Nuôi gà tự động, giảm giá thành, an toàn dịch bệnh

Bình luận · 246 Lượt xem

HẢI PHÒNG Ứng dụng công nghệ tự động nuôi gà giúp giảm nhân công chăm sóc, hạn chế dịch bệnh, giảm giá thành, người chăn nuôi rất nhàn nhã.

Chăn nuôi gà theo kiểu truyền thống có nhiều rủi ro, hiệu quả kinh tế thấp. Ảnh: Đinh Mười.

Chăn nuôi gà theo kiểu truyền thống có nhiều rủi ro, hiệu quả kinh tế thấp. Ảnh: Đinh Mười.

Quản lý hiệu quả, hạn chế dịch bệnh

Theo Sở NN-PTNT TP Hải Phòng, đàn gia cầm trên địa bàn Thành phố hiện có hơn 8 triệu con, được nuôi ở 914 trang trại, trong đó có 206 trang trại quy mô vừa, 708 trang trại quy mô nhỏ.

Kết quả khảo sát mới nhất, các trang trại ở Hải Phòng chủ yếu vẫn chăn nuôi thủ công, phần lớn chưa áp dụng công nghệ hiện đại. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tìng trạng khó khăn cho chăn nuôi gia cầm thời gian qua, nhất là chi phí nhân công cao, giá thành sản phẩm cao, sản phẩm khó cạnh tranh với thịt gà nhập khẩu…

Bên cạnh đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong khi các trang trại chăn nuôi chưa đảm bảo phòng chống dịch, an toàn sinh học trong chăn nuôi chưa chặt chẽ. Vì vậy, rủi ro với đàn gia cầm cao, nhiều hộ nông dân bị thiệt hại do dịch bệnh không còn khả năng tái sản xuất, thậm chí có hộ phải chuyển sang làm nghề khác.

Trước tình hình đó, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã triển khai mô hình chăn nuôi gà sinh sản ứng dụng công nghệ tự động tại gia đình anh Nguyễn Quang Vình (xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng), quy mô 5.000 con gà sinh sản.

Ông Vũ Đức Hạnh - Trường phòng Chuyển giao Công nghệ kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng) hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ mới nuôi gà tự động. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Vũ Đức Hạnh - Trường phòng Chuyển giao Công nghệ kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng) hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ mới nuôi gà tự động. Ảnh: Đinh Mười.

Khi tham gia mô hình, hộ chăn nuôi được tham gia đào tạo tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gà sinh sản theo VietGAHP, được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật vận hành hệ thống IoT cả về lý thuyết và thực hành đến khi thành thạo.

Ngoài ra, hộ chăn nuôi còn được hỗ trợ 50% thức ăn cho gà giai đoạn hậu bị, giai đoạn đẻ cũng như hỗ trợ vacxin, thuốc khử trùng, acid hữu cơ, thảo dược, chế phẩm sinh học bổ sung vào thức ăn, nước uống và 40% giá trị thiết bị IoT.

Sau 3 tháng theo dõi, mô hình chăn nuôi gà sinh sản ứng dụng cộng nghệ tự động được triển khai tại trang trại của anh Nguyễn Quang Vình cho thấy, công nghệ đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế mà các trang trại đang gặp phải.

Qua hạch toán sơ bộ, đến thời điểm này, mặc dù đàn gà chưa đẻ, tuy nhiên dự kiến hiệu quả kinh tế của mô hình là vượt trội so với gà nuôi thông thường. Cụ thể, chi phí để cho ra 1 quả trứng của đàn gà trong mô hình từ 2.000 - 2.100 đồng/quả, giá bán dự kiến 2.800 đồng/quả. Trong khi đó, chi phí để cho ra 1 quả trứng của đàn gà ngoài mô hình là 2.300 - 2.400 đồng, giá bán 2.700 đồng/quả. Tính trong 1 tháng, thu nhập bán trứng của đàn gà mô hình 5.000 con cao hơn so với đàn gà ngoài mô hình gần 42.780.000 đồng, 1 năm chênh lệch hơn 513 triệu đồng.

Đàn gà được kiểm soát các yếu tố kỹ thuật thông qua các thiết bị cảm ứng và dây chuyền tự động được điều khiển từ xa. Ảnh: Đinh Mười.

Đàn gà được kiểm soát các yếu tố kỹ thuật thông qua các thiết bị cảm ứng và dây chuyền tự động được điều khiển từ xa. Ảnh: Đinh Mười.

“Chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, người quản lý trang trại có thể biết được môi trường không khí cũng như các hoạt động đang diễn ra trong chuồng nuôi để có thể xử lý kịp thời mà không phải trực tiếp vào chuồng, đồng thời luôn đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho từng con gà và tạo ra điều kiện sống lý tưởng cho đàn gà, đảm bảo tăng trưởng và sinh sản tốt nhất, từ đó cải thiện hiệu suất chăn nuôi và giảm rủi ro dịch bệnh”, anh Vình chia sẻ.

