Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trót yêu tà áo xanh mùa thu
Phạm Thiên Thư ngày ấy tương tư em tan trường về
“Chuyện tình khó quên” của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký thực sự gây bất ngờ và cảm mến cho mọi người. Bởi lẽ, không ai có thể ngờ một con người có số phận đặc biệt như ông lại gắn bó tào khang với hai chị em Vũ Thị Nhiễu và Vũ Thị Đậu.
Lúc sinh thời, Nguyễn Ngọc Ký bộc bạch: “Tôi có hai điều tự hào. Thứ nhất, sáng tác của tôi được bạn đọc công nhận và được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Thứ hai, trời thương cho tôi cưới vợ hai lần, đứt tình cô chị lại nối duyên cô em”.
Chuyện văn chương thì rõ ràng Nguyễn Ngọc Ký đã xuất bản các tập thơ thiếu nhi “Con nhện chơi đu”, “Quả bí kỳ lạ”, “Ngôi nhà hoa”... Còn chuyện tình khó quên của Nguyễn Ngọc Ký từng được sự ủng hộ của hai nhân vật lừng lẫy là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1906-2000) và “thi nhân Việt Nam” Đoàn Văn Cừ (1913-2004).
Nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký kể lại khởi sự chuyện tình khó quên của mình: “Năm 1970, khi tôi vừa cầm bằng cử nhân văn chương thì không biết từ đâu, cụ Phạm Văn Đồng hay tin, đã cho mời tôi vào phủ Thủ tướng gặp mặt. Sau khi nghe tôi trình bày dự định theo nghề giáo, cụ Phạm Văn Đồng gật gù tán đồng rồi hỏi: “Thế chưa có kế hoạch cưới vợ à?”. Tôi lúng túng thưa: “Hoàn cảnh cháu thế này, làm một giáo viên bình thường đã khó, dám mong gì chuyện làm chồng, làm cha!”. Cụ Phạm Văn Đồng vỗ vai động viên tôi: “Nghĩ vậy là sai. Cháu cần phải có vợ hơn ai hết. Về, lấy vợ đi. Nếu cháu không tự tìm vợ được, thì trở lên đây, bác mai mối cho!”.
Khi hẹn hò với Vũ Thị Nhiễu, một trắc trở khác xuất hiện là bố của nàng không chấp nhận Nguyễn Ngọc Ký. Nghe chính Nguyễn Ngọc Ký than thở, nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã ra tay giúp đỡ.
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ là một gương mặt được tuyển chọn trong “Thi nhân Việt Nam” cùng bài thơ “Chợ tết” lừng lẫy, nên rất được mọi người xung quanh trọng vọng. Kéo bố của cô Vũ Thị Nhiễu sang nhà uống rượu, nhà thơ Đoàn Văn Cừ mềm mỏng trình bày: “Người đời, ai cũng chết. Chỉ có nhà thơ không chết, ông ạ! Nguyễn Ngọc Ký tuy thua thiệt, nhưng cậu ấy là nhà thơ đấy! Hơn nữa, tên cậu ấy là Ngọc Ký, có nghĩa chữ viết trên đá, quý giá lắm. Chúng ta tuy viết bằng tay, nhưng chữ của chúng ta không thể có nhiều người muốn xin bằng chữ của cậu ấy viết bằng chân!”.
Cuộc hôn nhân giữa Nguyễn Ngọc Ký và Vũ Thị Nhiễu kéo dài từ năm 1970 đến năm 2001. Trước khi qua đời, bà Vũ Thị Nhiễu dặn dò chồng và em gái Vũ Thị Đậu: “Anh Ký ơi, cái Đậu không may chồng mất sớm, phải một mình nuôi hai con, anh hãy yêu thương nó như đã từng yêu thương em… Đậu ơi, anh Ký là cả cuộc đời chị, em giúp chị đỡ đần những năm tháng còn lại của anh ấy… Hai người ở lại, hãy vì một người vắng mặt, mà nương tựa nhau sống tiếp nhé!”.
Bà Vũ Thị Đậu có khuôn mặt phúc hậu giống hệt chị ruột Vũ Thị Nhiễu. Năm 2002, nhà thơ - nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký 55 tuổi với bà Vũ Thị Đậu tổ chức một lễ cưới đơn giản, trước sự chứng kiến của bạn bè và người thân. Bà Vũ Thị Nhiễu ở cõi xa xanh nào đó, chắc mỉm cười mãn nguyện, khi biết người chồng cực nhọc của mình đã tục huyền với người em gái lận đận của mình.
Những năm cuối đời, nhà giáo nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký thường xuyên đau yếu. Bà Vũ Thị Đậu nhẫn nại đưa chồng đến bệnh viện để chạy thận và ân cần đọc sách cho ông nghe. Một trong những bài thơ cuối đời viết bằng đôi chân kỳ diệu, Nguyễn Ngọc Ký có mấy câu chân thành dành cho Vũ Thị Đậu: “Bên nhau cau thắm trầu xanh/ Vì chưng nghĩa nặng mà thành duyên sâu!”.
Cuộc đời của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký chắc không xa lạ với nhiều người Việt Nam. Ông sinh ngày 28/6/1947 tại xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Nguyễn Ngọc Ký bị liệt hai tay từ năm 4 tuổi. Thế nhưng, Nguyễn Ngọc Ký đã dùng chân để viết chữ, để vượt lên số phận nghiệt ngã và trở thành một tấm gương hiếu học. Hành trình từ một cậu bé tật nguyền đến một nhà thơ - nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành một huyền thoại của người Việt Nam.
Ngày 28/9/2022, nhà thơ - nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký qua đời ở tuổi 75. Để tưởng nhớ ông, chuyên mục “Chuyện tình khó quên” giới thiệu câu chuyện “Huyền thoại Nguyễn Ngọc Ký đứt duyên chị lại nối tình em” trên Nông nghiệp Radio lúc 20h ngày 23/9.