Vì sao Việt Nam mới có 0,6% diện tích đất canh tác hữu cơ?

Bình luận · 101 Lượt xem

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có diện tích đất canh tác hữu cơ chưa đến 1%. Điều này một phần là do những bất cập, vướng mắc trong quá trình sản xuất, canh tác, tìm đầu ra… đã làm cho người dân, HTX, doanh nghi??

Theo thống kê của Liên đoàn Quốc tế các Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ (IFOAM), tính đến đầu năm 2022, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam mới chỉ đạt 74.540 ha, chiếm 0,6% tổng diện tích đất canh tác.

 

Chỉ tăng khoảng 0,1% diện tích

 

TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, Chuyên gia nông nghiệp hữu cơ, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết nếu so với năm 2021, diện tích đất canh tác nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam đã tăng nhưng không đáng kể, chỉ tăng khoảng 0,1%. Và kim ngạch xuất khẩu nông sản hữu cơ của Việt Nam vẫn còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 335 triệu USD/năm. Trong khi giá trị này trên thế giới là khoảng 183 tỷ USD vào năm 2022.

 

Thực tế đã có những dự án về nông nghiệp hữu cơ ở một số địa phương được quan tâm đầu tư nhưng khi hết thời gian thực hiện, địa phương lại không duy trì mô hình nông nghiệp bền vững này hoặc không phát triển thêm được mô hình HTX, tổ hợp tác nông nghiệp hữu cơ nào nữa.

 

Ông Vũ Văn Thuần, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Trung An (Thái Bình), cho biết dù có đến 50ha đất sản xuất rau màu và lúa nhưng hiện nay, HTX mới chỉ có 10ha lúa canh tác theo hướng hữu cơ.

 

Nguyên nhân là rau màu của HTX gặp rất nhiều áp lực mùa vụ và phải đảm bảo tính thường xuyên liên tục trong cung ứng cho siêu thị, nhà hàng. Nên khi chuyển sang trồng rau hữu cơ sẽ có giai đoạn HTX không bảo đảm được sản lượng, dẫn tới ảnh hưởng đến hợp đồng ký kết hoặc sẽ không giữ được mối liên kết với siêu thị.

Bên cạnh đó, khó khăn về cơ sở vật chất, hệ thống thủy lợi nội đồng, hệ thống điện lưới chưa thuận tiện để lắp đặt hệ thống tưới tiêu. Các hộ thành viên chưa bố trí đủ diện tích đất để làm phân bón hữu cơ. Trong khi đầu tư cho hệ thống nhà màng, phân bón hữu cơ còn cao, đi liền với đó là quá trình cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ còn nhiều khó khăn.

 

Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc công ty trách nhiệm xã hội Liên minh Cà phê phụ nữ Quốc tế-Việt Nam, cho biết người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực miền núi chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hướng hữu cơ nên việc triển khai sản xuất cũng là thách thức không nhỏ. Do vậy, chưa hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ, chưa khuyến khích nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ.

 

Đầu ra là quan trọng

 

Tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp sinh thái khu vực miền Bắc” diễn ra ngày 6/10, ông Đỗ Hồng Phúc (Mộc Châu, Sơn La) hiện là thành viên chuỗi bán lẻ của Liên hiệp HTX tiêu dùng Việt Nam (VCCU), cho rằng vấn đề cốt lõi của người nông dân, HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay chính là đầu ra cho sản phẩm. Bởi đã từng có thời điểm, bắp cải Mộc Châu sản xuất theo quy trình hữu cơ nhưng không ai mua, người dân phải chặt bỏ, đổ đầy lên bờ vì đến vụ canh tác mới.

 

Đồng tình với ý kiến của ông Đỗ Hồng Phúc, bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam (Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam), cho rằng không làm cho nông dân, HTX bán được sản phẩm hữu cơ thì người dân, HTX cũng không trụ được với mô hình sản xuất này.

