Lắp camera giám sát, số hóa dữ liệu để quản lý, bảo vệ đê điều

Bình luận · 195 Lượt xem

Ngành thủy lợi đang tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý đê điều tại nhiều địa phương nhằm nâng cao chất lượng hệ thống, vừa làm đẹp làng quê...

 

 

Số hóa dữ liệu đê điều

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), việc quản lý, bảo vệ, hộ đê là công việc thường xuyên của lực lượng quản lý đê điều và được thực hiện trong nhiều năm qua. Từ những công cụ thô sơ ban đầu như bản đồ, tài liệu giấy, thu nhận thông tin chủ yếu qua điện thoại, đến nay đã có những thiết bị hỗ trợ hiện đại hơn, nhanh hơn giúp cho công tác quản lý đê điều, ứng phó hộ đê được nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời hơn.

 

Đáng chú ý, việc chuyển đổi số trong quản lý đê điều đã được đẩy mạnh bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ. Các thông tin liên quan tới đê điều đã được chuyển hoá thành cơ sở dữ liệu, số hóa bản đồ. Đến nay, đã có hệ thống cơ sở dữ liệu WebGIS về đê điều của 19 tỉnh thành phố có đê từ cấp III trở lên cho phép truy cập dễ dàng qua giao diện web từ máy tính cũng như trên máy tính bảng hay điện thoại thông minh.

 

Cơ sở dữ liệu này cung cấp đầy đủ thông tin, hình ảnh và tư liệu về các tuyến đê, công trình kè, cống, kho bãi vật tư và các công trình phụ trợ nhất là các khu vực trọng điểm xung yếu đê điều cũng như các tính năng tra cứu tiện dụng, là công cụ đắc lực hỗ trợ rất tốt cho công tác quản lý đê, hộ đê.

 

Đồng thời, một phần mềm theo dõi mực nước trên các tuyến sông có đê cũng đã được xây dựng, truy cập qua cả web và ứng dụng trên thiết bị Android, Apple. Phần mềm cung cấp thông tin về mực nước thực đo tại các trạm thủy văn trên các tuyến sông, các mực nước báo động, mực nước thiết kế cũng như mực nước lũ lịch sử; giúp cho việc nắm bắt thông tin đầy đủ, kịp thời, tham mưu hiệu quả, nhất là khi đi công tác thực địa, chỉ đạo hộ đê.

 

Lắp camera quan trắc, theo dõi mực nước…

Thời gian qua, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (nay là Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) đã phối hợp với các địa phương lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các vị trí trọng điểm xung yếu đê điều, một số điểm chốt mực nước, khu vực ngã 3 sông; quan trắc, theo dõi mực nước lũ theo thời gian thực trên sông thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã.

 

 

Tính đến nay, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã lắp đặt được tổng cộng 80 camera, bao gồm: 53 camera trên các tuyến sông Hồng, Đáy, Lô, Đuống, Cầu, Thương, Trà Lý, Luộc, Hoàng Long thuộc địa bàn các tỉnh, thành phố Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình; 7 camera trên các sông Mã, Chu, Lèn ở Thanh Hóa; 6 camera trên tuyến sông Lam, La ở Nghệ An và Hà Tĩnh; 8 camera trên các tuyến đê biển (gồm: Quảng Ninh 1, Thái Bình 3, Hải Phòng 2, Nam Định 2); 6 camera trên các tuyến đê bao khu vực ĐBSCL (Đồng Tháp 2, Long An 2, An Giang 2). Ngoài ra, năm 2018 đã lắp 8 cụm camera, đo gió, mưa tự động thuộc các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa.

 

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, mục đích lắp đặt camera nhằm tăng cường nắm bắt thông tin về công trình đê điều, diễn biễn mực nước khi có lũ, chủ động trong việc tham mưu chỉ đạo điều hành ứng phó với các tình huống bất lợi đối với hệ thống đê điều.

 

Hiện một số tỉnh, thành phố cũng chủ động triển khai lắp đặt thêm các camera theo dõi trọng điểm đê điều xung yếu trên địa bàn như Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa. Hệ thống này sẽ cung cấp chính xác, kịp thời diễn biến công trình đê điều cũng như thông tin mực nước, hỗ trợ làm tăng hiệu quả tham mưu, quyết định chỉ đạo điều hành hộ đê, ứng phó với lũ trên các hệ thống sông.

 

Ngoài ra, đơn vị quản lý đê điều, thủy lợi cũng sử dụng thiết bị bay chụp không người lái (flycam) trong công tác quản lý chuyên môn. Theo đó, flycam được sử dụng bổ sung cơ sở dữ liệu, bản đồ hệ thống đê, theo dõi các vùng hành lang bảo vệ đê điều, bãi sông, lòng sông; các vị trí sạt lở bờ sông, mái đê; các trọng điểm xung yếu, tình hình ngập do các trận lũ lớn trên các tuyến sông (lũ lịch sử trên các sông Hoàng Long, sông Đáy; lũ lớn sông Chu năm 2017…), sự cố đê điều do lũ, bão (sự cố sạt mái phía trong đê biển Hải Hậu năm 2017). Đây là một nguồn cung cấp dữ liệu quý, tổng thể, đáp ứng kịp thời được yêu cầu khẩn trương, chủ động trong công tác phòng chống lũ, quản lý đê điều và sẽ còn được tiếp tục quan tâm, phát triển trong thời gian tới.

 

Hiện nay, các công trình đê điều có quy mô rất lớn với trên 9.080km đê (gồm 6.589km đê sông, 1.343km đê cửa sông và khoảng 1.150km đê biển); trong đó có trên 2.759km đê được phân cấp từ cấp III đến cấp đặc biệt, đây là các tuyến đê rất quan trọng, có nhiệm vụ chống lũ triệt để, bảo vệ vùng có quy mô dân số lớn, các trung tâm văn hóa, chính trị, hệ thống công trình hạ tầng quan trọng và có độ sâu ngập lụt lớn nếu xảy ra vỡ đê. Ngoài ra, còn có khoảng trên 46.331km đê bao, bờ bao các loại ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (một số tuyến đê bao chống lũ triệt để thuộc 3 tỉnh thượng nguồn vùng đồng bằng sông Cửu Long là tỉnh Long An, Đồng Tháp và An Giang bảo vệ trung tâm văn hóa, chính trị của 4 huyện, thị xã giáp biên giới Campuchia với tổng số 38,9km đê được phân cấp là đê cấp III).

 

Trên các tuyến đê từ cấp III trở lên hiện còn tồn tại nhiều đoạn đê thiếu cao trình, mặt đê nhỏ hẹp, các sự cố đùn sủi, thẩm lậu thường xảy ra trong các mùa lũ chưa được xử lý; các cống cũ, hệ thống kè bị hư hỏng, xung yêu cần tu bổ, sửa chữa. Qua công tác kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê điều trước lũ 2023, các địa phương đã xác định 288 trọng điểm đê điều xung yếu trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.

Bình luận