Phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, một mũi tên trúng hai đích

Bình luận · 255 Lượt xem

Phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn vừa góp phần phát triển kinh tế địa phương, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản tốt hơn…

Đạt lợi ích kép

Thưa bà, sau một thời gian triển khai, Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (One Commune One Product - OCOP) đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, bà đánh giá như thế nào về điều này?

Đến thời điểm hiện tại, sau hơn 5 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là Chương trình OCOP) trên toàn quốc, Chương trình đã đạt được những thành tựu cơ bản, về số lượng sản phẩm, quy mô và sự đồng thuận tham gia ở các địa phương, tuy nhiên hiện nay rất cần có những hướng đi đúng đắn cho những sản phẩm đặc sản vùng miền, nhất là kênh kết nối tiêu thụ cho những sản phẩm này với đúng giá trị nó đang có.

Bà Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM: 'Du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ góp phần kết nối tiêu thụ những sản phẩm là hồn quê, là giá trị đặc sắc, góp phần tạo nên thương hiệu cho mỗi địa phương'. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM: "Du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ góp phần kết nối tiêu thụ những sản phẩm là hồn quê, là giá trị đặc sắc, góp phần tạo nên thương hiệu cho mỗi địa phương". Ảnh: Nguyễn Thủy.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ góp phần kết nối tiêu thụ những sản phẩm là hồn quê, là giá trị đặc sắc, góp phần tạo nên thương hiệu cho mỗi địa phương. Những giá trị đó được thể hiện qua ẩm thực, qua quà tặng, qua các sản phẩm nông sản địa phương để giới thiệu cho khách du lịch, xu hướng này góp phần đạt được mục tiêu kép, vừa phát triển du lịch, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm ở nông thôn tốt hơn.

Cụ thể phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn góp phần như thế nào trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản địa phương như thế nào?

Như chúng ta biết, hiện nay người nông dân tham gia vào sản xuất nông nghiệp không chỉ đơn thuần là làm nông mà chính là làm kinh tế nông nghiệp. Tất cả người nông dân sẽ chủ động hơn khi tham gia vào các dịch vụ du lịch, nhất là sau khi có Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã tạo nên một căn cứ pháp lý cũng như một sự hậu thuẫn rất lớn từ Trung ương đến địa phương cho việc triển khai phát triển du lịch ở vùng nông thôn.

Việc phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn mang đến cho cộng đồng địa phương, người dân sự tự hào về quê hương, tự hào về những sản phẩm mà họ là chủ nhân tạo ra, gìn giữ và phát triển. Ảnh: TL.

Việc phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn mang đến cho cộng đồng địa phương, người dân sự tự hào về quê hương, tự hào về những sản phẩm mà họ là chủ nhân tạo ra, gìn giữ và phát triển. Ảnh: TL.

"Điều quan trọng của du lịch nông nghiệp nông thôn là kết nối giá trị kinh tế, giá trị văn hóa và giá trị nhân văn, cũng như giải quyết vấn đề di dân và vấn đề nâng cao thu nhập nông thôn", bà Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong nói.

Khi du lịch ở nông thôn phát triển thì cần gì? Họ cần những nông đặc sản từ địa phương, “ăn đặc sản, nghỉ ngơi, trải nghiệm cũng là đặc sản vùng miền”, mà khi đó cộng đồng là những tác giả chính tạo nên các sản phẩm trên, góp phần tạo nên thu nhập cho bà con ở khu vực nông thôn. Như vậy mục tiêu kép chính là ở đó, phát triển kinh tế nông nghiệp bên cạnh phát triển du lịch.

Việc phát triển du lịch này mang đến cho cộng đồng địa phương, người dân sự tự hào về quê hương, tự hào về những sản phẩm mà họ là chủ nhân tạo ra, gìn giữ và phát triển.

Điều quan trọng nhất trong vấn đề phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn là gì, thưa bà?

Có nhiều loại hình du lịch nông thôn như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề… Những loại hình du lịch này ở nông thôn sẽ rất ý nghĩa, một là giúp phát triển kinh tế nông thôn, hai là tạo sự gắn kết và tự hào về một miền quê tươi đẹp mà mỗi cư dân tại địa phương cảm nhận qua những sản phẩm du lịch mà họ muốn giới thiệu đến du khách.

Nếu không có các hoạt động tạo thu nhập ở vùng nông thôn thì các dòng di dân từ nông thôn lên đô thị càng mạnh mẽ. Khi du lịch nông thôn phát triển sẽ có thêm việc làm cho giới trẻ, có thêm "không gian" để họ có những ý tưởng sáng tạo, hay có thể tận dụng chính những cảnh sắc làng quê thanh bình, những nét văn hóa đa dạng, những sản phẩm nông nghiệp phong phú để đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn.

Điều quan trọng của du lịch nông nghiệp nông thôn là kết nối giá trị kinh tế, giá trị văn hóa và giá trị nhân văn cũng như giải quyết những vấn đề di dân, vấn đề nâng cao thu nhập nông thôn hiện tại đang được quan tâm.

5 khó khăn cần tháo gỡ

Hiện nay, theo bà đâu là những khó khăn trong việc phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn và giải pháp khắc phục là gì?

Du lịch nông nghiệp nông thôn Việt Nam vẫn chậm trễ hơn các nước phát triển và chưa có nhiều kinh nghiệm trong triển khai và phát triển nên còn nhiều bất cập cần giải quyết.

Khó khăn lớn nhất hiện nay trong phát triển du lịch nông thôn là vấn đề quy hoạch đất đai. Việc cấp phép xây dựng trên đất nông nghiệp vẫn đang là vấn đề nan giải và nhiều địa phương gặp phải.

