Tàn tạ vùng cam Cao Phong: Cách nào cứu vãn vùng cam ngàn tỷ?

Bình luận · 262 Lượt xem

HÒA BÌNH Mặc dù đã ý thức ghi nhật ký sản xuất trong nhiều năm, anh Nguyễn Xuân Trường cũng đành phải từ bỏ vườn cam 1ha của mình vì sâu bệnh...

Đất bị ngộ độc? 

Là một trong số ít những hộ dân trồng cam Cao Phong ý thức được việc canh tác theo đúng khoa học, bảo vệ môi trường, bảo vệ đất đai, ghi nhật ký chăm sóc vườn… nhưng cuối cùng, anh Nguyễn Xuân Trường cũng phải đau xót phá bỏ vườn cam 1ha của mình và rút ra kết luận đau đớn: Đất bị ngộ độc!

Để bảo vệ, cải tạo đất, nhiều chủ vườn ở Cao Phong hiện nay đã hạn chế dùng hóa chất, thuốc BVTV và chuyển sang phân bón hữu cơ. Ảnh: Kiên Trung.

Để bảo vệ, cải tạo đất, nhiều chủ vườn ở Cao Phong hiện nay đã hạn chế dùng hóa chất, thuốc BVTV và chuyển sang phân bón hữu cơ. Ảnh: Kiên Trung.

Bài liên quan

Theo anh Trường, trong các yếu tố đầu vào sản xuất nông nghiệp, đất canh tác có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của cây cam, chất lượng và năng suất sản phẩm. Hơn chục năm trước, anh đã ý thức ghi chép cẩn thận các tiêu chuẩn nông nghiệp trong cuốn sổ theo dõi, gọi là “nhật ký theo dõi mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”.

Hàng ngày, hàng tháng, các số liệu như ngày mua phân bón, tên thuốc bảo vệ thực vật, tên đơn vị sản xuất, tên cơ sở bán hàng, điều kiện bảo quản thuốc, thậm chí cả tên người mua, người bán… được anh ghi cụ thể thành các cột trong nhật ký theo dõi.

“Việc này có ý nghĩa rất quan trọng đối với người làm nông nghiệp, nó sẽ lưu giữ các thông tin quý giá để từ đó giúp xây dựng được một biểu đồ theo dõi. Người trồng cây biết được liều lượng, tần suất sử dụng thuốc cung cấp cho cây, bơm vào đất; các loại bệnh cây cam thường mắc phải, cách chữa trị, sức khỏe của cây cam và sức khỏe của đất trồng…, từ đó chủ động điều tiết, sử dụng trong mức độ cho phép, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm trái cây” – anh Trường phân tích.

Một vườn cam xác xơ bị bỏ lay lắt không chăm sóc vì bị sâu bệnh, không ra trái ở xã Hợp Phong. Ảnh: Huy Bình.

Một vườn cam xác xơ bị bỏ lay lắt không chăm sóc vì bị sâu bệnh, không ra trái ở xã Hợp Phong. Ảnh: Huy Bình.

Việc theo dõi vườn cam của mình bằng nhật ký được anh duy trì liên tục trong nhiều năm. Thế nhưng, dù rất tỉ mỉ, cẩn thận, nghiêm túc và khoa học…, cuối cùng vườn cam của anh vẫn đổ bệnh như những vườn cam khác trong vùng.

“Vườn của mình ở giữa vùng cam, dịch bệnh lây lan sang cả vùng, không thể tránh được. Nếu làm nhà giàn, nhà lưới thì có thể ngăn chặn được phần nào, nhưng đối với hóa chất độc hại tích tụ nhiều năm ngấm xuống lòng đất và các loại nấm bệnh theo nguồn nước lan sang cả vùng thì không thể ngăn chặn được”, anh Trường phân trần.

Mấy năm trước, anh Trường cay đắng phá bỏ 1ha cam mà mình dù đã hết lòng chăm sóc, thậm chí còn cố gắng xây dựng một “phác đồ điều trị” riêng để cây cam không mắc phải những căn bệnh thường gặp như những người trồng cam ở Cao Phong.

Anh Nguyễn Xuân Trường rất cẩn thận ghi chép nhật ký sản xuất nhưng cuối cùng anh cũng phải từ bỏ vườn cam đầy tâm huyết của mình. Ảnh: Huy Bình.

