Du lịch chữa lành hay còn gọi là du lịch wellness được thiết kế để du khách có thể dành thời gian cho bản thân, khám phá thiên nhiên và tận hưởng sự cách biệt với cuộc sống thường ngày. Với khí hậu và điều kiện thiên nhiên sẵn có, nhiều địa phương ở Việt Nam đang nhân rộng mô hình du lịch này. Không nằm ngoài guồng quay, Cần Thơ khuyến khích các công ty du lịch lữ hành, doanh nghiệp, dịch vụ du lịch liên kết đẩy mạnh loại hình du lịch chữa lành, bởi mô hình này không đơn thuần chỉ là sự giải trí, mà còn mang lại nhiều ý nghĩa đặc biệt, nhất là trong thời đại mà con người ngày càng dành nhiều sự đầu tư cho sức khỏe.
Sáng cuối tuần tại khu vườn nhỏ trong khuôn viên resort Victoria Cần Thơ, hơn 30 khách hàng của Vietravel Cần Thơ đang tận hưởng cảm giác thoải mái, thư giãn với buổi tập thiền và yoga cùng hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Bà Lê Đình Minh Thy - Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ chia sẻ, đây là buổi thử nghiệm đầu tiên của công ty tại Cần Thơ, song nhận được sự hưởng ứng khá nhiệt tình của khách hàng. Có thể thấy, một xu hướng du lịch nổi bật đang thay đổi hành vi tiêu dùng, là du khách muốn chi tiêu cho trải nghiệm phương pháp phục hồi sức khỏe, tìm được sự cân bằng trong tâm thức, chứ không còn đơn thuần đến để tham quan và mua sắm như trước đây.
"Điều quan trọng khi làm du lịch là chúng ta đưa ra những sản phẩm phù hợp với đối tượng khách hàng hướng đến. Tại Cần Thơ, chúng tôi nhận thấy có điều rất ưu đãi là khí hậu, cảnh quan thiên nhiên hiền hòa. Vùng sông nước nên thuận tiện để các công ty đưa ra nhiều hoạt động du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, kết hợp điều trị bệnh, trải nghiệm. Chúng ta đưa ta nhiều hoạt động lồng ghép vào các sản phẩm tour du lịch thế này sẽ giúp du khách có nhiều hơn sự lựa chọn trong việc tìm kiếm tour phù hợp; cũng như gia tăng giá trị cảm xúc, gia tăng tính trải nghiệm trong các sản phẩm du lịch và đó cũng là một cách để chúng ta làm mới sản phẩm du lịch, thu hút khách nhiều hơn", bà Lê Đình Minh Thy cho biết.
Được thiên nhiên ưu đãi nên ngoài không khí thuận lợi cho chữa lành sức khỏe, Cần Thơ còn tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch sinh thái đầy thú vị cho du khách. Nhiều năm qua, ông Lý Văn Bon, chủ bè cá Bảy Bon ở HTX du lịch cộng đồng Cồn Sơn nuôi nhiều loại cá phục vụ cho du khách tham quan. Trong đó, có nhiều loài cá độc lạ như cá koi, cá bảo ngọc, cá bắn nước, cá trà sóc..., tạo sự “tò mò” cho du khách. Đặc biệt, với dòng cá thát lát cườm, ông Lý Văn Bon còn mạnh dạn đầu tư nhà xưởng để chế biến các sản phẩm chả cá rút xương, cá thát lát muối sả... bán cho du khách, là một nguồn thu nhập tốt và ổn định. Nhờ kết hợp thành công mô hình du lịch nông nghiệp, mỗi năm, ông Lý Văn Bon có nguồn lợi nhuận ổn định khoảng 9 - 10 tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động địa phương.
Từ thành công của bè cá Bảy Bon, Hội Nông dân TP. Cần Thơ đang triển khai chương trình hỗ trợ khoảng 150 hộ nông dân phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp, kết hợp du lịch theo hướng bền vững tại mảnh vườn, ao cá của nông dân. Theo thống kê sơ bộ, những hộ này có thu nhập cao hơn những hộ sản xuất nông nghiệp đơn thuần từ 30% trở lên. Kết quả này cho thấy tính khả thi của chương trình trong việc tạo sinh kế bền vững, phát huy và bảo vệ tài nguyên nông nghiệp bản địa.
Đến huyện Phong Ðiền mùa này, hầu như các vườn cây lâu năm với nhiều loại đặc sản: dâu Hạ Châu, sầu riêng, chôm chôm… đang tất bật đón khách đến tham quan, trải nghiệm. Phong Điền cũng là địa điểm thành phố chú trọng xây dựng mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp, tạo nhiều hoạt động để du khách cùng người dân thu hoạch sản phẩm và chế biến tại chỗ các món ăn dân dã.
Chị Lê Thiên Lý, đến từ tỉnh Sóc Trăng tham quan vườn dâu Hạ Châu, huyện Phong Điền bày tỏ: "Sóc Trăng chỉ có đặc sản bánh pía, không có trái cây nhiều, chủ yếu là đồng lúa. Ở Cần Thơ thì có nhiều trái cây, đặc biệt là dâu tại Phong Điền này nên em đến trải nghiệm. Trải nghiệm tuyệt vời vì khi hái từ trên cây xuống, dâu ăn ngọt hơn và ngon hơn".
Theo bà Trần Thị Thiên Thư - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Cần Thơ, tiềm năng phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp tại Cần Thơ còn rất lớn, thông qua hội thảo “Phát triển mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ” được tổ chức mới đây tại huyện Phong Điền, với những ý kiến thực tế từ nông hộ, thời gian tới, Hội Nông dân TP. Cần Thơ sẽ phối hợp với các ngành chuyên môn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong chuyển đổi mô hình từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang nông nghiệp kết hợp du lịch, trang bị kiến thức cho các hộ nông dân.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân TP. Cần Thơ tăng cường tổ chức các khóa tập huấn giới thiệu đến các nông hộ những kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển mô hình, quản trị kinh doanh và liên kết phát triển. Bà Trần Thị Thiên Thư nhấn mạnh: "Hỗ trợ tập huấn kỹ năng mềm để giúp bà con tiếp cận khi mà chúng ta mở sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch thì cần những kỹ năng như thế nào. Ví dụ kỹ năng giao tiếp, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng sản xuất – chế biến món ăn an toàn chất lượng và đặc trưng của Cần Thơ. Hội Nông dân cũng sẽ phối hợp với một số ngành, đặc biệt như Ngân hàng chính sách xã hội, nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân của Hội… để giúp bà con nông dân tâm huyết, có mô hình thực tiễn để tiếp sức cho bà con có thể xây dựng và phát triển mô hình nhanh chóng, bền vững".
Du lịch đang trên đà lấy lại vị thế mũi nhọn tại Cần Thơ, trên cở sở xây dựng mô hình du lịch mới phù hợp nhu cầu du khách muốn tìm về bản thân, khám phá chốn vườn tược thanh bình, thành phố tiếp tục đẩy mạnh mô hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện). Với sự kết hợp vừa hiện đại, vừa đậm bản sắc văn hóa, du lịch Cần Thơ sẽ tạo thành nét đặc trưng riêng “xanh – sạch – bền vững”.