Quần thể công trình xây trái phép trên đất nông nghiệp ở Hải Dương: Có tháo dỡ?

Bình luận · 214 Lượt xem

Xây dựng, lắp đặt quần thể công trình trái phép trên đất nông nghiệp chuyển đổi có thể bị xử phạt hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu

Trên diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi tại xứ đồng Lỳ Bét, thôn Xạ Sơn (xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), hộ ông Nguyễn Ngọc Chiến đã xây dựng, lắp đặt quần thể công trình gồm nhà sàn 2 tầng diện tích 140m2, nhà dựng từ thùng container; nhà phụ 70m2; công trình vệ sinh 13m2; chòi uống nước, tiểu cảnh non bộ thả cá, sân, vườn…

Luật sư Trần Việt – Văn phòng luật sư Trung Hòa thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội khi trao đổi với PV về trường hợp vi phạm đất đai trên cho biết, thông tin trên cho thấy, ông Chiến đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Theo luật sư Việt, Luật Đất đai hiện hành quy định đất nuôi trồng thủy sản thuộc loại đất nông nghiệp. Nguyên tắc sử dụng đất phải đúng quy hoạch, kế hoạch và đúng mục đích sử dụng đất. Do đó, hành vi sử dụng đất không đúng mục đích là vi phạm pháp luật đất đai. Người sử dụng đất không được xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp (đất nuôi trồng thủy sản), nếu xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp là sử dụng sai mục đích sử dụng đất và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư Trần Việt phân tích, đối với đất nông nghiệp nếu có nhu cầu xây dựng nhà ở bắt buộc phải chuyển mục đích sử dụng đất. Theo đó, để xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp (đất nuôi trồng thủy sản), người sử dụng đất nuôi trồng thủy sản phải xin chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp (đất nuôi trồng thủy sản) sang đất phi nông nghiệp (đất ở) và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Do đó, có thể thấy, việc ông Nguyễn Ngọc Chiến sau khi nhận chuyển nhượng diện tích đất chuyển đổi tại thôn Xạ Sơn (xã Quang Thành) đã phá dỡ các công trình cũ để xây mới, lắp dựng các công trình trên đất nuôi trồng thủy sản là sai mục đích sử dụng đất, nếu chưa thực hiện các thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp (đất nuôi trồng thủy sản) sang đất ở là vi phạm các quy định của pháp luật đất đai.

Do đó, hành vi trên của ông Chiến có thể bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại d khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Ngoài ra, hành vi xây dựng trên đất nông nghiệp trên có thể bị xử lý về hành vi xây dựng không có giấy phép xây dựng. Tại khoản 11 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng đối với các công trình xây dựng trên đất không đúng mục đích sử dụng đất thì xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Nói về trách nhiệm chính quyền địa phương liên quan vụ việc trên, luật sư Trần Việt cho rằng, theo quy định tại Điều 208 Luật Đất đai hiện hành quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất.

Đối với Chủ tịch UBND xã khi phát hiện công trình chuyển mục đích trái phép phải nhanh chóng kịp thời xử lý các công trình xây dựng trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Nếu Chủ tịch UBND xã không xử lý thì theo quy định của pháp luật UBND xã phải lập hồ sơ trường hợp vi phạm báo cáo với UBND cấp huyện xử lý và Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi không xử lý vi phạm pháp luật đất đai đối với người vi phạm.

Theo Khoản 6 Điều 97 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai quy định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai như sau:“6. Vi phạm quy định về quản lý đất do được Nhà nước giao để quản lý bao gồm các hành vi sau: a) Để xảy ra tình trạng người được pháp luật cho phép sử dụng đất tạm thời mà sử dụng đất sai mục đích; b) Sử dụng đất sai mục đích”. Do đó, theo quy định trên, tùy tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật.

Trước đó, báo cáo của UBND thị xã Kinh Môn gửi Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương về việc vi phạm đất đai của ông Nguyễn Ngọc Chiến tại xứ đồng Lỳ Bét thuộc xã Quang Thành cho biết, diện tích đất này trước đây của hộ ông Nguyễn Tất Doanh (thôn Xạ Sơn, xã Quang Thành), có nguồn gốc là đất nông nghiệp, trước đây là khu vực đất canh tác kém hiệu quả và được UBND xã Quang Trung (nay là xã Quang Thành) lập dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây ăn quả lâu năm và đào ao thả cá.

Sau khi được chuyển đổi, ông Doanh sau đó thực hiện đào ao thả cá, lập vườn trồng cây, xây dựng nhà trông coi và nhà chăn nuôi trên đất. Thửa đất của hộ ông Doanh sử dụng là 5376m2 thuộc loại đất nuôi trồng thủ sản, theo bản đồ địa chính.

Năm 2020, ông Nguyễn Tất Doanh chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất, cây trồng trên đất, chuồng trại chăn nuôi cho ông Nguyễn Ngọc Chiến (SN 1984, hộ khẩu thường trú tại thôn Đông Quan, xã Quang Thành). Sau khi nhận chuyển nhượng diện tích đất trên, ông Chiến đã phá dỡ các công trình cũ để xây mới công trình.

 

Đáng chú ý, ngày 7/9/2020, UBND xã Quang Thành đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối với việc ông Nguyễn Ngọc Chiến xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Thời điểm phát hiện, ông Chiến xây dựng 2 móng nhà bằng gạch chỉ. UBND xã Quang Thành đã yêu cầu ông Chiến tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm. Tuy nhiên, đến hết ngày 10/9/2020, ông Chiến không tháo dỡ. UBND xã Quang Thành sau đó ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Chiến, số tiền phạt 4.000.000 đồng và yêu cầu khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Đến nay, ông Chiến thậm chí lắp đặt thêm công trình.

Theo UBND thị xã Kinh Môn, việc tháo dỡ nhà cũ, xây dựng, lắp đặt công trình mới, sau đó cải tạo, xây dựng mới các công trình được ông Chiến thực hiện năm 2020. Các công trình xây dựng, lắp đặt trên khu đất nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng không đúng theo quy định tại Quyết định 1654 ngày 3/5/2007 của UBND tỉnh Hải Dương ban hành “Bản quy định về quản lý và xây dựng nhà trông coi trên đất chuyển đổi trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.

 

Tại buổi làm việc với UBND xã Quang Thành về việc vi phạm đất đai của ông Nguyễn Ngọc Chiến ngày 21/9 vừa qua, UBND thị xã Kinh Môn đã yêu cầu UBND xã Quang Thành thực hiện nghiêm Chỉ thị số 22 ngày 15/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản trên địa bàn; Chỉ thị 11 ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Thị ủy Kinh Môn về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn.

UBND xã Quang Thành khẩn trương làm việc với người vi phạm, xử lý nghiêm việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp theo đúng quy định pháp luật. Hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đảm bảo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả xử lý về UBND thị xã.

Báo cáo nêu rõ, thời gian tới, UBND thị xã Kinh Môn tiếp tục chỉ đạo UBND xã Quang Thành, các cơ quan chuyên môn có liên quan xử lý vi phạm đất đai đối với ông Nguyễn Ngọc Chiến, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Bình luận