Việc phát triển ồ ạt các điểm du lịch cộng đồng, các mô hình xây dựng homestay trên những diện tích đất không quy hoạch dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc. Do vậy cần có quy hoạch và chính sách đất đai cho phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn được rõ ràng để người dân không bị thiệt hại vì phải phá bỏ những công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, chính quyền không quá vất vả với việc kiểm soát và xử phạt các điểm du lịch tự phát.

Bà con làng Gò Cỏ, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi theo dõi Diễn đàn 'Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP' qua hình thức trực tuyến. Ảnh: TL.

Bà con làng Gò Cỏ, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi theo dõi Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP” qua hình thức trực tuyến. Ảnh: TL.

Thứ hai là kết nối các tác nhân để cùng phát triển. Một mô hình du lịch cộng đồng khi được xây dựng đòi hỏi phải được duy trì từ nhiều tác nhân với sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương, sự liên kết giữa những doanh nghiệp lớn cùng với những sản phẩm du lịch của cộng đồng và phải là một sự cạnh tranh lành mạnh góp phần thúc đẩy cùng phát triển giữa các tác nhân. Sự liên kết cũng sẽ tạo nên những tuyến du lịch phong phú và hấp dẫn hơn cho du khách.

Thứ ba là tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù cho mỗi địa phương. Sản phẩm du lịch đặc thù sẽ giúp cho thương mại hóa sản phẩm du lịch được công bằng hơn, lúc đó khoảng cách địa lý, không gian xa hay gần ở mỗi điểm đến không phải là yếu tố quyết định mà chính là sức hút của những sản phẩm đặc thù tại mỗi địa phương.

Thứ tư là bảo đảm phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái và di tích lịch sử đặc trưng vùng miền.

Việc phát triển tự phát các điểm du lịch sẽ khiến lời nguyền “phải chi nơi đó đừng có du lịch” càng trở nên rõ nét hơn bởi sự ô nhiễm môi trường, sự tàn phá cảnh quan, hệ sinh thái, sự xuống cấp của các di tích lịch sử… Do vậy cần có quy hoạch không gian phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái, các di tích văn hóa, lịch sử.

Cuối cùng là khó khăn về nguồn nhân lực phục vụ trong du lịch, phần lớn nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch nông nghiệp nông thôn hiện tại xuất phát từ nông nghiệp và cộng đồng sống ở vùng nông thôn nên chưa được trang bị kiến thức, nghiệp vụ cho phát triển du lịch. Nông dân rất muốn phục vụ tốt cho du khách nhưng không biết thế nào là nên, thế nào là không nên để có được những sản phẩm đặc trưng, chất lượng, những cách phục vụ tốt nhất cho du khách. Do vậy luôn cần có những hoạt động tập huấn, diễn đàn… để nâng cao nhận thức cộng đồng trong làm du lịch.

Không để ai ở lại phía sau

Được biết, Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong vừa khánh thành “Không gian OCOP Nhân văn”, bà có thể chia sẻ thêm đôi điều về “Không gian OCOP Nhân văn” này?

Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong đã xây dựng và đưa vào sử dụng “Không gian OCOP Nhân văn” tại cơ sở quận 1 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, ngự trị tại tòa nhà có giá trị lịch sử về tuổi đời và trên nền của thành Gia Định xưa.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cắt băng khai trương 'Không gian OCOP Nhân văn'. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cắt băng khai trương "Không gian OCOP Nhân văn". Ảnh: Nguyễn Thủy.

Không gian sẽ là nơi kết nối, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của vùng miền địa phương; đưa những sản phẩm OCOP chất lượng đến gần hơn với người tiêu dùng; góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Nhà trường với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương trong việc triển khai Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

“Không gian OCOP Nhân văn” trưng bày trên kệ hàng sản phẩm của hơn 10 doanh nghiệp qua sự lựa chọn ngẫu nhiên, trong đó có những doanh nghiệp lớn như Nam Miền Trung, Khải Hoàn, Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm)… hay cả những doanh nghiệp khởi nghiệp và nhiều sản phẩm của các chủ thể OCOP khác được trưng bày trên “Chiếc thuyền nhân văn”.

Các doanh nghiệp có sản phẩm được lựa chọn để trưng bày tại đây mang ý nghĩa là doanh nghiệp cộng đồng, cùng chung “câu chuyện” chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật… Chẳng hạn như Công ty Unifarm chia sẻ về các giống chuối kháng bệnh, kỹ thuật trồng chuối. Công ty nước mắm Cana chia sẻ câu chuyện về vùng đất đặc thù nắng, gió của Ninh Thuận và giải quyết việc làm cho lao động nghèo tại địa phương. Công ty Cổ phần Thương mại Khải Hoàn chia sẻ câu chuyện tiên phong lấy lại chỉ dẫn địa lý cho nước mắm Phú Quốc. Công ty Cổ phần Thực phẩm Quảng Thanh chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp trong OCOP và mong mỏi lan tỏa câu chuyện khởi nghiệp thành công đến sinh viên…

Như vậy để thấy rằng, doanh nghiệp được lựa chọn trưng bày, kết nối và tiêu thụ trong “Không gian OCOP Nhân văn” này là ngẫu nhiên, không để ai ở lại phía sau, dù lớn, vừa và nhỏ hay chỉ mới khởi nghiệp. Tất cả xuất hiện ở đây đều cùng chung “câu chuyện” nhằm đẩy mạnh phát triển “môi trường” nông nghiệp Việt Nam.

Xin cảm ơn bà!Nguồn: https://nongnghiep.vn/phat-trien-du-lich-nong-nghiep-nong-thon-mot-mui-ten-trung-hai-dich-d362960.html

Bình luận