Tạo sản phẩm du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp

Bình luận · 213 Lượt xem

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, những thành quả từ xây dựng nông thôn mới đã trở thành điểm tựa vững chắc để Quảng Ninh phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Qua đó, tạo ra những sản phẩm mới, đa dạng phục v?

Những năm gần đây, nhận rõ lợi thế từ việc kết hợp phát triển trang trại nông nghiệp với du lịch, nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã có ý tưởng tạo ra các mô hình hấp dẫn như: du lịch trang trại đồng quê, trải nghiệm làm nông dân, trải nghiệm những sinh hoạt, lao động, ẩm thực thường ngày của người dân bản địa... Các mô hình này đã tạo ra các điểm đến, sản phẩm du lịch nông nghiệp hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

 

Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh

 

Bình Liêu được coi là một trong những nơi thu hút đông du khách đến tham quan với nhiều mô hình du lịch cộng đồng mang bản sắc của địa phương. Huyện đã triển khai xây dựng các nhóm sản phẩm theo chuyên đề đặc sắc mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Một trong số đó là vườn hoa Bình Liêu, một sản phẩm du lịch lạ, hấp dẫn ở thôn Cao Sơn, xã Hoành Mô, do Hợp tác xã hoa Bình Liêu đầu tư với quy mô 2ha. Tại đây, du khách được hòa mình vào cuộc sống thanh bình, mến khách của người dân bản địa, thưởng ngoạn cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ, bầu không khí trong lành, thưởng thức vẻ đẹp của muôn loài hoa.

 

Giám đốc Hợp tác xã hoa Bình Liêu, Nguyễn Thanh Hải cho biết: Ðến với vườn hoa Cao Sơn, du khách có thể tham quan các khu ươm giống, tìm hiểu về quy trình trồng hoa, trải nghiệm hái dâu tây, cắt hoa lan Vũ nữ, hoa đồng tiền; trải nghiệm làm cô gái dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ và chụp hình bên những khóm hoa, những điểm dừng chân độc đáo như cầu tình yêu, cầu tre, vòng xoay. Ðến nay, hợp tác xã đã đầu tư thêm mô hình farmstay nhỏ phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của du khách. Vườn hoa Cao Sơn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách khi đến với Bình Liêu.

 

Ðược ví như "Ðà Lạt" của Quảng Ninh, Bình Liêu sở hữu lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số. Ðây cũng là nguồn tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trải nghiệm của huyện Bình Liêu. Hiện huyện đang tiếp tục nghiên cứu phát triển đa dạng các loại hình như: Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa-lịch sử và tâm linh, du lịch trải nghiệm thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, du lịch biên giới và du lịch nông nghiệp.

Với hơn 800ha ruộng bậc thang trồng lúa trải đều khắp các xã, thị trấn, vào độ cuối tháng 10 dương lịch trở đi, lúa chín trên những cánh đồng, thửa ruộng bậc thang ở các thôn, bản, sườn đồi như những dòng thác đang đổ mầu vàng óng ả giữa trời thu xanh ngắt tạo nên khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

 

Từ lợi thế này, Bình Liêu tổ chức thành công Hội mùa vàng, đặc biệt ruộng bậc thang Lục Hồn được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh, góp phần mở ra cơ hội phát triển du lịch, gắn với công tác bảo tồn, phát huy những giá trị cảnh quan thiên nhiên, văn hóa của ruộng bậc thang Bình Liêu. Tiếp đó là lễ hội hoa sở được tổ chức hằng năm đã mang đến một sắc màu du lịch độc đáo của Bình Liêu. Những lợi thế này đã tạo điều kiện cho người dân địa phương đầu tư, phát triển dịch vụ du lịch một cách bài bản hơn từ dịch vụ lưu trú, ăn nghỉ, vui chơi gắn với trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, ẩm thực, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Các mô hình hợp tác xã nông nghiệp sản xuất các sản phẩm thế mạnh của Bình Liêu như miến dong, cá nước lạnh, trồng hoa, tinh dầu hồi, quế... đang phát triển hiệu quả, trở thành điểm đến du lịch với những trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo dành cho du khách.

 

Trưởng Phòng Văn hóa-thông tin huyện Bình Liêu, Hoàng Huy Trọng chia sẻ: Những năm gần đây, du khách đến với Bình Liêu ngày càng tăng. Ðiều này khẳng định hướng đi đúng của huyện trong việc duy trì hiệu quả các hoạt động lễ hội, văn hóa du lịch thường niên. Tại Bình Liêu đã hình thành các cơ sở lưu trú, homestay đặc sắc, có dấu ấn riêng biệt, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm nét sinh hoạt cộng đồng của người dân để hiểu hơn giá trị, nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu.

 

Ðến thăm khu sinh thái gia đình tại xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, du khách sẽ được trải nghiệm thú vị khi có một ngày thử sức làm nông dân tự tay mò cua, bắt ốc, câu cá; được thả mình thư giãn giữa không gian bình dị của đồng quê, gần gũi của ruộng đồng, ao cá, đầm sen, tạm quên đi những bận rộn, áp lực của công việc hằng ngày. Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng đến nay, điểm đến này đã thu hút lượng khách ổn định nhất là vào dịp cuối tuần và ngày lễ.

