Hoạt động chế biến mực xà ở Phù Cát 'bức tử' môi trường

Bình luận · 904 Lượt xem

Chính quyền huyện Phù Cát cần phải mạnh tay với những hộ dân sơ chế, phơi mực xà ở xã Cát Khánh. Bởi, hoạt động này gây ô nhiễm quá nghiêm trọng…

Cả làng bị bệnh do hít phải mùi khó ngửi

Trong những năm gần đây, trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) có gần 50 hộ làm nghề sơ chế mực xà tập trung tại thôn An Quang Tây và thôn An Quang Đông. Từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm là hoạt động sơ chế mực xà ở Cát Khánh vào vụ sản xuất, mỗi tháng làm từ 10-12 ngày, mỗi hộ thu hút khoảng 10 lao động làm việc. Nguồn nguyên liệu mực xà tươi được thu mua từ các tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân trong tỉnh và nhiều địa phương khác vận chuyển đến.

Sẽ chẳng có gì để nói nếu nước thải của hoạt động sơ chế mực xà không gây ô nhiễm nghiêm trọng, khiến người dân địa phương phải lên tiếng kêu cứu đến chính quyền địa phương các cấp. Mực xà tươi được người dân xẻ ra, rửa ruột sạch sẽ trước khi cho lên giàn đưa ra phơi nắng. Nước rửa ruột mực có màu đen ngòm vì mật mực bị dập. Lẫn lộn trong nước rửa mực là những loài thủy sản (thức ăn của lũ mực) nên nước thải của hoạt động sơ chế mực xà có mùi tanh tưởi rất khó ngửi.

Nguồn nước tự nhiên ở 2 thôn An Quang Ðông và thôn An Quang Tây, UBND xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải của các cơ sở chế biến mực xà. Ảnh: V.Đ.T.

Nguồn nước tự nhiên ở 2 thôn An Quang Ðông và thôn An Quang Tây, UBND xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải của các cơ sở chế biến mực xà. Ảnh: V.Đ.T.

Trước phản ánh của người dân, ngành chức năng huyện Phù Cát phối hợp với Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường Bình Định lấy mẫu nước thải của các cơ sở chế biến mực xà ở xã Cát Khánh kiểm tra, phân tích. Kết quả cho thấy nước thải từ các cơ sở chế biến mực xà có các hàm lượng chất gây ô nhiễm cao, vượt xa tiêu chuẩn cho phép như: Tổng Nittơ, NH3, TSS (chất rắn lơ lửng), BOD (nhu cầu ô xy sinh hóa)… Ấy vậy mà thứ nước thải này được xả trực tiếp ra kênh mương rồi chảy về đầm Đề Gi.

Anh Thái Văn Đá (33 tuổi), 1 người dân địa phương vừa chỉ tay xuống con mương đang lững lờ dòng chảy đen ngòm bốc lên mùi hôi thối nồng nặc, than thở: “Có những hôm trong không khí đậm đặc mùi hôi thối, tôi phải đóng kín cửa để thở, nhưng vẫn chịu không nổi, phải rời nhà đi đến nhà người quen ở ngoài địa phương để ở nhờ. Vấn đề ô nhiễm môi trường của hoạt động sơ chế mực xà ở địa phương đã làm ảnh hưởng đến đời sống cả mấy trăm hộ. Nhưng người nuôi trồng thủy sản ở đây mới bị ảnh hưởng lớn, vì nguồn nước tự nhiên ô nhiễm nghiêm trọng nên không thể lấy vào ao nuôi thủy sản”.

Anh Thái Văn Đá, người dân xã Cát Khánh, chỉ dòng nước trong mương đen ngòm do nước thải của các cơ sở chế biến mực xà. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Thái Văn Đá, người dân xã Cát Khánh, chỉ dòng nước trong mương đen ngòm do nước thải của các cơ sở chế biến mực xà. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, sơ chế mực xà gây ô nhiễm bởi do hộ làm nghề không quan tâm khâu xử lý ban đầu. Nếu lúc mổ mực xà mà thu gom hết ruột và không làm vỡ mật con mực, sau đó nước thải được xử lý qua hệ thống lọc và màng ngăn để gạn lại hết những tạp chất thì nước thải sẽ không có mùi hôi và nước không có màu đen.

Ông Phan Đình Sung, người dân xã Cát Khánh, bức xúc vì nạn ô nhiễm môi trường gây bệnh cho người dân địa phương. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Phan Đình Sung, người dân xã Cát Khánh, bức xúc vì nạn ô nhiễm môi trường gây bệnh cho người dân địa phương. Ảnh: V.Đ.T.

"Phơi mực trên vỉ tập trung 1 chỗ với số lượng lớn cũng sẽ bốc lên mùi hôi. Muốn ngăn mùi hôi lúc phơi mực cần phải sử dụng lồng phơi. Lồng phơi bao kín chung quanh, bên trên trống để đón nắng, mùi hôi theo vành lồng bốc lên không gian chứ không lan tỏa ra chung quanh", ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, phân tích.

