Festival nông sản Hà Nội: Gắn phát triển nông nghiệp với du lịch

Bình luận · 196 Lượt xem

Từ ngày 28/9 đến 1/10, tại sân vận động huyện Sóc Sơn, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn tổ chức Festival nông sản Hà Nội năm 2023. Đây cũng là sự kiện kỷ niệm 69 năm

1.500 dòng sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm chế biến được giới thiệu

 

Theo Ban Tổ chức, chương trình được kỳ vọng là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch sinh thái đến khách tham quan, người tiêu dùng Thủ đô, qua đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê, truyền thống văn hóa, du lịch và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên.

 

Đây cũng là cơ hội để chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn quảng bá các tiềm năng về nông nghiệp, sản phẩm OCOP; sản phẩm du lịch, văn hóa truyền thống của địa phương.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội Bùi Duy Quang, các sản phẩm được trưng bày và giới thiệu tại Festival là những sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương; thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP được chứng nhận; sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, … có bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc đầy đủ; sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống.

 

Với quy mô khoảng 160 gian hàng và các không gian quảng bá, trên 1.500 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, OCOP tiêu biểu của huyện Sóc Sơn, của thành phố Hà Nội và 23 tỉnh, thành phố trong cả nước, toàn bộ không gian Festival được thiết kế đẹp mắt, dàn dựng hoàn toàn trong không gian mở với nhiều mô hình, tiểu cảnh nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, gắn kết du lịch nông nghiệp, mang đậm dấu ấn địa phương để thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động trong thời gian diễn ra Festival.

 

Ngoài ra, trong các ngày diễn ra Festival, UBND huyện Sóc Sơn sẽ tổ chức một chương trình đặc sắc trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại "Lễ hội Gióng Đền Sóc – Sóc Sơn – Vùng sáng tâm linh". Bên cạnh đó, còn trình chiếu, giới thiệu về toàn bộ các quy hoạch phát triển của huyện.

 

Ban Tổ chức cũng cho hay, nhiều hoạt động bên lề cũng được tổ chức nhằm thu hút khách tham quan như: Hội thi nấu cơm dân gian và trải nghiệm nấu cơm niêu và muối dưa cà; kéo giò hoa tre; têm trầu cánh phượng; chương trình văn nghệ "Dấu ấn tuổi trẻ"; chương trình múa lân, ca hát, dân vũ Đêm Trung Thu; trình diễn nặn tò he dân gian; thêu tranh, làm tranh gạo...

 

Gắn phát triển nông nghiệp với du lịch

 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như hoa nhài, nếp cái hoa vàng, trà hoa vàng, phúc bồn tử, cà gai leo… và hàng chục trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGap. Đặc biệt, huyện Sóc Sơn có trên 100 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3-4 sao, được giới thiệu thông qua các hội chợ, được người tiêu dùng tin tưởng. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm..

 

"Có thể khẳng định thế mạnh của huyện Sóc Sơn là phát triển nông nghiệp, dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp theo hướng vùng sản xuất chuyên canh an toàn, hữu cơ, huyện Sóc Sơn phải thực hiện rất nhiều giải pháp trong đó cần chú trọng "Chương trình OCOP - Mỗi xã một sản phẩm". Vì OCOP là một chứng nhận, là một "dấu hiệu" để người tiêu dùng nhận biết đây là sản phẩm có chất lượng, an toàn với sức khỏe" – ông Đỗ Minh Tuấn nói thêm.

Huyện Sóc Sơn cũng là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử – văn hóa, với nhiều tuyến giao thông quan trọng, có cảng hàng không quốc tế Nội Bài; cùng nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, đặc biệt là cụm di tích lịch sử đền Sóc gắn với lễ hội Gióng được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại … là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Chính vì vậy, theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội Bùi Duy Quang, festival là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần bảo tồn làng nghề truyền thống, không gian cộng đồng làng quê và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên; gìn giữ các nét truyền thống văn hóa, du lịch của địa phương. Cùng với đó, tăng cường đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm; gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

 

Thời gian qua, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025 và Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội năm 2023, Hà Nội đã tổ chức thành công Festival nông sản tại huyện Đông Anh, huyện Ba Vì, huyện Ứng Hòa./.

Bình luận