"Càng hạn chế việc sử dụng sức lao động của con người thì càng hạn chế được mầm bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, người chăn nuôi ít phải tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi thì sức khỏe cũng tốt hơn.

Một yếu tố rất quan trọng nữa đó là nhiệt độ, độ ẩm chuồng nuôi cũng phải được quản lý, theo dõi sát trong suốt quá trình nuôi nên người dân rất cần ứng dụng thiết bị tự động nhằm kết nối hiện trường chuồng trại với người quản lý để được xử lý kịp thời", ông Bùi Văn Luyện - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng cho hay.

Giải pháp đột phá cho người chăn nuôi

Ông Vũ Đức Hạnh – Trưởng phòng Chuyển giao Công nghệ kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng) cho biết, tham gia mô hình chuyển đổi số vào quản lý tại trang trại chăn nuôi, gia đình anh Nguyễn Quang Vình được trang bị các cảm biến và thiết bị tự động tiên tiến như: Hệ thống cho ăn, uống tự động; hệ thống giám sát và điều khiển vi khí hậu tự động; hệ thống cảnh báo sớm... nhằm tự động giám sát môi trường không khí, chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý sức khỏe vật nuôi, giúp người chăn nuôi nhàn hạ hơn, đảm bảo an toàn hơn.

Công nghệ tự động giúp người chăn nuôi giảm thiểu rủi ro, dịch bệnh, giảm được nhân công. Ảnh: Đinh Mười.

Công nghệ tự động giúp người chăn nuôi giảm thiểu rủi ro, dịch bệnh, giảm được nhân công. Ảnh: Đinh Mười.

Hệ thống dây chuyền cho ăn, uống điều khiển tự động thông qua thiết bị cảm biến báo hết cám tại mỗi silo chứa thức ăn. Thức ăn được chứa vào silo để bảo quản và lưu trữ. Silo có thể được kết nối với hệ thống cân điện tử để giám sát lượng thức ăn cấp vào, lấy ra hàng ngày cũng như lượng tồn thức ăn trong silo. Đồng thời máy móc sẽ tự động giám sát và điều khiển các thiết bị điều tiết khí hậu như hệ thống quạt điều hòa, thông gió...

Với hệ thống giám sát và điều khiển vi khí hậu tự động, hệ thống quan trắc môi trường nuôi sẽ thu thập dữ liệu môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, khí C02, ánh sáng..., từ đó điều khiển các thiết bị tự động như điều hòa, quạt, hệ thống coolding pad làm mát, hệ thống đèn sưởi, đèn chiếu sáng để đưa thông số môi trường về ngưỡng tốt nhất cho môi trường sống của từng loại vật nuôi.

Hệ thống phần mềm IoT tích hợp các thiết bị cảm biến môi trường trong nhà nuôi cho phép thu thập dữ liệu môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, khí CO2, ánh sáng…, từ đó đưa ra cảnh báo cho người quản lý trang trại biết được các thông số môi trường vượt ngưỡng cho phép có thể gây hại cho vật nuôi.

Song song với cảnh báo, hệ thống cũng sẽ tự động xử lý theo cài đặt người dùng để đưa các thông số môi trường về ngưỡng thuận lợi cho sự phát triển của vật nuôi.

Với sự kết hợp giữa kiến thức chuyên môn chăn nuôi và công nghệ số, hiện anh Nguyễn Quang Vình đã được tập huấn nâng cao kiến thức, có kinh nghiệm và chủ động kỹ năng vận hành, quản lý hệ thống cảm biến và thiết bị tự động cho trang trại của gia đình mình. Từ đó giảm nhân công chăm sóc, giúp đàn gà phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh, tăng trưởng đồng đều và nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và môi trường.

Công nghệ chăn nuôi tự động có triển vọng áp dụng rộng rãi tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Công nghệ chăn nuôi tự động có triển vọng áp dụng rộng rãi tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

“Mô hình chăn nuôi gà sinh sản ứng dụng công nghệ tự động tại xã Toàn Thắng không chỉ mang lại lợi ích cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vình mà còn có tiềm năng lan tỏa cho các trang trại khác trên toàn Thành phố. Hiện mô hình này đang được nhiều trang trại quan tâm, nghiên cứu để áp dụng.

Đây là bước tiến mới trong ứng dụng công nghệ số vào chăn nuôi, đảm bảo sản phẩm an toàn và chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường, phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững. Thành công của mô hình sẽ được lan tỏa, nhân rộng cho các hộ gia đình chăn nuôi khác và tạo nên một cú hích cho sự phát triển chăn nuôi tại Hải Phòng”, ông Vũ Đức Hạnh - Trưởng phòng Chuyển giao Công nghệ kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng) chia sẻ.

Tại Hải Phòng, ngành chăn nuôi gia cầm tạo việc làm và thu nhập cho 55.000 hộ dân, đóng góp 25% giá trị sản xuất chăn nuôi của toàn Thành phố. Gia cầm nói chung và gà nói riêng được xác định là đối tượng nuôi chủ lực, luôn phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng bình quân 2,56%/năm.

Bình luận