Doanh nhân Phạm Quốc Liêm: 'Trường trong farm' lan tỏa vẻ đẹp nông nghiệp
Mô hình 'trường trong farm, farm trong trường'
Thầy tôi với câu chuyện 'Người hạnh phúc và Cây hạnh phúc'
Nông sản Việt: Đường đã mở nhưng chỉ dành cho người trồng tử tế!
Chủ tịch, Tổng giám đốc Unifarm chia sẻ câu chuyện nhà đóng gói, bảo quản nông sản
Khuyến khích và giữ chân
Từ 2009, Unifarm đã xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một lĩnh vực còn rất mới mẻ tại Việt Nam. Để có thể triển khai thành công, đồng thời có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam buộc phải có đội ngũ con người thực sự tâm huyết và có năng lực cạnh tranh ở mức toàn cầu.
Nhìn về thực trạng đào tạo con người lúc ấy, có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành nông nghiệp của Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng được các điều kiện để cạnh tranh, bao gồm: trình độ chuyên môn, năng lực quản trị và kỹ năng mềm (đặc biệt là trình độ ngoại ngữ).
Do vậy, Unifarm xác định phải tự tổ chức đào tạo nguồn nhân lực về nông nghiệp riêng cho đơn vị mình, qua đó, góp phần cùng các trường trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nhu cầu của cả ngành nông nghiệp Việt Nam. Các sáng kiến bên dưới của Unifarm ra đời từ thời điểm đó.
Và sáng kiến “trường trong farm” là cách Unifarm gọi nội bộ về chương trình đào tạo ngay tại các dự án nông nghiệp của Unifarm, với lực lượng chuyên gia và người tham gia đào tạo.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa công tác này, với kinh nghiệm của hơn 14 năm làm nông nghiệp công nghệ và góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp của Việt Nam, ông Phạm Quốc Liêm đưa ra 2 kiến nghị.
Thứ nhất, theo ông Liêm, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khen thưởng, động viên cho các doanh nghiệp tự đầu tư vào hoạt động đào tạo, chuyển giao, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp của mình nói riêng và cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.
Kiến nghị thứ hai của người đứng đầu Unifarm là Nhà nước và chính quyền địa phương có những chính sách thu hút, giữ chân, khen thưởng, động viên đối với đội ngũ chuyên gia (đặc biệt là chuyên gia nước ngoài) đến làm việc tại các dự án nông nghiệp, qua đó, góp phần đào tạo nguồn nhân lực về nông nghiệp cho địa phương.
Hiệu quả của tự đào tạo
Từ năm 2009, Unifarm đã mời một chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Israel với hơn 40 năm kinh nghiệm làm nông nghiệp công nghệ cao giữ vai trò Giám đốc kỹ thuật của Unifarm, cùng làm việc với những chuyên gia từ Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Thái Lan tại các dự án của Unifarm.
Một trong những nhà khoa học của Việt Nam cùng tham gia với Unifarm trong chương trình này là PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam.
Tất cả các chuyên gia nói trên, ngoài việc phụ trách những lĩnh vực chuyên môn cụ thể tại Unifarm, còn kiêm luôn việc đào tạo cho các kỹ sư trẻ Việt Nam và các thành phần nông nghiệp khác.
Ngoài ra, Unifarm còn hợp tác với nhiều nhà khoa học, giảng viên từ các trường Đại học như Đại học Nông lâm TP.HCM, Đại học Cần Thơ, Viện Cây ăn quả Miền Nam và Đại học KHXH-NV TP.HCM để đào tạo cả về kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý và kỹ năng mềm cho những đối tượng được đào tạo.
Về mặt nội bộ, đến nay Unifarm đã hình thành được một đội ngũ cán bộ kỹ thuật người Việt gồm nhiều bạn trẻ, có năng lực tiếp cận được với trình độ thế giới và có tâm huyết phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.
Hiện toàn bộ vấn đề kỹ thuật tại các trang trại của Unifarm cũng như việc tiếp tục đào tạo lực lượng kế thừa và chuyển giao công nghệ ra bên ngoài đang được các chuyên gia nông nghiệp thế hệ mới này đảm nhiệm.
Về mặt xã hội, Unifarm xác định đầu tư vào nông nghiệp không phải để cạnh tranh hay thay thế vai trò của người nông dân mà là để tạo ra những mô hình và nền tảng về thị trường và chuỗi cung ứng phù hợp, từ đó sẽ chuyển giao, nhân rộng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân.