Vận động không được, phải mạnh tay xử lý

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm do hoạt động sơ chế mực xà diễn ra tại xã Cát Khánh, trước đây, UBND huyện Phù Cát đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng từ huyện đến xã, cùng các hội đoàn thể chia nhau đến từng hộ gia đình hành nghề để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân ký cam kết chấm dứt việc sơ chế mực xà gây ô nhiễm môi trường.

Cách đây 1 năm, UBND xã Cát Khánh đã thành lập Đoàn công tác liên ngành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở hoạt động sơ chế mực xà trên địa bàn. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, tham mưu UBND huyện Phù Cát ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với 15 cơ sở với số tiền 613 triệu đồng, ngoài ra còn lập hồ sơ đề xuất xử lý theo quy định đối với 31 cơ sở còn lại.

Mực xà phơi trên bờ đê xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Mực xà phơi trên bờ đê xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

"Đến thời điểm hiện tại, UBND huyện đã ban hành 30 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với 30 cơ sở chế biến mực xà tại xã Cát Khánh. Tổng số tiền xử phạt lên đến gần 1,4 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa một cơ sở nào nộp phạt”, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, các cơ sở chế biến mực xà trên địa bàn hoạt động tự phát từ năm 2017 đến nay, cơ sở nào cũng gây ô nhiễm môi trường. UBND xã Cát Khánh đã nhiều lần tổ chức họp, thậm chí đến từng hộ gia đình vận động người dân ký cam kết ngưng hoạt động sơ chế mực xà; đồng thời bổ sung nội dung bảo vệ môi trường, không sơ chế mực xà vào hương ước, quy ước của khu dân cư 2 thôn An Quang Đông và An Quang Tây, thế nhưng đâu rồi cũng vào đấy.

Thu gom mực xà phơi trên đất công cộng để ngăn chặn hoạt động sơ chế mực xà gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: V.Đ.T.

Thu gom mực xà phơi trên đất công cộng để ngăn chặn hoạt động sơ chế mực xà gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: V.Đ.T.

“Chúng tôi đã tuyên truyền, thông báo chuyển đổi nghề cho các hộ dân nhưng đến nay vẫn chưa có người dân nào đăng ký chuyển đổi nghề, trong khi các cơ sở sơ chế mực xà vẫn duy trì hoạt động”, ông Hiếu nói.

Trước thực trạng trên, những ngày cuối tháng 8 vừa qua, để giải quyết dứt điểm tình trạng sơ chế mực xà gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn, UBND xã Cát Khánh đã đồng loạt ra quân thu gom, tiêu hủy vỉ, giàn phơi mực tại các khu vực đất công cộng trên địa bàn 2 thôn nói trên.

Sau 2 ngày ra quân, các lực lượng chức năng đã tiến hành thu gom 400 vỉ phơi mực, 460 cây tre dùng làm giàn phơi mực tại khu vực đê kè chắn sóng từ cầu Ngòi đến Cảng cá Đề Gi và khu vực nghĩa địa An Quang. Tất cả các dụng cụ, vật liệu thu gom được đưa về bãi rác tạm của xã để tiêu hủy.

Ngành chức năng ngăn chặn tình trạng phơi mực xà tại xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ngành chức năng ngăn chặn tình trạng phơi mực xà tại xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Cũng trong thời gian này, lực lượng chức năng xã Cát Khánh đã phát hiện, tạm giữ 1 xe ba gác máy không đủ điều kiện lưu thông đang vận chuyển mực xà đến các cơ sở chế biến. Đồng thời, Công an xã Cát Khánh còn mời 17 chủ xe ba gác trên địa bàn đến làm cam kết không vận chuyển mực đến các cơ sở sơ chế mực xà trên địa bàn; bố trí lực lượng thường xuyên tổ chức tuần tra, xử lý các phương tiện vận chuyển mực xà từ nơi khác đến địa phương. UBND huyện Phù Cát cũng đã đề nghị Ban quản lý Cảng cá Bình Định không tiếp nhận các phương tiện chở mực xà nhập vào Cảng cá Đề Gi để cung cấp cho các chủ cơ sở chế biến.

“Chúng tôi chỉ đạo UBND xã Cát Khánh lập biên bản, tịch thu toàn bộ vỉ phơi mực xà trên bờ đê, bờ kè, đường giao thông để tiêu hủy nhằm ngăn chặn triệt để hoạt động sơ chế mực xà gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Chúng tôi sẽ kiên quyết không để tái diễn hoạt động chế biến mực xà gây ô nhiễm như trước đây. Địa phương sẽ tiếp tục theo dõi, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, trả lại môi trường trong lành cho nhân dân”, ông Nguyễn Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát nhấn mạnh.  

Bình luận