Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, trước nguy cơ hạn mặn trên diện rộng trong mùa khô 2023-2024 ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ NN-PTNT và Cục Trồng trọt đã có những giải pháp để ứng phó.
Cụ thể, về thời vụ, Cục Trồng trọt đã đề xuất với các địa phương tổ chức xuống giống sớm vụ đông xuân ở vùng ven biển và vùng giữa Đồng bằng sông Cửu Long. Thậm chí trong trường hợp đỉnh lũ dưới báo động 1 dẫn tới nguy cơ thiếu nước cuối vụ đông xuân ở vùng thượng Đồng bằng sông Cửu Long, thì tổ chức xuống giống sớm ở cả vùng thượng.
Đó là một trong những giải pháp phi công trình để né tránh những yếu tố bất lợi, nhất là nguy cơ hạn mặn cuối vụ trong sản xuất lúa vụ đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long. Các giải pháp phi công trình trong tổ chức sản xuất gồm: bố trí mùa vụ, bố trí thời vụ, chuyển đổi cơ cấu giống và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Từ sau mùa khô năm 2015-2016 đến nay, ngành nông nghiệp và các địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long trước những yếu tố bất lợi. Nhờ vậy, mùa khô 2019-2020, tuy được đánh giá là có mức độ hạn mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử, nhưng đã giảm thiểu được rất nhiều thiệt hại so với mùa khô 2015-2016.
Theo ông Lê Thanh Tùng, hầu hết các giải pháp trong mùa khô 2019-2020 đều có thể áp dụng cho những mùa khô sau này. Về giải pháp phi công trình, ngoài bài học về công tác tổ chức sản xuất gồm bố trí lại mùa vụ, thời vụ, bố trí chuyển đổi cơ cấu giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng như đã nói ở trên, ngành nông nghiệp đã có thêm những công cụ hữu ích khác.
Có thể kể ra đây như bản đồ rủi ro khí hậu và thích ứng. Gói kỹ thuật tổng hợp áp dụng trong suốt thời gian sinh trưởng của cây lúa, như lúc nào thì đưa nước vào, khi nào không cần nước. Hay các kỹ thuật giúp cho cây lúa khỏe, cứng cáp để chống chịu với khô hạn bất thường hoặc mưa trái mùa.
Ông Tùng nhấn mạnh, điều quan trọng nữa là sự phối hợp, tổ chức sản xuất ở các địa phương. Thành công trong việc giảm thiểu tối đa thiệt hại do hạn mặn trong mùa khô 2019-2020 cho thấy, có một nguyên nhân rất quan trọng là sự đồng thuận cao từ các địa phương. Nhiều địa phương đã có chỉ đạo quyết liệt trong tổ chức sản xuất từ tỉnh tới huyện, xã như Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh …
Một giải pháp phi công trình rất quan trọng khác là việc chia sẻ nguồn nước trong mùa khô. Trước đây, trong sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, ngành nông nghiệp và các địa phương ưu tiên xuống giống tập trung để né rầy. Bây giờ, vẫn duy trì xuống giống tập trung nhưng mục tiêu số 1 là để chia sẻ nguồn nước, tránh lãng phí nước.
Ví dụ trong một cánh đồng khoảng 1.000 ha, nếu xuống giống thành 2 đợt, mỗi đợt 500 ha, thì mỗi lần đưa nước vào cánh đồng, chỉ 500 ha hưởng lợi, lượng nước còn lại sẽ bị lãng phí. Vì vậy, cần phải tổ chức xuống giống một lần luôn toàn bộ 1.000 ha để mỗi lần đưa nước vào là cấp nước cho toàn bộ cánh đồng.
Bên cạnh đó là sự phối hợp chia sẻ nguồn nước giữa thượng nguồn và cuối nguồn. Một điển hình trong trong giải pháp này là chia sẻ nguồn nước trên kênh Vĩnh Tế. Kênh Vĩnh Tế chảy qua địa phận 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang, tổng cộng có gần 80 ngàn ha lúa của 2 tỉnh cần nguồn nước từ kênh này. Nhưng trong mùa khô, nếu toàn bộ gần 80 nghìn ha này cùng lấy nước trong một thời điểm, thì nguồn nước trên kênh chỉ đủ cho 50% diện tích.
Từ thực tế đó, Cục Trồng trọt đã cùng An Giang và Kiên Giang, thống nhất giải pháp xuống giống phù hợp với nguồn nước kênh Vĩnh Tế. Cụ thể, nếu như tuần này An Giang xuống giống tập trung thì tuần sau hoặc nửa tháng sau Kiên Giang sẽ xuống giống tập trung. Như vậy, dù nguồn nước vẫn như cũ nhưng kênh Vĩnh Tế vẫn đảm bảo cung cấp đủ nước khi các địa phương 2 bên bờ kênh luân phiên lấy nước vào đồng ruộng.
Sơn Trang