Từ các chương trình đào tạo, chuyển giao công nghệ của Unifarm, đến nay đã có nhiều công ty, trang trại và nông hộ vươn lên trở thành những đơn vị uy tín trong ngành mà trang trại chuối của lão nông Võ Quan Huy ở Long An, người được truyền thông gọi là “vua chuối”, là một ví dụ điển hình.
Bên cạnh sáng kiến về “trường trong farm”, từ năm 2022, Unifarm còn tài trợ cho một số trường triển khai mô hình “farm trong trường” ngay trong khuôn viên trường học để các thầy cô và sinh viên có cơ hội thực hành trực tiếp dưới sự hướng dẫn từ các chuyên gia của Unifarm. Đơn vị đầu tiên được Unifarm tài trợ kinh phí cho mô hình này là Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương với đối tượng là sinh viên, học viên của nhà trường.
Trong năm 2023, Unifarm dự kiến triển khai tiếp mô hình “farm trong trường” tại Đại học KHXH – NV TP.HCM để các bạn sinh viên vốn không chọn lựa ngành nông nghiệp khi vào đại học được đánh giá lại một lần nữa cơ hội việc làm và phát triển bản thân mà ngành nông nghiệp có thể mang lại.
"Farm trong trường" là nơi để các thầy cô và sinh viên thực hành trực tiếp dưới sự hướng dẫn của các thầy và chuyên gia Unifarm, mục đích giúp các em có kinh nghiệm sẵn ngay khi vừa tốt nghiệp. Đây cũng là nơi lan tỏa vẻ đẹp và giá trị tốt đẹp mà ngành nông nghiệp mang đến cho sinh viên.
Ứng dụng công nghệ cao trong ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật tại Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp luôn được các doanh nghiệp lớn, có uy tín đồng hành từ khâu xây dựng chương trình, đào tạo, thực tập và nhận vào làm việc.
(Chủ tịch, TGĐ Unifarm Phạm Quốc Liêm)
Sáng kiến du lịch tri thức nông nghiệp
Trong năm 2023, Unifarm và Đại học KHXH-NV TP.HCM cùng Viện Kinh tế tuần hoàn (trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) ký kết hợp tác về triển khai dự án phát triển hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và kinh tế tuần hoàn tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái của Unifarm.
Hợp tác này là một bước triển khai theo hướng chính quy và bài bản hơn cho nỗ lực về thu hút nguồn nhân lực vào lĩnh vực nông nghiệp mà Unifarm đã và đang làm trong nhiều năm qua.
Unifarm - tên đầy đủ là Công ty CP Nông nghiệp U&I - bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao từ năm 2009 với dự án Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC An Thái, có quy mô 411 ha thuộc xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Trong hơn 14 năm hoạt động, Unifarm đã xây dựng được nhiều mô hình cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường phù hợp và có khả năng nhân rộng cho người nông dân, điển hình như: mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính công nghệ Israel cho doanh thu hơn 2 tỉ/ha/năm (triển khai từ năm 2010); mô hình trồng chuối già hương xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản cho doanh thu từ 500 triệu/ha/năm (triển khai từ năm 2011).
Từ năm 2017, Unifarm tiếp tục đầu tư vào một dự án trồng chuối xuất khẩu với quy mô dự án hơn 1.200 ha tại huyện Dầu Tiếng, Bình Dương; sở hữu một công ty chuyên nghiên cứu và sản xuất cây giống tại Long An với thành quả bước đầu đã nghiên cứu và chọn lọc được giống chuối có khả năng chống chịu bệnh Panama với tỉ lệ sống lên đến 95% tại vùng đất có tiền sử nhiễm này. Hiện giống chuối nói trên đã được các chuyên gia Dole (tập đoàn số một thế giới về chuối) đánh giá là giống chuối thương phẩm có tỉ lệ chống chịu bệnh tốt nhất so với các giống chuối chống chịu bệnh khác mà tập đoàn này hiện đang sở hữu.
Ngoài việc đầu tư những dự án nông nghiệp cho riêng mình, Unifarm còn tư vấn, chuyển giao công nghệ, liên kết bao tiêu cho nhiều thành phần khác, từ nông dân sản xuất quy mô nhỏ đến những công ty lớn với quy mô trang trại lên đến vài ngàn ha trong và ngoài nước.
Những thành quả bước đầu này của Unifarm đến từ: (1) xác định sản phẩm đúng nhu cầu thị trường; (2) định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế cho tất cả sản phẩm; (3) chọn lựa công nghệ canh tác phù hợp và (4) đã triển khai chương trình về thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho Unifarm nói riêng và cho nhu cầu của ngành nông nghiệp nói chung.