Xuất khẩu thủy sản chới với

Bình luận · 232 Lượt xem

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Bình Định đạt 155,7 triệu USD, tăng gần 68% so cùng kỳ năm 2021. Bước sang đầu năm 2023, đà tăng trưởng đã bị chặn đứng…

Đơn hàng giảm đến 50%

Bình Định hiện có 7 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, gồm: Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định, Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất nhập khẩu Lam Sơn, Công ty Cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn, Công ty Cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn, Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định, Công ty Thành Thái và Công ty Thủy sản An Hải. Tổng sản lượng chế biến của 7 doanh nghiệp nói trên đạt khoảng 17.000 tấn/năm, chủ yếu là cá ngừ, tôm đông lạnh...

Hiện nay, mặt hàng thủy sản của Bình Định xuất khẩu sang 46 thị trường, gồm EU, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và Trung Mỹ… trong đó thị trường Mỹ là chủ lực. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Bình Định đạt 155,7 triệu USD, tăng gần 68% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 10,7% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh này.

Empty

Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định thu mua cá ngừ đại dương tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

Là “chim đầu đàn” trong ngành chế biến thủy sản xuất khẩu ở Bình Định, Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định đã không ngừng tìm kiếm thị trường mới, đa dạng sản phẩm. Năm 2022, Công ty đặt mục tiêu xuất khẩu 100 triệu USD, đến cuối năm đạt gần 140 triệu USD.

Theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định, trước đây, thị trường châu Âu chiếm tỷ trọng rất cao trong doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp, trong đó có thị trường Đức. Tuy nhiên, do ảnh hưởng “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC), doanh nghiệp đã chuyển sang khai thác thêm nhiều thị trường xuất khẩu khác để giảm thiểu rủi ro. Hiện tại, Công ty đang sản xuất đa dạng các mặt hàng từ cá ngừ đại dương phi lê đến cá ngừ đóng hộp để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bước sang quý I/2023, đơn hàng của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định giảm đến 50% so với cùng kỳ năm 2022. Kiếm đơn hàng mới đã khó, giá nguyên liệu lại tăng cao khiến doanh nghiệp “oằn lưng” vì khó chồng khó.

Hiện Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định đang cố gắng duy trì việc làm cho cả ngàn lao động; công nhân không còn tăng ca, chia nhau nghỉ xoay vòng vào các ngày lễ và cuối tuần, cố gắng giữ mức thu nhập bình quân của công nhân đạt mức 8,5 triệu đồng/người/tháng để giữ lao động.

Empty

Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định sản xuất đa dạng các mặt hàng từ cá ngừ đại dương phi lê đến cá ngừ đóng hộp. Ảnh: V.Đ.T.

“Không riêng gì EU, sắp tới, nhiều khả năng các thị trường Mỹ, Nhật cũng sẽ áp dụng “IUU” đối với thủy sản Việt Nam. Đây là thách thức lớn cho hoạt động của các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở Bình Định nói riêng và cả nước nói chung. Vì thế, cùng với việc nỗ lực tìm kiếm thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang rất mong Việt Nam sớm gỡ được “thẻ vàng” để giữ vững những thị trường truyền thống”, bà Cao Thị Kim Lan chia sẻ.

Mong được nới lỏng tín dụng

Doanh nghiệp có tiềm lực như Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định còn gặp khó, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu khác ở Bình Định còn khó khăn nhiều hơn.

Doanh nghiệp nào cũng đang chới với tìm đầu ra trong bối cảnh cung vượt cầu. Thậm chí, các nhà nhập khẩu thủy sản ép giá nhưng nhà sản xuất cũng phải bấm bụng bán giá vốn, thậm chí bán dưới giá vốn để duy trì sản xuất, giữ ổn định lực lượng công nhân và nhất là để đồng vốn liên tục quay vòng nhằm giảm bớt rủi ro.

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở Bình Định đều hoạt động trong tâm thế nhằm duy trì lực lượng lao động cơ bản. Bởi, nếu ngưng sản xuất thì cán bộ, công nhân nhà máy buộc phải tìm việc làm khác, đến khi thị trường tốt lên, cần huy động lực lượng lao động để đáp ứng sản xuất sẽ rất khó quy tụ lại.

Empty

Nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ông Bùi Quang Hạ, Giám đốc Công ty Cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn cho biết: Năm 2022, Công ty vẫn duy trì sản xuất ổn định, mặt hàng chủ lực là tôm các loại được chế biến theo yêu cầu của khách hang với công suất 1.000 tấn/năm, xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Philipines và châu Âu. Đặc biệt, sau Hiệp định Thương mại Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), những ưu đãi về thuế suất đối với mặt hàng tôm là lợi thế để Công ty duy trì đơn hàng ổn định, nhờ đó đảm bảo đời sống cho gần 120 công nhân. Thế nhưng đến cuối tháng 2/2023, Công ty chỉ còn 84 lao động làm việc, giảm 30 lao động so với đầu năm 2022, thu nhập của người lao động cũng bị giảm sút do thiếu đơn hàng.

“Công ty đang gặp khó trong việc tìm kiếm đơn hàng để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo nguồn thu nhập và giữ chân người lao động. Hiện chúng tôi đang tập trung khai thác thị trường mới và khách hàng mới cho mặt hàng tôm xuất khẩu, tổ chức sản xuất phù hợp nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Hạ chia sẻ.

Empty

Một công đoạn chế biến tôm của Công ty Cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Theo bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định, để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, các công ty phải xây dựng kho lạnh lớn, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang bị máy móc hiện đại mới đáp ứng được yêu cầu của một số thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở Bình Định rất cần ngân hàng thương mại xem xét các phương án đầu tư xây dựng cơ bản, mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nhằm đón đầu cơ hội khi thị trường xuất khẩu thủy sản “ấm” lại.

Theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Bình Định, trong 3 tháng gần đây, lãi suất vốn vay đã tăng đột biến với biên độ lớn hơn so với mức tăng thông thường trước đây. Do đó, các doanh nghiệp đề nghị những ngân hàng thương mại đứng chân trên địa bàn Bình Định xem xét, hỗ trợ giảm lãi suất cho doanh nghiệp từ 1,5 - 2%/năm đối với các khoản vay đồng Việt Nam ngắn, trung và dài hạn; giảm 0,5 - 1%/năm đối với khoản vay USD/EUR ngắn hạn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét tăng hoặc giữ hạn mức tín dụng, giãn nợ và không hạ bậc tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn, xử lý hàng tồn kho, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động lâu năm, điểm tín dụng cao.

 
Bình luận