Để ẩm thực Việt làm say lòng du khách

Bình luận · 227 Lượt xem

Du lịch ẩm thực là một trong những dòng sản phẩm quan trọng, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và thương hiệu du lịch Việt Nam.

Đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua ẩm thực

Sáng 29/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) tổ chức Lễ trao chứng nhận 121 món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I-2022 và công bố giai đoạn II-2023 Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia”.

 

Chia sẻ tại Lễ trao chứng nhận, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch VCCA cho biết, với sứ mệnh tìm kiếm, phục dựng, bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hóa ẩm thực Việt Nam lên tầm cao mới, với định hướng biến di sản thành tài sản, VCCA đã triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024”.

 

Đề án tiến hành khảo sát, thu thập dữ liệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam nhằm xây dựng “Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và tiến hành chuyển đổi số cơ sở dữ liệu đó thành “Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam” và “Bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam”. Các sản phẩm của Đề án sẽ góp phần tạo bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia và là tiền đề của phát triển kinh tế Việt Nam.

 

“Trong giai đoạn giai đoạn I-2022, Đề án đã nhận được 421 đề cử món ẩm thực được gửi đến từ 60/63 tỉnh, thành trên khắp cả nước. VCCA đã lựa chọn được 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam để vinh danh trong buổi lễ hôm nay, trong đó có 47 món miền Bắc, 37 món miền Trung và 37 món miền Nam”, ông Kỳ nói thêm.

 

Bà Đinh Hồng Vân, Giám đốc Marketing cấp cao, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Nhãn hàng Chin-Su cho biết: “Văn hóa ẩm thực Việt Nam là nét đặc trưng hình thành từ lịch sử, đời sống, thói quen ăn uống vùng miền trải dài từ Bắc chí Nam. Đất nước hình chữ S của chúng ta được chia ra làm 3 miền nên ẩm thực Việt Nam từ đó cũng được chia theo vùng miền Bắc - Trung - Nam tạo ra những nét đặc trưng riêng”.

 

Theo bà Vân, mỗi lần nhắc về văn hóa ẩm thực Việt Nam thì đó lại là một chủ đề luôn được thảo luận một cách sôi nổi. Không chỉ dừng lại ở những món ăn, công thức chế biến, những nguyên liệu thực phẩm mà hơn hết còn chứa đựng một nét văn hóa tự nhiên được hình thành trong cuộc sống. Mỗi món ăn Việt Nam đều được hài hòa từ màu sắc cho đến hương vị khiến cho tổng thể món ăn hợp lý, tăng thêm phần hấp dẫn khó lòng cưỡng lại được.

 

“121 món ẩm thực tiêu biểu được vinh danh ngày hôm nay đến từ các tỉnh, thành; vùng, miền cả nước là một minh chứng cho thấy, ẩm thực luôn là niềm tự hào và quan tâm hàng đầu của các địa phương”, bà Vân nhấn mạnh.

 

Nâng hành trình khám phá ẩm thực lên tầm cao mới

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, di sản văn hóa ẩm thực Việt Nam được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử đã làm say lòng bao du khách khi đi du lịch trên dải đất hình chữ S xinh đẹp. Hàng trăm món ăn nổi tiếng của Việt Nam như phở, bún chả, bánh mì, nem… đã được các tổ chức thế giới, tạp chí ẩm thực, kênh truyền thông quốc tế vinh danh.

 

Theo ông Phúc, trong xu thế phát triển ngày càng đa dạng về nhu cầu du lịch, ẩm thực không chỉ đóng vai trò là yếu tố phục vụ khâu ăn, uống đơn thuần của du khách, mà còn được xác định là một trong những mục đích chính của các chuyến du lịch.

 

"Theo ước tính của Tổ chức Du lịch Ẩm thực thế giới, du khách quốc tế dành khoảng 25 - 35% ngân sách du lịch cho các khoản chỉ tiêu liên quan đến thực phẩm và đô uống trong suốt hành trình du lịch", ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết.

 

“Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch ẩm thực là một trong những dòng sản phẩm quan trọng, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và thương hiệu du lịch Việt Nam”, ông Phúc cho hay.

