Làm hữu cơ theo PGS góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng

Bình luận · 196 Lượt xem

Sự phát triển của các mô hình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS ở Bến Tre, Đồng Tháp đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về nông nghiệp hữu cơ.

Một vườn rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS ở Bến Tre. Ảnh: Sơn Trang.

Một vườn rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS ở Bến Tre. Ảnh: Sơn Trang.

Nhắc lại chuyện hỗ trợ các nông hộ quy mô nhỏ ở Bến Tre, Đồng Tháp sản xuất rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS (Participatory Guarantee System), bà Ino Mayu, Trưởng đại diện tổ chức Seed to Table tại Việt Nam chia sẻ: “10 năm trước, khi chúng tôi bắt đầu làm PGS ở tỉnh Bến Tre gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là khi ấy chỉ có một số ít nông dân biết tới nông nghiệp hữu cơ, và người tiêu dùng vẫn còn ít quan tâm tới nông sản hữu cơ. Nhiều người bảo họ vẫn mua rau ngoài chợ về ăn mà có chết đâu".

Dần dà, với sự hỗ trợ của Seed to Table và ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, nhiều nông dân ở Bến Tre đã biết tới nông nghiệp hữu cơ, sản xuất hữu cơ và tham gia trồng rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS.

Bản thân những nông dân sản xuất rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS ở Bến Tre cũng tự động tuyên truyền về sản phẩm hữu cơ với người dân địa phương. Người dân trong vùng thấy những nông dân này nói thật, làm thật, không xịt thuốc, không sử dụng hóa chất trên rau nên đã đến mua rau về ăn thử và thấy ngon miệng. Từ đó, nhiều người dân địa phương đã chủ động tìm đến vườn của các hộ làm PGS ở Bến Tre để mua rau hữu cơ với khối lượng ngày càng nhiều.

Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ do Seed to Table triển khai ở tỉnh Đồng Tháp được thực hiện gần đây (từ 2019) nên nhận thức của người tiêu dùng về nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm hữu cơ đã khá hơn rất nhiều so với thời điểm 10 năm trước. Tuy vậy, bà Ino Mayu cho rằng, nếu không có sự đồng hành, phối hợp của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương thì không có thành công như hôm nay.

Để thực hiện tốt dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã phối hợp với Seed ta Table tập trung nâng cao nhận thức của nông dân và cộng đồng.

Rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS của Đồng Tháp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS của Đồng Tháp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, sau khi thiết lập được những nhóm nông hộ sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS, Đồng Tháp đã tiến hành xây dựng các vườn rau hữu cơ trong trường học, với 20 trường đã được chọn. Việc xây dựng các vườn rau hữu cơ trong trường học, với sự tham gia sản xuất trực tiếp của giáo viên và học sinh nhằm tạo ra tác động từ trẻ em tới từng gia đình.

Cụ thể, sau khi ăn rau hữu cơ tại bữa ăn ở trường và ăn rau do cha mẹ sản xuất khi ăn cơm ở nhà, các em sẽ có sự so sánh như “rau quả hữu cơ con tham gia trồng ở trường ngon hơn rau ba mẹ trồng”. Như vậy thông qua trẻ em, sẽ tác động tới ý thức sản xuất và tiêu dùng của người lớn, đồng thời cũng giúp các em có những kiến thức, có sự hiểu biết về nông nghiệp hữu cơ, nông sản hữu cơ.

Bà Ino Mayu đánh giá, việc dạy làm nông nghiệp hữu cơ ở các trường học không những giúp cho trẻ em có sự hiểu biết, yêu thích nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm hữu cơ, mà còn tạo lớp nông dân kế thừa. Bên cạnh đó, góp phần nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường thông qua hoạt động sản xuất hữu cơ ở trường học.

Trong giai đoạn 2023 - 2026, bên cạnh việc thành lập thêm các nhóm nông dân sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS, ngành nông nghiệp Đồng Tháp sẽ tiếp tục thúc đẩy hình thành vườn rau hữu cơ ở một số trường học.

Bình luận