 

Ngay như ở Vân Sơn (Hòa Bình), nếu không tìm được đầu ra bền vững, người dân ở đây sẵn sàng để đất nghỉ. Họ chỉ trồng rau hữu cơ trái vụ vì cho rằng trồng rau hữu cơ chính vụ cũng không thể cạnh tranh được với những vùng trồng rau khác, nhất là những vùng rau không sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững.

 

Trong khi hiện nay, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhưng chưa phát triển theo chuỗi giá trị. Trong khi để tìm được đầu ra ổn định, nhất là hướng đến xuất khẩu thì nông sản hữu cơ phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe. Ngay như gạo hữu cơ muốn xuất khẩu phải đáp ứng các điều kiện về nhà máy công suất lớn, kho chứa, bao bì… Trong khi HTX, thậm chí không ít doanh nghiệp vẫn đang làm gạo hữu cơ quy mô nhỏ, còn sản lượng lúa gạo sản xuất theo quy trình hữu cơ vốn đã thấp hơn sản xuất thông thường khoảng 40-50%.

 

Để gỡ khó phần nào cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Việt Nam đã có chứng nhận riêng cho nông nghiệp hữu cơ để thuận tiện trong quản lý, giám sát và phần nào tiết giảm chi phí chứng nhận cho người làm nông nghiệp hữu cơ.

 

Tuy nhiên, dù có bộ tiêu chuẩn này, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cũng khó có thể phát triển được nếu không giải quyết được những khó khăn về quy mô còn nhỏ bé, chi phí đầu tư lớn và thị trường tiêu thụ còn hạn chế.

 

Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần hài hòa. Ngay như việc đầu tư nhà lưới, nhà kính thường rất đắt mà thực sự chưa chắc đầu tư cho vấn đề này đã tốt. Cụ thể như ở Đà Lạt đang có 18.000ha đất nông nghiệp nhưng hiện có đến 10.000ha đất sản xuất nhà kính. Điều này gây ra tác động ngược khi làm cản trở dòng chảy, dễ gây ngập úng và làm gia tăng nguy cơ biến đổi khí hậu. Trong khi biến đổi khí hậu lại là “ác mộng” đối với người làm nông nghiệp.

 

Chính vì vậy, khi bắt tay làm nông nghiệp hữu cơ, dù là mô hình nhỏ hay là dự án lớn cũng cần phải tính toán làm sao để có thể sản xuất được ngoài trời nhằm vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo đảm được yếu tố sinh thái, bền vững.

 

Có một vấn đề là chi phí để đánh giá chứng nhận hữu cơ lần đầu khá cao nên tạo lực cản cho mở rộng diện tích. Do đó, TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh cho rằng nên quan tâm phát triển các dự án nông nghiệp hữu cơ vì các dự án thường sẽ hỗ trợ phần nào về chứng nhận lần đầu cho người dân, HTX từ đó giúp họ bớt gánh nặng về chi phí. Tuy nhiên muốn làm được điều này, cần phải hình thành được các tổ hợp tác, HTX vì bên thứ ba (doanh nghiệp chứng nhận) thường không cấp chứng nhận cho các hộ riêng lẻ.

 

Bên cạnh đó, cần sự góp sức của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ đầu ra cho nông dân, HTX thì sẽ nâng cao được khả năng phát triển các mô hình nông nghiệp bền vững. Đặc biệt, thu hút được doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ trong đào tạo tập huấn, hỗ trợ chi phí đầu vào và bao tiêu đầu ra được cho nông dân, HTX là cách tốt nhất để giúp họ giảm chi phí.

 

Hiện, các cá nhân, HTX, doanh nghiệp sản xuất hữu cơ cũng được hưởng ưu đãi theo các Quyết định 738/QÐ-BNN-KHCN cũng như nghị định mới thay thế Nghị định 210 của Chính phủ. Vì thế, chính quyền các cấp cần tạo điều kiện cho người sản xuất, HTX, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất, tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, có quy định cụ thể mức hỗ trợ cho việc chuyển đổi đất canh tác từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ, hỗ trợ về đầu ra, chi phí ứng dụng công nghệ…

Bình luận