Kiểm tra sự cố hồ Đắk N'Ting, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: Ưu tiên lập bản đồ sạt lở ở Tây Nguyên

Bình luận · 873 Lượt xem

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói sẽ đề nghị Thủ tướng ưu tiên lập bản đồ sạt lở cho Tây Nguyên.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói sẽ đề nghị Thủ tướng ưu tiên lập bản đồ sạt lở cho Tây Nguyên.

Hồ thủy lợi Đắk N'Ting đang xảy ra sự cố - Ảnh: TRUNG TÂNHồ thủy lợi Đắk N'Ting đang xảy ra sự cố - Ảnh: TRUNG TÂN

Sáng 7-8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ kiểm tra tình hình sạt lở ở Đắk Nông và nói ưu tiên lập bản đồ sạt lở cho Tây Nguyên.

Hàng triệu khối đất có nguy cơ sạt lở xuống hồ

Tại hiện trường, tuyến đường dẫn qua bờ đập bị xô lệch khoảng 10-20cm. Quanh mố cầu, bờ đập xuất hiện nhiều vết nứt rạn. Phía phải cửa xả hồ thủy lợi có một quả đồi mà người dân đã trồng hồ tiêu, cà phê rộng tầm 10ha.

Vị trí sạt trượt nằm trên đập tràn, ngay vị trí mố cầu qua đập hồ Đắk N'Ting - Ảnh: TRUNG TÂNVị trí sạt trượt nằm trên đập tràn, ngay vị trí mố cầu qua đập hồ Đắk N'Ting - Ảnh: TRUNG TÂN

Khu vực này vẫn là đất thuộc Công ty TNHH MTV Đắk N'Ting nhưng người dân xâm canh nhiều năm nay. "Nếu toàn bộ 1 triệu m3 đất này trượt xuống hồ thì rất nguy hiểm, phải có phương án chống sạt trượt ngay", ông Hiệp lo lắng.

Ông Hiệp cho rằng năm nay lượng mưa không lớn nhưng lại cấp tập vào một thời điểm. Tháng 7-2023, lượng mưa tại Đắk Nông cao gấp 1,5 lần năm 2022 và cao hơn gấp đôi so với trung bình nhiều năm, dẫn đến những hậu quả như vừa qua.

Vị trí bị xô lệch ở hồ Đắk N'Ting theo các chuyên gia thì còn có thể bị lệch thêm - Ảnh: TRUNG TÂNVị trí bị xô lệch ở hồ Đắk N'Ting theo các chuyên gia thì còn có thể bị lệch thêm - Ảnh: TRUNG TÂN

"Như chúng ta thấy khu vực này còn một số cây rừng, còn chủ yếu bà con đã trồng hồ tiêu phía trên đồi, phải tưới rất nhiều. Việc này làm thay đổi dòng chảy bề mặt, dòng chảy ngầm dẫn đến việc sạt trượt, sạt lở, nứt nẻ", ông Hiệp nhận định.

Về giải pháp, ông Hiệp nói: "Cần tính toán đến hạ độ cao của quả đồi bên phải hồ Đắk N'Ting có nguy cơ sạt trượt, sạt lở. Cần tính toán có nên cho dân canh tác nữa hay không. Ngoài ra, phải tính toán đến kịch bản vỡ đập để đảm bảo an toàn cho hạ du". 

Ưu tiên lập bản đồ sạt lở cho Tây Nguyên

Sau buổi kiểm tra, đoàn công tác đã làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông để đánh giá nguyên nhân, tìm các giải pháp để khắc phục các sự cố sạt lở, ngập lụt như vừa qua.

Ông Phạm Tuấn Anh, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, cho biết trong hơn 10 ngày qua lượng mưa khu vực tỉnh Đắk Nông đều trên 300mm, gây ngập nhiều nhà cửa, nhất là tại TP Gia Nghĩa và các huyện Đắk Glong, Tuy Đức…

Nhiều mảng bê tông hồ Đắk N'Ting bị xô lệch, nứt nẻ cho nguy cơ sạt lở - Ảnh: TRUNG TÂNNhiều mảng bê tông hồ Đắk N'Ting bị xô lệch, nứt nẻ cho nguy cơ sạt lở - Ảnh: TRUNG TÂN

Theo ông Tuấn Anh, toàn tỉnh có 255 công trình thủy lợi nhưng hiện nay có 15 công trình hư hỏng nặng, 12 hồ hư hỏng nhẹ hơn và có 8 hồ đang gây mất an toàn. "Ngoài hồ Đắk N'Ting, còn có đập Đắk Ké (Tuy Đức, Đắk Nông) cũng đang có nguy cơ cao", ông Tuấn Anh nói.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng đã nghiên cứu nhiều điểm sạt lở lớn lần này và thấy có những tụ thủy, mạch nước nhầm. "Có những trường hợp trong tự nhiên, đã có từ lâu; có trường hợp hình thành từ việc làm công trình và có thể quan sát, xử lý được. Tuy nhiên, do trong quá trình vận hành chúng ta không để ý, dẫn đến các sự cố", ông Hiệp nhận định.

Phần mặt đường bị bong một mảng bê tông dày, có khả năng gây sạt lở - Ảnh: TRUNG TÂNPhần mặt đường bị bong một mảng bê tông dày, có khả năng gây sạt lở - Ảnh: TRUNG TÂN

Ông Hiệp cũng cho rằng việc sạt lở có nguyên nhân từ việc suy giảm diện tích, chất lượng rừng. Theo ông, để đánh giá toàn diện các công trình sạt lở, sạt trượt phải khảo sát rộng. Nhưng quan điểm là phải đảm bảo an toàn cho người dân, xử lý khối sạt trượt để đảm bảo an toàn cho công trình.

Về phương án khắc phục, ông Hiệp đề nghị tỉnh công bố các trường hợp thiên tai khẩn cấp để sớm khắc phục các điểm sạt lở, sạt trượt. 

Về phương án xử lý thì ban chỉ đạo phải đánh giá từng công trình, làm việc với từng địa phương. 

Về đảm bảo an toàn cho công trình thủy lợi, theo ông Hiệp, việc đầu tiên là phải di dân ở những vùng khẩn cấp. "Tiếp đó là phải tiến hành khảo sát, đánh giá, kiểm định lại các công trình để có giải pháp xử lý cho từng công trình", ông Hiệp nói.

Về lâu dài, phải tính toán, khảo sát lại để lập bản đồ sạt lở cho cả nước, ưu tiên Tây Nguyên thực hiện trước. Sẽ có một bản đồ sạt lở chi tiết hơn và trên đó có những cảnh báo các cấp độ khác nhau.

Bình luận