Giống bò 3B mở ra hiệu quả cho chăn nuôi ở miền núi

Bình luận · 240 Lượt xem

Người dân xã Cao Quảng, Tuyên Hóa, Quảng Bình đang phát triển nuôi bò 3B để nâng chất lượng đàn bò và tăng hiệu quả chăn nuôi.

Xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa là xã bán sơn địa nên có lợi thế về đồng cỏ và phát triển đàn gia súc. Trước đây và còn gặp nhiều khó khăn do đường sá đi lại không thuận tiện. Muốn vào được trung tâm xã phải qua quãng đường hơn 20 km từ xã Quảng Sơn và hay bị tắc đường do mưa lũ.

Sau khi đường vào Cao Quảng được nâng cấp, mở rộng và đi lại thuận tiện thì bà con như được mở cánh cửa phát triển kinh tế. Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt đã giúp bà con có thu nhập và ngày càng ổn định cuộc sống.

Để tận dụng lợi thế đồng cỏ chăn nuôi gia súc, người dân Cao Quảng đã chú trọng phát triển đàn bò lai Sind. Trong mấy năm trở lại đây, đàn bò lai Sind của bà con trong xã đã phát triển lên gần 600 con.

Tuy nhiên, để cải tạo đàn bò chất lượng cao, lãnh đạo xã đã chủ trương khuyến khích bà con lai tạo và đưa giống bò chất lương cao 3B vào nuôi. Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Quảng cho biết, ban đầu, bà con đã mua 10 con bò đực giống từ Trại bò Văn Đức (có địa chỉ ở Gia Lâm, Hà Nội), về để lai tạo nguồn giống mới.

“Từ đàn giống này, bà con áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo giống bò 3B trên nền bò cái lai địa phương bước đầu mang lại kết quả tích cực. Qua đó, nâng cao tầm vóc, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế đối với đàn bò trên địa bàn”, ông Huy nói thêm.

Những con bê giống bò 3B đầu tiên trên đồng cỏ xã Cao Quảng. Ảnh: T.Phùng.

Những con bê giống bò 3B đầu tiên trên đồng cỏ xã Cao Quảng. Ảnh: T.Phùng.

Gia đình  anh Nguyễn Văn Tuyển (thôn Vĩnh Xuân, xã Cao Quảng), một trong những hộ đi đầu trong việc cải taọ đàn bò. Anh đã mua 2 con bò giống 3B về nuôi thử nghiệm. Qua một thời gian nuôi, chăm sóc, anh Tuyển nhận thấy bò 3B phát triển tốt, tăng trọng nhanh, chi phí thức ăn cũng thấp và hiệu quả kinh tế cao hơn so với bò lai Sind trước đây.

“Gia đình tôi nuôi bò lai Sind đã lâu nhưng thấy hiệu quả vẫn thấp. Được xã cho đi tham quan mô hình nuôi bò 3B nên tôi thích lắm và mạnh dạn mua 2 con giống về nuôi để cải tạo đàn bò của gia đình”, anh Tuyển nói.

Cũng theo anh Tuyển, bò 3B nuôi không khó, thức ăn cho bò rất đa dạng. Ngoài cỏ truyền thống thì các loại phụ phẩm nông nghiệp như  thân  lá ngô, thân lá chuối tươi… đều dùng làm thức ăn cho bò rất tốt. “Bò 3B có thể nuôi nhốt trong chuồng hay đưa ra giằng (buộc) ở đồng cỏ đó đều được”, anh Tuyển nói thêm.

Sau một thời gian nuôi, thấy những đặc điểm vượt trội, xã Cao Quảng cử anh Trần Văn Thanh là cán bộ thú y xã tập huấn thụ tinh cho bò giống 3B tại Trại bò Văn Đức. Một số hộ dân trong xã đã quyết định nâng cao chất lượng đàn bò bằng cách cho thụ tinh nhân tạo với bò lai Sind địa phương.

Anh Trần Văn Thanh cho hay, sau khi thụ tinh thành công, thai kỳ của bò mẹ phát triển ổn định, bê con sinh ra khỏe mạnh và tăng trọng nhanh. “Hiện toàn xã có 11 hộ nuôi bò 3B và đã thụ tinh được thêm 12 bê con với giống bò lai Sind”, anh Thanh nói.

Bê giống 3B được phối từ bò lai ở xã Cao Quảng. Ảnh: T.Phùng

Bê giống 3B được phối từ bò lai ở xã Cao Quảng. Ảnh: T.Phùng

Theo các hộ gia đình đã tham gia nuôi bò 3B cho hay, hiệu quả đưa lại khi nuôi giống bò này rất cao. Anh Nguyễn Văn Tuyển bộc bạch: “Nếu so sánh thì rất dễ thấy. Bê lai sinh ra sau một năm tuổi thì bán được giá khoảng 10-12 triệu đồng/con. Nhưng bê giống 3B thì bán được với giá từ 20-25 triệu đồng.  Đối với bò thương phẩm khi bán sẽ có giá 95 ngàn đồng/kg hơi. Trong khi đó, giá bò lai Sind nằm ở khoảng 55 ngàn đồng/kg hơi”.

Từ mô hình nuôi bò 3B tại xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa đang tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, đưa các giống bò có năng suất, chất lượng cao vào chăn nuôi, đặc biệt là bò lai 3B nhằm nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho bà con nhân dân.

Theo ông Cao Vũ Đăng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa, hiện toàn huyện có tổng đàn bò gần 14.500 con, trong đó có tren 11.000 bò lai.

Việc lai tạo giống bò 3B với bò lai Sind địa phương để nâng cao chất lượng đàn bò sẽ là hướng đột phá trong chăn nuôi gia súc của địa phương. Qua đó, tạo thế mạnh riêng và tăng hiệu quả chăn nuôi cho bà con nông dân.

Bình luận