Mô hình lúa - rươi canh tác hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh). Với mô hình này, cây lúa được canh tác trên các đồng bãi ven sông vốn là nơi sinh sống của rươi.
Từ khi biết giá trị của rươi, nhiều hộ dân trện địa bàn thị xã đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang quai vùng, đắp bờ, cải tạo ao, đầm, cống tại các bãi bồi ven sông để tạo điều kiện cho rươi tự nhiên vào sinh trưởng phát triển vì rươi chỉ sống ở vùng đất và nước sạch.
Rươi có đặc thù nếu tiếp xúc với hóa chất sẽ không sống được, vì vậy, để khai thác rươi đạt hiệu quả, người dân phải thực hiện các biện pháp canh tác theo hình thức thuận tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.
Việc kết hợp khoanh nuôi rươi trên ruộng lúa giúp 2 đối tượng này bổ trợ rất tốt cho nhau, tạo nên một vòng tuần hoàn. Trong đó, việc cải tạo đất, chăm sóc và quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa đã tạo ra nơi trú ẩn lý tưởng cùng nguồn thức ăn dồi dào cho con rươi phát triển.
Ngược lại, rươi xử lý các chất thải hữu cơ trong đất, nước để tạo ra phân bón hữu cơ giúp cây lúa khỏe mạnh, chống chọi tốt với sâu bệnh và đạt năng suất, chất lượng cao. Ông Phạm Văn Vinh (phường Xuân Sơn, thị xã Đông Triều) cho biết, kết hợp nuôi rươi và trồng lúa là hình thức canh tác tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên môi trường cũng được đảm bảo. Rươi thu hoạch cho sản lượng và chất lượng tốt, giúp gia đình có nguồn thu ổn định.
Nông nghiệp hữu cơ là hình thức canh tác không sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng hoặc các phụ gia trong thức ăn. Mô hình lúa - rươi có thể nói chính là quy trình sản xuất điển hình theo hướng này. Và sản phẩm lúa, rươi đang có các tiêu chuẩn tiệm cận tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Hiện nay, trong 340ha lúa - rươi đang triển khai ở thị xã Đông Triều, có 90ha do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh triển khai từ năm 2018 và đã được cấp chứng nhận hữu cơ đối với sản phẩm lúa. Cùng với đó, 36ha lúa - rươi của người dân Đông Triều nằm trong khuôn khổ liên kết sản xuất với HTX Đồng rươi Đông Triều cũng đang rà soát các điều kiện để mời đơn vị chuyên môn độc lập về thẩm định đánh giá và cấp chứng nhận lúa hữu cơ. Trước đó, toàn bộ gạo ruộng rươi mà HTX thu được đã trở thành sản phẩm OCOP 4 sao với nhiều tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn hữu cơ.
Đối với cây lúa ruộng rươi, nếu được chuyển đổi từ giống địa phương sang giống đặc sản, đồng thời chú trọng quy trình chăm sóc, thu hoạch thì năng suất có thể đạt 60% - 80% so với lúa thông thường, tương đương 4 - 4,5 tấn/ha (gấp 2 - 3 lần hiện nay). Tổng doanh thu từ lúa, rươi có thể đạt đến 300 - 400 triệu đồng/ha.
Qua khảo sát, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện còn có trên 500ha có thể tiếp tục triển khai mô hình lúa - rươi. Nếu hiện thực hoá được thì có thể nâng diện tích lúa - rươi của Quảng Ninh lên 800ha, đây có thể coi là vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, cung cấp nông sản sạch, an toàn, đáp ứng xu thế phát triển nông nghiệp bền vững, giá trị cao.
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, để đạt mục tiêu trên, tỉnh cần sớm có chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp hữu cơ, bao gồm cả mô hình lúa – rươi. Bên cạnh đó, cần nhiều đơn vị, doanh nghiệp kết nối với người dân, hỗ trợ nông dân gia mở rộng vùng sản xuất lúa - rươi.
Thời gian tới, thị xã Đông Triều tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, an toàn; thông tin về quy trình sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Thị xã. Cùng với đó, tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, nông dân tham gia thực hiện, quản lý và trực tiếp sản xuất mô hình về quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.