Anh Nguyễn Xuân Trường rất cẩn thận ghi chép nhật ký sản xuất nhưng cuối cùng anh cũng phải từ bỏ vườn cam đầy tâm huyết của mình. Ảnh: Huy Bình.

Theo ghi chép và quan sát liên tục trong nhiều năm của anh Trường, khi đất trồng cam bị ngộ độc do hóa chất, độ pH trong đất sẽ giảm, từ đó dẫn tới các vi sinh vật có ích bị tiêu diệt, còn tuyến trùng, các loại nấm hại lại có điều kiện phát sinh phát triển, gây hại.

“Đất đã ngộ độc thì một số vi sinh vật có lợi trong đất không kháng được, bị hủy diệt. Giun đất – những “máy cày trong lòng đất” cũng hoạt động yếu. Thứ nữa là việc lây lan nấm bệnh từ nguồn giống cây trồng không sạch bệnh. Bệnh vàng lá gân xanh do vi khuẩn lan truyền từ vườn nọ sang vườn kia. Trước kia Cao Phong có đến nỗi đâu, nhưng cho tới cuối chu kỳ kinh doanh, hiện tượng "da báo" càng lây lan mạnh, cứ vườn non vườn già, vườn non vườn già lây nhiễm nhau dẫn tới hỏng cả vùng cam Cao Phong.

Còn bệnh vàng lá thối rễ do rất nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do 3 loại nấm gây bệnh chính (fusarium solani, phythopthora palmivora, Pythium helicoides). Chúng chủ yếu xâm nhập vào đầu rễ non, vết thương do tuyến trùng tấn công bộ rễ làm cho cây không hấp thụ được dinh dưỡng, từ đó cây cứ suy kiệt dần, không còn sức sống, héo hon, tàn tạ theo năm tháng” – anh Trường lý giải.

Vùng cam Cao Phong đang trở thành vùng trồng ngô, chuối, thanh long... Ảnh: Kiên Trung.

Vùng cam Cao Phong đang trở thành vùng trồng ngô, chuối, thanh long... Ảnh: Kiên Trung.

Chia sẻ về việc sử dụng hóa chất trong trồng cam, một chủ vườn cam (nay đã phá bỏ vì cây bị bệnh) cho hay, vườn cam của anh bốn mùa đều dùng thuốc BVTV: Mùa xuân phun thuốc kích cho cam ra hoa, sau đó phun thuốc cho đậu quả, tiếp đó là phun thuốc giữ quả, bón lá cho quả to đẹp. Mùa hè lại phun thuốc chống nứt quả...

Trong suốt quá trình trồng, cây cam cũng thường xuyên được phun thuốc trừ sâu theo cữ 1 – 2 tuần/lần. Đến thời điểm mùa thu, tiếp tục bón siêu kali để quả ngọt và đẹp mã. Sang tháng 10 – 11, cam chín bắt đầu thu hoạch đến Tết. Sau đó, lại tiếp tục một chu kỳ mới với vòng quay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, thuốc diệt cỏ vườn…

Một vườn thanh long thế chân trên đất trồng cam trước đây. Ảnh: Kiên Trung.

Một vườn thanh long thế chân trên đất trồng cam trước đây. Ảnh: Kiên Trung.

Cách nào cứu vãn vùng cam ngàn tỷ?

Trở lại câu chuyện vùng cam Cao Phong hiện tại đang đối mặt tình trạng chặt bỏ, phá bỏ hàng loạt, nhiều nhà vườn trồng ngô, chuối… thay thế với mong muốn sẽ cải tạo được đất, anh Nguyễn Xuân Trường khẳng định “đó không phải là biện pháp cải tạo đất bền vững”.

“Thực ra bà con trồng nhiều loại cây nhưng vẫn kiểu trồng theo phong trào. Cải tạo đất ở Cao Phong hiện tại đang bằng cách trồng ngô bò (tức ngô sinh khối để bán cho các cơ sở chăn nuôi bò) là không đúng. Khi cải tạo đất phải trồng dòng cây họ đậu. Nếu trồng những loại cây một lá mầm, rễ chùm ăn nổi trên bề mặt sẽ hút hết dinh dưỡng đất mặt, tầng đất ngầm vẫn lưu cữu hóa chất.

