An Giang: Nông nghiệp công nghệ cao phục vụ NTM

Bình luận · 204 Lượt xem

Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh An Giang có 33/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (chiếm 27,32%). Trong năm 2018, An Giang phấn đấu đạt thêm 13 xã NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 46/119 xã (chiếm 38,66%).

14-23-59_nh-1-n-ging-xy-dung-ntm
Năm 2018 An Giang phấn đấu đạt thêm 13 xã NTM

Xây dựng NTM là chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện rộng khắp cả nước. Với An Giang, đây là nhiệm vụ quan trọng của Tỉnh ủy, UBND các cấp. Cán bộ từ tỉnh đến xã đang quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng NTM. Rất nhiều việc phải làm nhưng An Giang xác định cần tập trung tuyên tuyền cho dân hiểu, dân “xắn tay” vào xây dựng NTM.

Từ sự chỉ đạo và kiểm tra sát sao tiến độ thực hiện xây dựng NTM của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đúng về xây dựng NTM. Từ đó, đã tạo thuận lợi trong việc huy động được nguồn lực trong dân.

Các sở, ban, ngành tỉnh được phân công phụ trách địa bàn xã, huyện xây dựng NTM và các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện xây dựng NTM các địa bàn phụ trách.

Hầu hết các xã đã được các đồng chí Tỉnh ủy viên đến kiểm tra (khoảng 2 - 4 lần/xã) và làm việc trực tiếp với đại diện lãnh đạo Đảng ủy và UBND xã, đánh giá lại những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí và bàn các giải pháp, định hướng nhằm hỗ trợ các xã đảm bảo việc xây dựng xã NTM theo đúng tiến độ, lộ trình đề ra.

Qua đó, đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM ở các xã điểm, một số xã đã đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành trước lộ trình như xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên; xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn (lộ trình 2017 nhưng hoàn thành năm 2016); xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn (lộ trình năm 2018 nhưng phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2017).

Song song đó là nâng cao thu nhập cho người dân bằng cách chuyển hướng vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng và phát triển nền nông nghiệp phát triển bền vững. Đặc biệt là chủ trương đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp từ Trung ương đã tạo tiền đề để tỉnh đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Tất cả các nhân tố đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các xã có lộ trình xây dựng NTM tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình.

14-23-59_nh-2-n-ging-xy-dung-ntm
An Giang chú tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao góp phần xây dựng NTM

Đến ngày 31/12/2017, toàn tỉnh đã có 33/119 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn “Xã nông thôn mới” (chiếm 27,32%). Trong năm 2018, An Giang phấn đấu đạt thêm 13 xã nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 46/119 xã toàn tỉnh (chiếm 38,66%).

Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang,cho biết: Từ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện đã chủ động hơn trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, phân công nhiệm vụ thực hiện các nội dung, tiêu chí NTM.

Qua đó kịp thời hướng dẫn các xã tháo gỡ khó khăn vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí NTM. Nhiệm vụ tiếp theo là các cấp, ngành An Giang là chung tay làm tăng thu nhập cho người dân để việc xây dựng NTM được thuận lợi và bền vững hơn.

“Riêng ngành nông nghiệp, chúng tôi chú tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn bằng việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó hướng đến nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hình thành các chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ rau màu quy mô, hiện đại, triển khai xây dựng “mỗi vùng một sản phẩm” chủ lực (dự kiến 7 sản phẩm); hình thành phát triển mô hình sản xuất lúa theo hướng hợp tác, hiện đại, hài hòa thân thiện môi trường và có hiệu quả cao.

Bình luận