Nhiều vướng mắc khiến doanh nghiệp chưa mặn mà làm nông nghiệp

Bình luận · 197 Lượt xem

Các chính sách có mức hỗ trợ thấp lại tổ chức thực hiện một cách nửa vời nên hiệu quả, mức độ tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp nông nghiệp chưa cao.

Việt Nam là quốc gia có lợi thế về nông nghiệp nhưng doanh nghiệp nông nghiệp vẫn còn quá ít. Chủ thể sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu là các hộ gia đình nên sự phát triển của ngành nông nghiệp thiếu tính đột phá. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (từ năm 2017-2022), tính đến hết ngày 31/12/2022, cả nước có 12.094 doanh nghiệp nông nghiệp (DNNN) trong tổng số 89.5876 DN cả nước đang hoạt động, chỉ chiếm gần 1,35% tổng số DN trên cả nước.

Quy mô đầu tư của các DN vào lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu ở mức nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đến 90%, DNNN có quy mô vừa chỉ chiếm 4,0% và tiếp đến là DN có quy mô lớn chiếm chưa đầy 6%. Qua đó cho thấy, sự phát triển của các DNNN trong giai đoạn vừa qua còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển.

Chính sách thu hút chưa thực sự đủ mạnh

Những năm qua, mặc dù đã có các chính sách khuyến khích, thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, song từ thực tế quá trình tham gia vẫn còn rất nhiều bất cập. Như phản ánh của bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, để đầu tư vào chăn nuôi, đầu tiên DN phải khảo sát, tìm kiếm mặt bằng phù hợp, hội đủ điều kiện cho cây trồng, vật nuôi mới có thể phát triển được. Tiếp theo là DN thực hiện thương lượng, đền bù hoa màu, công trình trên đất… để chuyển dịch quyền sử dụng đất. Tiếp đó là thủ tục đầu tư, xây dựng… phải qua nhiều cơ quan và mất nhiều thời gian, công sức.

Vấn đề bận tâm nhất của DN trong quá trình đầu tư theo bà Hà là việc xin phép xây dựng các công trình phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao trên đất nông nghiệp hiện nay khá vất vả, bởi vẫn có luồng suy nghĩ cho rằng DN sẽ biến đất ruộng thành đất ở. DN muốn trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao bắt buộc phải đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính, chuồng trại hiện đại kể cả nơi ở cho người chăm sóc. Nhưng nhu cầu xây dựng trên đất nông nghiệp đang là vấn đề khó khăn cho nhiều nhà đầu tư cần tháo gỡ để phát triển.

 

“Hiện nay chúng ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy DN đầu tư, nhưng việc tiếp cận chính sách trong thực tế rất khó khăn, như giá đất, thuế… Nếu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phải tham gia đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư sẽ rất khó thu hút DN tham gia, vì đầu tư vào nông nghiệp nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp nhưng chi phí rất cao”, bà Hà bày tỏ.

Thừa nhận sự phát triển DNNN đến nay còn khá khiêm tốn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, TS. Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ NN&PTNT, Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra 1 trong những nguyên nhân chính, đó là chưa có chính sách thực sự đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của khu vực DNNN. Chính sách phát triển DNNN hiện chủ yếu tập trung vào hỗ trợ, ưu đãi như hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ giao đất, cho thuê đất; ưu đãi tín dụng; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ về chế biến sản phẩm; khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân; hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới.

 

“Chính sách hỗ trợ như vậy được xem là khá toàn diện, tuy nhiên tính đồng bộ của chính sách, mức độ hỗ trợ của chính sách chưa tốt; đôi khi khâu tổ chức triển khai còn chậm, nguồn lực bố trí cho triển khai chính sách khá khó khăn; các chính sách có mức hỗ trợ thấp lại tổ chức thực hiện một cách nửa vời nên hiệu quả, mức độ tác động đến sự phát triển của DNNN chưa lớn”, TS. Vũ Mạnh Hùng đánh giá.

 

Khuyến khích hỗ trợ thực chất hiệu quả

Để phát triển số lượng và chất lượng DNNN thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào chính sách, từ đó thúc đẩy hình thành nhiều DNNN, đặc biệt là việc chuyển dịch từ khu vực hộ kinh doanh nông nghiệp, hộ đại điền sang hoạt động theo loại hình DN, dần từng thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp phi chính thức sang chính thức. Song song với đó là các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân và lực lượng lao động thông qua các loại hình DN.

 

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cần tổ chức thực hiện thực chất, hiệu quả hơn các quan điểm, mục tiêu, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển DNNN. Trong đó, tăng cường các chính sách về hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn cho DNNN, HTX nông nghiệp, tạo điều kiện tốt hơn trong tiếp cận vốn tín dụng từ khu vực ngân hàng thương mại cũng như từ các quỹ hỗ trợ đầu tư.

TS. Trần Thị Hồng Minh đặc biệt lưu ý đến các chính sách hỗ trợ về tạo quỹ đất, quy hoạch các vùng đất sản xuất nông nghiệp, vùng nguyên liệu minh bạch, ổn định. Nhà nước cần sớm có các chính sách tích tụ ruộng đất, tập trung đất đai, sớm hình thành thị trường quyền sử dụng đất đặc biệt là đất nông nghiệp để các DN có cơ hội phát triển và mở rộng sản xuất, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người nông dân và DN.

Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp luật về đăng ký kinh doanh tạo thuận lợi cho DNNN khi gia nhập thị trường. Đẩy mạnh cải cách quy định về điều kiện kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi thực chất cho các DNNN. Một định hướng quan trọng là cần sớm tạo cơ chế thử nghiệm cho phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Khuyến khích các hộ kinh doanh nông nghiệp chuyển đổi thành lập DN”, TS. Trần Thị Hồng Minh đề xuất.

 

Đồng tình với đề xuất cần có cơ chế tín dụng cho các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bền vững, bà Trương Thị Lệ Khanh, Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn kiến nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần thực sự đồng hành cùng DNNN. Những đơn vị này nghiên cứu chính sách ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp xanh, vì hiện nay lãi suất còn khá cao so với khả năng lợi nhuận, nên DN không thể vay vốn đầu tư nông nghiệp. Mặt khác, nhà nước cần có chính sách thu hút đầu tư từ các DN có năng lực về công nghệ chế biến và phát triển thị trường, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn cũng như vùng nguyên liệu tập trung. Các địa phương cần chọn lựa nhà đầu tư có quan điểm phát triển bền vững, có năng lực thực hiện dự án theo đúng cam kết.

Bình luận