Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai |
Mới đây, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã đi khảo sát thực tế tại 2 tỉnh Đồng Nai về công tác triển khai, xây dựng báo cáo, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của BCH Trung ương 7 (khóa X) về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (2008 - 2018).
Theo báo cáo của UBND tỉnh, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần người dân nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ông Huỳnh Thành Vinh, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, trong lĩnh vực trồng trọt, đã có sự chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang hình thành các vùng sản xuất tập trung; nhiều loại cây ăn trái như xoài, chuối, sầu riêng… đứng đầu cả nước về diện tích. Kết quả, tỉnh đã có 18/33 dự án cánh đồng lớn được phê duyệt, với hơn 6.000ha; đã thực hiện 47 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản, chăn nuôi và thủy sản.
Các huyện, TX, TP đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao, phục vụ XK như xoài ở Vĩnh Cửu, Định Quán, Xuân Lộc; cà phê ở Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ; hồ tiêu ở Xuân Lộc, Cẩm Mỹ; sầu riêng ở Cẩm Mỹ, Long Khánh, Tân Phú; ca cao ở Thống Nhất... Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã có chỉ dẫn địa lý như bưởi Tân Triều, chôm chôm Long Khánh.
Bộ trưởng tham quan khảo sát Trại gà Thanh Đức nuôi theo quy trình công nghệ cao |
Ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đánh giá: “Về trồng trọt, Đồng Nai đang đi đúng hướng khi nhân rộng được trên 33.000ha diện tích tưới tiết kiệm. Tuy nhiên, khoảng cách thu nhập giữa người dân thành thị và nông thôn đang doãng ra. Mục tiêu của tỉnh về tăng thu nhập nông thôn phải giải quyết câu chuyện lao động nông thôn. Trong đó, đào tạo, nâng cao năng lực cho nông dân là tối quan trọng”. |
Bên cạnh đó, tái cơ cấu ngành chăn nuôi cũng được tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng đàn gà, ổn định đàn heo và thúc đẩy chế biến. Đồng Nai là tỉnh duy nhất xây dựng được nhiều vùng chăn nuôi tập trung; đồng thời ứng dụng nhanh KHKT, tự động hóa vào chăn nuôi, qua đó hình thành các chuỗi liên kết. Hiện đàn heo đạt trên 2,2 triệu con, đàn gà gần 24 triệu con, tăng gấp nhiều lần 5 năm trước.
Sau 7 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay toàn tỉnh đã có 129/133 xã đạt chuẩn NTM, đạt 97% tổng số xã. Trong đó có 8/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 72,7%.
Đồng Nai hiện đang tập trung thực hiện 2 Đề án xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa đối với huyện Trảng Bom và xây dựng huyện NTM kiểu mẫu đối với huyện Xuân Lộc. Từ nay đến cuối năm 2018, tỉnh phấn đấu có thêm 3 huyện đạt NTM kiểu mẫu và sẽ hội đủ điều kiện để Trung ương công nhận là tỉnh đạt chuẩn NTM.
Với kết quả nổi bật của Đồng Nai, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương khẳng định: “Đồng Nai là địa phương đứng đầu trong triển khai Nghị quyết 26, với những cách làm sáng tạo, tạo ra nhiều mô hình hay từ phát triển kinh tế, văn hóa đến an ninh trật tự. Đây cũng là tỉnh đi đầu đầu tư chợ đầu mối, đào tạo nghề nông thôn...”.
Bộ trưởng tham quan mô hình thanh long |
Theo UBND tỉnh, hiện mực nước ngầm tại Xuân Lộc đang gần đạt mức báo động, nên rất khó tiếp tục khai thác. Việc đầu tư dự án thủy lợi là yêu cầu cấp bách, có ý nghĩa quyết định tới việc huyện Xuân Lộc hoàn thành mục tiêu huyện NTM kiểu mẫu. Do vậy, cần sớm cho đầu tư dự án trạm bơm dẫn nước từ sông La Ngà phục vụ tưới tiêu 3 xã vùng sâu nhất của huyện.
Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị với Bộ NN-PTNT xem xét, tháo gỡ khó khăn về chính sách ưu đãi đầu tư dự án cánh đồng lớn cho địa phương. Tỉnh đang dẫn đầu cả nước với 18 dự án cánh đồng lớn, và đang nhân rộng mô hình này nhưng khó thu hút DN đầu tư do vướng về chính sách.
Bộ trưởng tham quan mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại Đồng Nai |