Nhiều hồ treo trên cao nguyên đá vẫn ‘khát’ nước

Bình luận · 248 Lượt xem

HÀ GIANG Có nơi người dân phải đi bộ 20km mới có nguồn nước; trẻ em vùng cao phải bỏ học đi lấy nước; nhiều người dân mắc bệnh vì sử dụng nước không hợp vệ sinh...

Cả tháng nay, hầu như ngày nào Lầu Thị Mai, thôn Do, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc cũng phải đi bộ vượt 3km lên núi lấy nước ở khu vực đầu nguồn khe đá. Nước ở trong khe không nhiều và rất khó lấy.

Để có đủ 1 can nước cõng về nhà làm nước sinh hoạt, Mai cùng người dân địa phương phải mang theo thêm 1 chiếc ca nhựa để múc từng gáo đổ vào can. Nước ít, lại nhiều người đi lấy, để không phải xếp hàng lâu chờ đến lượt. Mai thường dậy từ 4 giờ, khi trời còn chưa kịp sáng để leo núi. Lấy nước về sớm để mai còn tranh thủ giúp bố mẹ lên nương làm cỏ ngô, hay lấy rau về cho đàn bò, đàn lợn.

Một hồ treo ở huyện Đồng Văn cạn trơ đáy, trở thành sân chơi cho trẻ em nơi đây. Ảnh: Đào Thanh.

Một hồ treo ở huyện Đồng Văn cạn trơ đáy, trở thành sân chơi cho trẻ em nơi đây. Ảnh: Đào Thanh.

Lầu Thị Mai cho biết, trong xã của Mai có 1 cái hồ treo được nhà nước xây dựng đã lâu. Những năm trước mưa nhiều, cái hồ treo còn tích được nước cho các hộ dân dùng. Năm nay cả mấy tháng trời không có mưa lớn.

Hồ treo cạn trơ đáy, người dân phải lên núi lấy nước ở các hố sâu trong khe núi. Do đó, việc dùng nước phải hết sức tiết kiệm. Một chậu nước vừa dùng để vo gạo, xong rửa rau và tận dụng để nấu cám cho lợn.

Cán Chu Phìn là 1 trong 6 xã của huyện Mèo Vạc không có nguồn nước, là một trong số xã nghèo nhất của huyện Mèo Vạc. Phó Bí thư Đảng ủy xã Cán Chu Phìn Lầu Mí Và cho biết, xã có 12 thôn, 1.257 hộ dân, với khoảng 7.000 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 70%.

Một số thôn đã được nhà nước hỗ trợ xây dựng các bể chứa nhỏ tại mỗi xóm nhỏ còn đỡ vất vả, nhưng vẫn phải dùng tiết kiệm vì nguồn nước có hạn. Còn những thôn như: Há Dấu Cò, Lủng Thà, Tía Chí Đơ… người dân phải lên núi cõng từng can nước về thì nguồn nước thực sự là thách thức với bà con vùng cao.

Dọc đường lên cao nguyên đá, từ Quản Bạ, Yên Minh tới Đồng Văn, sang Mèo Vạc, nhiều hồ treo đã cạn trơ đáy. Lòng hồ trở thành sân phơi cho các hộ dân, trở thành điểm vui chơi cho các em nhỏ. Theo người dân địa phương, mấy tháng nay lòng hồ không còn nước. Một số hồ vẫn có nước, nhưng mực nước cũng ở giai đoạn thấp kỷ lục.

Riêng tại xã Sủng Là, huyện Đồng Văn có 4 hồ treo thì có tới 2 hồ không có nước kéo dài trong nhiều tháng. Thiếu nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng và hoạt động sản xuất của bà con. Nhiều diện tích ngô đã và đang trong giai đoạn làm đòng ra bắp không thể thụ phấn nổi vì thiếu sức sống. Năm nay các huyện vùng cao sẽ mất mùa.

Theo ông Vàng Dỉ Xoáng, Chủ tịch UBND xã Sủng Là, huyện Đồng Văn thì khoảng 2 tháng nay, một số hồ treo như Lũng Cẩm Trên và Mo Pải Phìn trên địa bàn xã không có nước. Người dân đã phải đi lấy nước rất vất vả.

