Nông nghiệp duy trì tăng trưởng cao nhờ khoa học công nghệ

Bình luận · 367 Lượt xem

Khoa học công nghệ đã đóng góp trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta thời gian qua. Để đạt mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD trong năm 2024, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào s?

 

Khoa học công nghệ đã đóng góp trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta thời gian qua. Để đạt mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD trong năm 2024, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến…

Đóng góp trên 35% vào thành công của nông nghiệp

 

Trong 10 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có trên 200 nhiệm vụ khoa học công nghệ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp được triển khai. Tiêu biểu như ứng dụng công nghệ để lựa chọn giống na Đài Loan, trà hoa vàng, mai vàng Yên Tử; hoàn thiện và ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị các sản phẩm thủy sản, như hàu, sứa, nước mắm...; công nghệ thụ tinh nhân tạo gà Tiên Yên; công nghệ invitro để sản xuất giống hoa lan cao cấp; công nghệ sản xuất giống sá sùng, ngán... Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, từ vườn trồng rau không đất (rau thủy canh), trang trại tự động, sàn thương mại điện tử đến sản xuất theo chuỗi liên kết… ngày càng phổ biến với người dân trong tỉnh.

 

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa cũng cho biết, khoa học công nghệ đã được áp dụng vào hoạt động sản xuất, chế biến ở tất cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 170ha sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới; khoảng 765ha sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và gần 80.000ha nông sản được sản xuất theo hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm. Lợi nhuận trung bình của một mô hình trồng trọt đạt 200 triệu đồng/ha/năm, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất thông thường; với mô hình chăn nuôi đạt từ 1,5 - 2 tỷ đồng/trang trại/năm, gấp 2 lần so với chăn nuôi truyền thống. 80% mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được bao tiêu sản phẩm...

 

 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta thời gian qua. Chính nhờ khoa học công nghệ mà tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp luôn duy trì ở mức cao, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của cả nước. Chỉ riêng giai đoạn 2018 - 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận 215 giống mới, 121 tiến bộ kỹ thuật 42 sáng chế, 224 tiêu chuẩn kỹ thuật, 125 quy trình kỹ thuật được ban hành.

 

Năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã triển khai Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, tầm nhìn 2050; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo...; thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tạo các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao ở 3 trục sản phẩm, từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến...

 

“Chạm để kết nối”

 

Hướng đến mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD trong năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, tự động hóa trong sản xuất. Đồng thời, chú trọng khâu chọn, tạo giống; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

 

Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ đẩy mạnh tiếp cận xu thế “chạm để kết nối”, kích hoạt tư duy “số hóa” trong quản trị ngành, điều hành ngành, từng bước làm quen với việc thu thập, xử lý dữ liệu, phân tích thông tin trên các thiết bị thông minh.

 

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong thời gian ngắn, có thể chưa đưa vào hoạt động đồng bộ, đồng loạt ngay, song tư duy quản trị số, điều hành số cần bắt đầu được lan tỏa và thẩm thấu, tổng hợp vào kế hoạch hành động năm, qua các phần việc cụ thể, khả thi của các cơ quan, đơn vị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cụ thể là “chạm để kết nối” các thiết bị thông minh, với số hóa trong nông nghiệp. “Chạm để kết nối” sản xuất đến thị trường theo tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị. “Chạm để kết nối” cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương với cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã, người sản xuất, bà con nông dân. “Chạm để kết nối” nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn với nông nghiệp số…

 

Dự kiến giai đoạn tới, khoa học công nghệ sẽ đóng góp trên 50% tổng mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Thời gian tới cần huy động mọi nguồn lực đầu tư trong một số lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng cơ chế thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp; cơ chế công - tư (PPP) hiệu quả hơn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ nhằm đa dạng hóa dịch vụ.

 

Hạnh Nhung

Bình luận