Vực dậy sản xuất từ giống vật nuôi bản địa

Bình luận · 141 Lượt xem

Những giống bản địa như lợn mán, bò vàng, ong… của Hà Giang đang được phục tráng nguồn gen quý, đồng thời hướng tới sản xuất sản phẩm đặc sản hàng hóa của địa phương.

 

Bảo tồn, nâng tầm nông đặc sản Hà Giang

Giống bưởi quả đẹp như ánh trăng rằm

Mô hình chăn nuôi gà xương đen tại xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn (Hà Giang) được Sở KH-CN Hà Giang triển khai từ tháng 11/2020. Mô hình có quy mô 440 con gà giống bố mẹ, gồm 400 con mái và 40 con trống. Sở KH-CN phối hợp với Sở NN-PTNT Hà Giang đã thực hiện tập huấn và chuyển giao quy trình kỹ thuật cho người dân tham gia dự án và 3 cán bộ kỹ thuật là người địa phương.

 

Đến nay, sau 2 năm thực hiện, mô hình có kết quả tích cực, từng bước thay đổi nhận thức của người dân về hiệu quả của việc chăn nuôi gà giống bản địa, là địa chỉ cung cấp giống gà xương đen uy tín, chất lượng ra thị trường, xây dựng được thương hiệu gà xương đen xã Tả Lủng.

 

Trang trại gà của gia đình anh Bùi Tiến Lanh, thôn Sà Lủng, xã Tả Lủng là cơ sở nuôi và cung cấp giống gà xương đen của xã Tả Lủng. Tháng 12 năm 2020, anh Lanh được Sở KH-CN tỉnh Hà Giang đầu tư vốn mua con giống và triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi với 300 con gà giống bố, mẹ.

 

Thực hiện tốt các quy trình chăm sóc, lại được cán bộ chuyên môn đồng hành, đến nay, anh Lanh đã cho ấp được 700 con gà con 21 ngày tuổi và bán cho 7 hộ gia đình chăn nuôi thành gà thương phẩm. Mỗi con gà con 21 ngày tuổi có giá bán từ 18 đến 20 nghìn đồng. Mỗi ngày từ 300 con gà giống, gia đình anh Lanh thu được 120 đến 150 quả, anh bán một nửa số trứng (giá 4.000đ/quả), số còn lại cho vào ấp. Từ bán gà giống và trứng, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Lanh thu lãi hơn 100 triệu đồng.

 

Trong nỗ lực duy trì, bảo tồn nguồn gen quý của giống bản địa gắn với phát triển kinh tế nông hộ, trang trại quy mô hàng hóa mật ong bạc hà là một trong những loài được tỉnh Hà Giang quan tâm. Tỉnh đã triển khai dự án nghiên cứu, xác định vùng trồng và các giải pháp kỹ thuật phát triển cây bạc hà và nuôi ong lấy mật tại vùng cao nguyên đá tỉnh Hà Giang. Theo nghiên cứu, cây bạc hà tại các huyện vùng cao phía bắc tỉnh Hà Giang là cây cỏ dại, thân thảo, mọc tự nhiên trên đất nương khô, ở những nơi có độ cao từ 1.000 đến 1.500m so với mực nước biển. 

 

Trong năm 2013, “Mật ong Bạc hà Mèo Vạc” của tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Theo Chỉ dẫn địa lý, địa điểm sản xuất mật ong bạc hà của tỉnh bao gồm 47 xã, thị trấn thuộc 4 huyện vùng Cao nguyên đá với số lượng đàn ong trên 20.000 đàn và sản lượng mật đạt khoảng 90 tấn/năm.

 

HTX Nuôi ong Po Mỷ (huyện Đồng Văn) do chị Lưu Thị Hòa làm giám đốc nay đã có mã vạch truy xuất nguồn gốc nên sản phẩm mật ong của các thành viên trong HTX được thị trường đón nhận tốt hơn. Sau 4 năm hoạt động, đến nay, HTX đã xây dựng được 1.600 đàn ong, mỗi năm cho 4.000 lít mật.

 

Chị Hòa cho biết, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng cũng như giống loài đàn ong là sự đồng hành cần thiết với người dân. Cùng với đó, người dân hiện nay cũng tích cực chuyển đổi số trong sản xuất như xây dựng mã vạch truy xuất nguồn gốc; làm thủ tục hoàn thiện sản phẩm đạt sao OCOP; kết nối thị trường trên các sàn thương mại điện tử.

 

Ông Phan Đăng Đông, Giám đốc Sở KH-CN Hà Giang cho biết, ứng dụng khoa học và kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp năm 2022, tỉnh Hà Giang đã triển khai mô hình nhân rộng những giống bản địa đặc hữu, đặc sản của địa phương như mô hình cá lồng, vịt bầu tại lòng hồ thủy điện sông Chừng; mô hình sản xuất lúa hàng hóa; mô hình tổ sản xuất cam VietGAP, sản xuất chè hữu cơ, VietGAP; mô hình mạ khay - máy cấy và áp dụng cơ giới trong nông nghiệp; mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP trong nhà lưới; mô hình xây dựng cơ sở sản xuất giống lúa và kinh doanh nông nghiệp, triển khai thôn kiểu mẫu gắn với tổ chức lại sản xuất...

Bình luận