Trường cấp III Nông nghiệp (Mô hình Nhật Bản) thuộc Trường cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định (tỉnh Nam Định). Mô hình giáo dục của trường liên kết với Nhật Bản, nhằm đào tạo nhân lực nông nghiệp kỹ thuật cao. Học sinh của trường sẽ học 8 môn văn hoá theo chương trình của Sở Giáo dục & Đào tạo và môn ngoại ngữ là tiếng Nhật.
Ngoài giờ học văn hóa, môn học trọng tâm của teen tại đây là các kỹ thuật nông nghiệp. Đặc biệt, các giờ học nông nghiệp chú trọng thực hành, lý thuyết chỉ từ 10-15 phút. Một số tiết học nông nghiệp còn có chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ với giáo trình chi tiết.
Sau khi tốt nghiệp, các bạn sẽ có cơ hội sang Nhật làm việc từ 3 đến 5 năm tại các công ty nông nghiệp, công ty chế biến thực phẩm. Các bạn cũng có thể học tiếp chương trình đại học tại trường Minami Kyushu (tỉnh Miyazaki, Nhật Bản).
Trường không chỉ thu hút học sinh trong tỉnh Nam Định mà còn ngoài tỉnh. Nhiều bạn đến từ Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, TP.HCM, Đồng Nai, Cà Mau...cũng đăng ký nhập học
Tại Trường cấp III Nông nghiệp, các bạn học sinh sẽ phải tự tay thực hiện các quy trình nông nghiệp. Các bạn sẽ học cách bố trí gian nhà ủ phân, phối trộn nguyên liệu ủ theo tỷ lệ.
Không những vậy, các bạn cũng học cách đảo phân bón theo phương pháp sử dụng vi sinh vật hiếu khí hay cảm nhận quá trình đạt chuẩn của phân bón bằng cách ngửi, cảm nhận độ ẩm bằng tay.
Bạn Bùi Thị Hương Thảo (lớp 11C2) chia sẻ: "Tụi mình cũng phải bắt sâu bằng tay nữa (cười). Các sản phẩm sau thu hoạch một phần sẽ được đưa vào nhà ăn của trường và một phần sẽ được bán".
Bên cạnh đó, các sản phẩm nông nghiệp cũng được học sinh chế biến thành nhiều thực phẩm đa dạng như: đậu phụ lạc, bơ lạc hay bánh mì, bánh su kem...
Ngoài những giờ học về kỹ thuật nông nghiệp, teen ở đây còn được học thiết kế bao bì, nhãn mác sao cho hấp dẫn. Các bạn cũng học cách tạo nên các sản phẩm trang trí từ các phế phẩm nông nghiệp, cành cây khô...Các sản phẩm này được chào bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Lúc đầu, khi học các môn về nông nghiệp mình khá lo lắng. Trước đây, mình không biết cách ủ phân, xử lý đất trước khi trồng...
Nhớ lần đầu cuốc đất, mình cứ lọng cọng mãi. Giờ thì mình đã sử dụng thành thạo nhiều loại nông cụ. Trường còn trang bị đồ bảo hộ lao động như ủng, găng tay, áo...", Hương Thảo cho biết thêm.