Nhiều chủ vườn đã chặt bỏ vườn cam, mặc cho cỏ dại um tùm. Ảnh: Kiên Trung.

Nhiều chủ vườn đã chặt bỏ vườn cam, mặc cho cỏ dại um tùm. Ảnh: Kiên Trung.

Hệ nấm, khuẩn nằm ở trong đất, dưới tầng sâu và nằm trong rễ tồn dư của cây cam cũ phía dưới. Như vậy không triệt tiêu hết được chất độc và nấm bệnh. Muốn cải tạo được đất tận gốc cần phải cày, cuốc, xới tung toàn bộ lớp đất sâu, dùng các loại chế phẩm để diệt nấm độc, rắc vôi để tăng pH đất… thì may ra mới được. Chứ cứ trồng cây ngắn ngày như ngô, chuối, dong riềng, thanh long… gọi là cải tạo đất, sau đó quay lại trồng cam thì không hiệu quả”, anh Trường đánh giá.

Diện tích trồng cam của Cao Phong hiện tại chỉ còn hơn 1.350ha. Nhiều nhà hiện vẫn còn nuôi hi vọng nên vẫn chủ động cải tạo đất, chặt bỏ cây cam cũ để trồng mới thay thế. Những nhà khác bỏ vườn cam không chăm sóc, cây cứ lơ phơ, sống dở chết dở. Vùng cam ngàn tỷ tan tác theo mỗi năm.

Nhiều diện tích cam đã được người dân quay sang trồng cây ngắn ngày. Ảnh: Kiên Trung.

Nhiều diện tích cam đã được người dân quay sang trồng cây ngắn ngày. Ảnh: Kiên Trung.

“Khi cam được giá, nhiều hộ lên thuê đất trồng cam đã tranh thủ vắt kiệt đất, vắt kiệt sức cây cam. Hậu quả để lại quá lớn” – anh Trường phân tích thêm.

Năm 2021, tỉnh Hòa Bình ban hành đề án tái canh cây có múi trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có một kế hoạch riêng để phục hồi đối với cây cam Cao Phong.

Theo UBND tỉnh Hòa Bình, Cao Phong là vùng trồng cây ăn quả có múi chủ lực của tỉnh, chiếm gần 30% tổng diện tích. Nếu tính riêng cây cam thì diện tích cam Cao Phong chiếm trên 50% diện tích toàn tỉnh. Do quá trình canh tác lâu năm, sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học… đã khiến nhiều diện tích đất chai cứng, mất kết cấu; hệ vi sinh vật đất nghèo nàn, tích lũy nhiều nguồn sâu bệnh, có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu phát triển bền vững cây ăn quả có múi.

Đất trồng cam Cao Phong đang được chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. Ảnh: Huy Bình.

Đất trồng cam Cao Phong đang được chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. Ảnh: Huy Bình.

Do quá trình tăng nóng diện tích trong thời gian ngắn, một số diện tích sử dụng cây giống không đảm bảo chất lượng, nhiễm dịch hại nguy hiểm gây suy tàn, thoái hóa nhanh chóng vườn cây trong thời ngắn.

Ông Bùi Văn Hưng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cao Phong cho biết, huyện đã triển khai đề án vườn mẫu tái canh thí điểm trồng cam đầu dòng khoảng 10ha nhằm giữ và bảo tồn giống, nhân giống mẫu cam bản địa cho các nhà vườn. Theo đề án này, sẽ thực hiện 100% diện tích trồng tái canh được sử dụng nguồn giống đảm bảo chất lượng từ cây đầu dòng hoặc từ hệ thống nhân giống 3 cấp; cây giống đảm bảo chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia, tạo nguồn giống sạch bệnh. Bên cạnh đó, sẽ quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên đất, nước, cải thiện độ phì, kết cấu đất trồng và tạo quỹ đất sạch nguồn sâu bệnh phục vụ tái canh cây ăn quả có múi...

Trong lúc chờ đợi một cuộc "thay máu" cho vùng cam Cao Phong, vùng cam ngàn tỷ này đang mỗi ngày một teo tóp.

 
Bình luận