Một số hộ đã phải mua nước tại Phố Bảng nơi có nguồn nước lấy từ rừng già, với giá 150.000/m3. Người dân vùng cao vốn khó khăn nay lại phải lo thêm một khoản tiền mua nước khiến khó khăn nối tiếp khó khăn. Ngay cả UBND xã và các trường học trên địa bàn, 2 tháng nay phải mua nước để phục vụ sinh hoạt.

Cơn mưa lớn cách đây vài ngày, nước đã đổ về, một số hồ chứa mực nước đã dâng lên. Tuy nhiên nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thì tình trạng khan hiếm nước ở xã Sùng Là sẽ xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Các hồ treo chỉ đáp ứng 20% nhu cầu

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Giang, trong những năm qua, từ nguồn ngân sách Trung ương cũng như địa phương, tỉnh Hà Giang đã ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, với các biện pháp như: Cấp nước tự chảy, xây bể, lu chứa nước...

Tuy nhiên, những công trình này mới chỉ giải quyết được một phần tình trạng thiếu nước vào mùa khô của 4 huyện vùng cao nguyên đá gồm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc.

Nhiều vùng ở Hà Giang đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nhiều vùng ở Hà Giang đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Song song với đó việc xây dựng các hồ chứa nước sinh hoạt cho các huyện vùng cao là giải pháp hữu hiệu nhất do các địa phương này có mùa khô kéo dài, trung bình từ 4 đến 6 tháng. Các hồ treo có nhiệm vụ tích trữ nước từ mùa mưa và phục vụ trong mùa khô cho người dân.

Tuy nhiên, với 121 hồ treo cấp nước sinh hoạt đã được xây dựng mới chỉ đáp ứng được 20% người dân có nước dùng vào mùa khô. Phần lớn người dân tại 4 huyện vùng cao còn thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, chưa kể đến nước phục vụ cho hoạt động chăn nuôi và sản xuất.

Ông Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang cho biết, cùng với việc gia tăng dân số thì sự phát triển du lịch tại vùng cao nguyên đá khiến nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng lên. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt ngày một nghiêm trọng. Đặc biệt trong 5 tháng mùa khô.

Theo thống kê năm 2019 - 2020, ước tính số hộ thiếu nước tại 4 huyện vùng núi cao tỉnh Hà Giang là khoảng 50.600 hộ, tương ứng hơn 254.000 người. Cụ thể, như huyện Đồng Văn số hộ thiếu nước là gần 13.000 hộ; huyện Mèo Vạc số hộ thiếu nước là hơn 13.100 hộ; huyện Yên Minh số hộ thiếu nước là hơn 14.500 hộ và huyện Quản Bạ số hộ thiếu nước là hơn 9.900 hộ...

Việc xây dựng các hồ treo trên vùng núi cao đá Đồng Văn và Mèo Vạc là giải pháp trữ nước cấp nước hữu hiệu nhất và đã đem lại giá trị xã hội cao, mang tính an sinh xã hội lớn. Nhưng trên thực tế, mật độ xây dựng hồ hiện nay vẫn ở mức thấp, chưa đủ để cấp nước cho toàn bộ người dân ở các thôn, xã vùng cao núi đá. Đặc biệt là người dân ở 2 huyện Mèo Vạc và Đồng Văn.

Năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài, không ít hồ chứa nước bị cạn kiệt nước, trơ đáy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân vùng cao nguyên đá. Trong số 121 hồ treo trên địa bàn 4 huyện vùng cao thì có tới 57 hồ cạn trơ đáy, 36 hồ đang có mực nước báo động với mức dưới 30cm và chỉ còn 28 hồ có mực nước trên 30cm.

Như ở huyện Đồng Văn có 25 hồ không có nước, 9 hồ mực nước ở mức báo động. Huyện Mèo Vạc có 8 hồ không có nước, 11 hồ mực nước ở mức báo động. Huyện Yên Minh 17 hồ không có nước, 5 hồ ở mực nước báo động. Huyện Quản Bạ có 7 hồ không có nước và 11 hồ ở mực nước báo động. Chưa kể, trong số các hồ chứa này, nhiều hồ đã được đầu tư xây dựng lâu năm nay bị xuống cấp nghiêm trọng và không thể hoạt động trong suốt một thời gian dài.

Bình luận