 

Anh Nguyễn Văn Trưởng, chủ khu sinh thái gia đình cho biết: Ðúng như tên gọi, mô hình khu sinh thái của chúng tôi hướng đến đối tượng khách là các gia đình, nhóm khách nhỏ đến vui chơi, trải nghiệm tạo thêm thời gian, không gian để gắn kết tình cảm gia đình. Diện tích khu sinh thái khá lớn, do chuyển đổi từng bước từ mô hình nuôi thủy sản, vì vậy, chúng tôi vừa làm vừa đầu tư, hoàn thiện nắm bắt theo nhu cầu của du khách, hướng tới xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp mới mẻ, hấp dẫn, phù hợp với điều kiện sẵn có và bảo vệ môi trường tự nhiên.

 

Từ thành công của mô hình du lịch làng quê Yên Ðức, thị xã Ðông Triều tiếp tục triển khai mô hình trải nghiệm vườn trái cây ở làng quê Việt Dân. Theo đó, Công ty TNHH Han Nong (Hàn Quốc) liên kết với các hộ làm vườn điển hình, hỗ trợ quy hoạch vườn phù hợp với du lịch kết hợp đưa du khách thăm vườn, trải nghiệm quy trình canh tác nông nghiệp, thưởng thức hoa trái, sản phẩm của vườn.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, loại hình sản phẩm du lịch nông nghiệp của Quảng Ninh khá đa dạng, phát triển từ rừng, biển cho đến đồng ruộng. Loại hình du lịch biển kết hợp với sản phẩm du lịch trải nghiệm "Một ngày làm ngư dân" ở các xã đảo Quan Lạn (huyện Vân Ðồn), Thanh Lân (huyện Cô Tô) được nhiều du khách thích thú. Ðến nay các địa phương có lợi thế về biển đảo như Hải Hà, Cô Tô, Móng Cái… đang triển khai nhân rộng mô hình này gắn với những nét văn hóa đặc sắc riêng của từng địa phương. Ðiều này giúp lượng khách tìm đến các xã đảo để trải nghiệm ngày càng tăng.

 

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, Nguyễn Thế Huệ cho biết: Du lịch nông nghiệp đã giúp Quảng Ninh đa dạng hóa sản phẩm tạo thêm sức hút cho du khách, gia tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, du lịch nông nghiệp tại Quảng Ninh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh mà mới chỉ phát triển nhỏ lẻ, tự phát chưa có quy hoạch chiến lược cụ thể, chưa đủ mạnh để tạo thành thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.

 

Gỡ nút thắt trong phát triển du lịch nông nghiệp

 

Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn, không chỉ góp phần đa dạng hóa hoạt động thương mại, giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, mà còn trực tiếp hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp ở một số địa phương còn gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, chương trình OCOP, chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống với việc phát triển đa dạng sản phẩm.

 

Việc phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh Quảng Ninh đặt ra trong chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2025. Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện hàng loạt nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng các giải pháp về cơ chế chính sách, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, phát triển nguồn lực du lịch cộng đồng, xúc tiến quảng bá, bảo vệ môi trường du lịch.

 

Thực tế hiện nay, các mô hình du lịch nông thôn tại Quảng Ninh còn khá manh mún, nhỏ lẻ và tự phát, chưa có nhiều sản phẩm hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Một số mô hình du lịch nông nghiệp mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, chưa có nhiều dịch vụ hấp dẫn. Người dân và doanh nghiệp hoạt động du lịch, lữ hành chưa có sự gắn kết chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước để phát triển sản phẩm du lịch một cách bài bản, chất lượng và chuyên nghiệp.

 

Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, Phạm Ngọc Thủy cho biết, thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục chỉ đạo các địa phương xác định xu hướng phát triển du lịch nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm; nhân rộng các loại hình trang trại thiên nhiên, trang trại hữu cơ, trang trại chuyên đề, vùng nông nghiệp canh nông; chú trọng phát triển nền nông nghiệp xanh, hạn chế sử dụng hóa chất, khôi phục sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương.

 

Chính quyền địa phương cần có sự quan tâm hơn nữa đối với lĩnh vực này thông qua cơ chế, chính sách, như: xây dựng chương trình phát triển du lịch canh nông gắn với xây dựng nền nông nghiệp bền vững và nông thôn mới; đầu tư thích đáng cho kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch canh nông như đường, điện, nước sạch; hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.

 

Phát triển du lịch nông nghiệp đang trở thành xu hướng phát triển kinh tế bền vững tại một số địa phương của Quảng Ninh nhờ thế mạnh về giá trị, tiềm năng sẵn có. Tuy nhiên, mô hình này còn đối mặt với nhiều thách thức về cơ chế, chính sách và nguồn nhân lực. Thời gian tới, tỉnh cần đầu tư nhiều nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó là có nhiều chính sách về hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn, hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn... Làm được điều này du lịch nông thôn mới phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân và doanh nghiệp.

Bình luận