranh cãi. Thậm chí có nước phản đối EUDR. Có nước cũng triển khai thực hiện nhưng lại thiếu sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ.

Chính vì vậy, trong thời gian qua, khi thời gian bắt đầu thực hiện EUDR đến gần, nhiều nhà nhập khẩu châu Âu đã tập trung vào mua cà phê của Việt Nam, bởi Việt Nam đang gần như là nguồn cung cấp cà phê duy nhất vào thời điểm này có thể giúp họ bảo đảm được quy định EUDR một cách chắc chắn. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa giá cà phê Việt Nam lên ở mức cao nhất thế giới, và giá cà phê Robusta có nhiều thời điểm cao hơn cả cà phê Arabica, là điều mà trước đây không ai nghĩ tới.

Giá cà phê Robusta đã giảm nhiều sau khi Hội đồng châu Âu đề xuất tạm hoãn thực hiện EUDR. Ảnh: Sơn Trang.

Tuy nhiên, việc Ủy ban châu Âu đề xuất hoãn ngày nộp đơn (thực thi) EUDR đang tạo ra “cú hẫng” nhất định đối với các doanh nghiệp cà phê Việt Nam. Bởi ngay sau khi có đề xuất này, giá cà phê Robusta trên sàn London đã giảm xuống khá nhiều. Ông Nguyễn Quang Bình, một chuyên gia phân tích thị trường cà phê cho biết, từ đầu vụ 2024/2025 (bắt đầu từ 1/10/2024) đến nay, giá cà phê Robusta đã giảm khoảng 800 USD/tấn so với mức đỉnh đạt được trong tháng 9 là hơn 5.300 USD/tấn.

Trong khi đó, chi phí mà các doanh nghiệp (trong đó có cả các doanh nghiệp FDI) bỏ ra để triển khai thực hiện EUDR là không nhỏ. Tuy chi phí bỏ ra cao nhưng nhờ đáp ứng được quy định EUDR, nên trong thời gian qua, nhiều nhà nhập khẩu châu Âu đã chấp nhận ký hợp đồng mua các lô hàng cà phê đã đáp ứng quy định EUDR của các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, khi giá cà phê Robusta xuất khẩu giảm khá nhiều vì việc thực thi EUDR có thể bị tạm hoãn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang băn khoăn, lo lắng không biết các hợp đồng bán những lô hàng cà phê đã đáp ứng EUDR có được bên mua tiếp tục thực hiện hay không.

Trước những lo lắng nói trên của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, ông Đỗ Hà Nam cho biết, trong những cuộc gặp gỡ gần đây, nhiều nhà thương mại cà phê hàng đầu châu Âu, nhận định, EUDR dù có tạm hoãn thì sớm muộn gì quy định này cũng sẽ được thực thi ở EU. Do đó, họ vẫn chấp nhận tiếp tục thực hiện các hợp đồng mua cà phê EUDR đã ký kết với các doanh nghiệp Việt Nam và đề nghị doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục cung ứng cà phê EUDR cho những hợp đồng này.

VICOFA đề nghị các doanh nghiệp cà phê Việt Nam tiếp tục tập trung triển khai, thực hiện EUDR trong thời gian tới, mà không để gián đoạn quá trình này. Đây là cách để ngành cà phê Việt Nam luôn sẵn sàng đáp ứng được ngay EUDR vào bất cứ thời điểm nào mà quy định này chính thức được EU áp dụng.

Bình luận