 

Theo đó, ông Phúc cũng chia sẻ các giải pháp để khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về du lịch ẩm thực. Ông Phúc cho hay, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực hấp dẫn, chất lượng. Trong đó chú trọng cung cấp những trải nghiệm, khám phá về bản sắc văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của điểm đến gắn với từng món ăn, đồ uống. Quan tâm, chia sẻ với du khách về không gian ăn, hay những văn hóa ứng xử trong khi ăn theo truyền thống của người Việt. Từ đó nâng hành trình khám phá du lịch ẩm thực lên một tầm cao mới, cũng là để quảng bá những nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.

 

“Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng tăng cường quảng bá rộng rãi về văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới thông qua những sự kiện quốc tế được tổ chức trong nước và ngoài nước, nhất là ở những quốc gia là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam", ông Phúc cho hay.

 

Chung tay thúc đẩy văn hóa ẩm thực Việt Nam

Tại Lễ trao chứng nhận 121 món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I-2022, ông Chử Hồng Minh, Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng VCCA đã trình bày tổng quan về Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia”.

 

Ông Minh dẫn lời của Chủ tịch VCCA Nguyễn Quốc Kỳ: “Văn hóa ẩm thực Việt Nam là một kho tàng di sản vô giá, việc khảo sát, phát hiện và thu thập dữ liệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam là bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia và là tiền đề của phát triển kinh tế Việt Nam”.

 

Ông Minh cho biết, mục đích của Đề án là mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng trong 3 lĩnh vực chính, gồm khoa học dinh dưỡng, kinh tế ẩm thực và văn hóa ẩm thực.                                                                     

Cụ thể, trong giai đoạn 2022, đề án dự kiến thu thập cơ sở dữ liệu 300 món ăn tiêu biểu của Việt Nam và xét chọn 100 món ẩm thực đặc sắc của địa phương được công nhận bởi Hội đồng chuyên môn VCCA.

 

Giai đoạn 2023, Đề án dự kiến thu thập dữ liệu 1.000 món ẩm thực và phát triển thành tổng tập của dữ liệu ẩm thực Việt Nam. Qua đó, chọn ra các món tiêu biểu, đặc sắc có tính phổ biến cao các vùng miền để xây dựng mô hình kinh tế khởi nghiệp cùng các chuyên gia của VCCA.

 

Được biết, giai đoạn 2023, Đề án sẽ được triển khai thực hiện các nội dung như: Hỗ trợ địa phương hình thành bộ sự kiện cùng các hoạt động thức đẩy phát triển hệ sinh thái văn hóa ẩm thực; từng bước định hình chiến lược phát triển văn hóa ẩm thực địa phương…

 

Giai đoạn 2024, Đề án sẽ triển khai chuyển đổi số cơ sở dữ liệu thành Bản đồ ẩm thực Việt Nam. Đồng thời, hướng đến xây dựng Bảo tàng ẩm thực Việt Nam theo định hướng thực tế ảo 3D và Bảo tàng ẩm thực thực tế phục vụ cho du khách tham quan trong tương lai nếu được các tỉnh thành, nhà đầu tư quan tâm.

 

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc đánh giá: “Lễ trao chứng nhận 121 món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I-2022 ngày hôm nay là sự kiện quan trọng, đánh dấu việc Đề án có thêm một kết quả hoạy động cụ thể, có ý nghĩa, giúp VCCA cũng như các tổ chức, cá nhân vững tin hơn trên con đường thực hiện tầm nhìn, sứ mệnh của mình, tích cực đóng góp cho việc phát triển, quảng bá ẩm thực gắn với phát triển du lịch”.

 

Với mục tiêu định hình hệ sinh thái văn hóa ẩm thực Việt Nam và định hướng hỗ trợ, chuyển giao và phát triển hệ sinh thái văn hóa ẩm thực địa phương, tạo ra các giá trị và lợi ích gắn với địa phương, VCCA mong muốn các cơ quan Bộ, ngành, cộng đồng đồng hành, hỗ trợ để Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia” hoàn thành sứ mệnh được giao; chung tay thúc đẩy văn hóa ẩm thực Việt Nam phát triển, góp phần mạnh mẽ vào sự nghiệp phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.

Bình luận