Cơ hội kinh doanh dịp cuối năm

Bình luận · 190 Lượt xem

Người tiêu dùng có thể không cắt giảm chi tiêu những mặt hàng thiết yếu, quà tặng dịp Tết, nhưng có xu hướng tìm kiếm sản phẩm phân khúc thấp hơn, khuyến mại nhiều hơn.

Sản phẩm tiện lợi, ứng dụng cao

Theo khảo sát của Kantar Việt Nam, có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến thắt chặt chi tiêu bằng cách giảm các hoạt động giải trí và ăn uống bên ngoài. Trong khi đó, nhu cầu thực phẩm và mặt hàng thiết yếu không bị ảnh hưởng.

 

Chia sẻ tại hội thảo “Những biến động thị trường và cơ hội kinh doanh mùa cuối năm” do Hội hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức ngày 4/10, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc kinh doanh Công ty Kantar Việt Nam cho biết, sức khỏe và an toàn thực phẩm vẫn là hai yếu tố mà người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, thu nhập, việc làm và đặc biệt là chi phí gia tăng đang khiến họ lo lắng hơn trong những tháng gần đây.

 

Chính điều đó đã ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng những tháng cuối năm. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt để có cơ sở điều chỉnh kế hoạch cũng như định hướng kinh doanh cho những tháng cuối năm. 

 

Theo bà Nga, người tiêu dùng có xu thế ưu tiên những sản phẩm có tính ứng dụng cao. Bởi, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng đánh giá lại mức độ quan trọng và có xu hướng ưu tiên những ngành hàng mang lại giá trị trong cuộc sống hàng ngày của họ.

 

Việc giữ được mối liên kết và giá trị sản phẩm là vô cùng quan trọng để thu hút người mua trong dịp Tết 2024. Những sản phẩm có tính ứng dụng cao như thực phẩm, FMCG có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

 

Xu hướng tiêu dùng cao cấp hóa sẽ chậm lại trong thời gian tới. Người tiêu dùng có thể sẽ không cắt giảm chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu và quà tặng dịp Tết, tuy nhiên, họ sẽ có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm ở phân khúc thấp hơn hoặc nhiều khuyến mại hơn.

 

Ngoài ra, sự tiện lợi chiếm ưu thế trong việc lựa chọn kênh sắm. Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng tính tiện lợi và sẽ ưu tiên những kênh mua sắm mang lại nhiều giá trị hơn, thay vì chỉ trung thành với một lựa chọn nhất định. Vì vậy, những trải nghiệm mua sắm mới nhờ sự phát triển của công nghệ như thương mại điện từ hoặc có tính tiện lợi cao như siêu thị nhỏ được dự đoán số tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong dịp Tết sắp tới.

 

Chất lượng sản phẩm - thương hiệu doanh nghiệp & lòng tin người tiêu dùng

Bà Nguyễn Phương Nga khuyến nghị, các doanh nghiệp cần đưa ra kế hoạch cân đối danh mục sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của từng nhóm tiêu dùng khác nhau. Mặt khác, cần có các chương trình kích cầu tiêu dùng trong ngắn hạn để giữ chân người tiêu dùng. Đặc biệt, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp để duy trì lòng tin của người tiêu dùng.

 

Tương tự, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho rằng, có nhiều yếu tố bất định, nhiều sự thay đổi của thị trường, quan trọng nhất hiện nay là các doanh nghiệp phải nắm chắc những thông tin, dự báo và đồng thời chọn lựa giải pháp của mình từ ngắn hạn đến dài hạn để có thể đáp ứng được những yêu cầu mới của người tiêu dùng. 

 

Tuy nhiên, bà Hạnh cho rằng, yếu tố quan trọng nhất hiện nay vẫn là chất lượng sản phẩm. Thứ hai là hệ thống phân phối đang có những sự thay đổi và sự lựa chọn của người tiêu dùng.

 

“Bao giờ yếu tố chất lượng cũng vẫn giữ vững niềm tin của người tiêu dùng. Còn để đối phó với những thay đổi thì bên cạnh chất lượng, cần phải xây dựng hệ thống dịch vụ để được người tiêu dùng chấp nhận, thích ứng với những thay đổi của thị trường", bà Hạnh nói và cho rằng, yếu tố xanh hóa "lặng chìm" trong sự chọn lựa của từng phân khúc khách hàng cho từng ngành hàng. Ví dụ như phân khúc người trẻ chú ý tới những mặt hàng về làm đẹp, không gian tiêu dùng của gia đình trong đó bao hàm yếu tố xanh hóa. 

Bình luận