Phát huy thế mạnh
Đến xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, hỏi thăm về mô hình nuôi cá nước ngọt của ông Lê Hoàng Duyên, 1 trong số 100 nông dân tiêu biểu của cả nước đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn ai cũng biết.
Đi trên con đường thẳng tắp, xuyên qua những cánh đồng lúa, trước mắt chúng tôi là trang trại của ông Duyên. Đó là một khu đất rộng lớn được đầu tư bài bản với các ao nuôi riêng lẻ, có hệ thống chiếu sáng, đường nước và đường đan thẳng tắp để chạy xe ra các ao cá.
Trao đổi với chúng tôi, ông Duyên cho biết, trại nuôi cá nước ngọt rộng khoảng 7,5ha với 17 ao, trong đó phần lớn nuôi cá thát lát, còn lại là cá sặc rằn, cá trê vàng, cá rô, cá lóc… Ngoài ra, ông còn sở hữu 6ha lúa. Đối với lão nông này, ngoài việc tận dụng thổ nhưỡng, nguồn nước của địa phương để làm nông thì áp dụng các phương thức sản xuất mới mang lại hiệu quả cao luôn được ông ưu tiên. Nói về bí quyết của mình, ông Duyên chia sẻ, nghề nào cũng có cái khó riêng, nhưng điều quan trọng là dám đổi mới. Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ tìm kiếm thị trường sang nghiên cứu thị trường, gắn với liên kết để đầu ra ổn định.
Dù nuôi nhiều loại cá nhưng thay vì thả chung, ông Duyên nuôi riêng thành từng ao riêng lẻ, chỉ có cá sặc rằn nuôi ghép với cá thát lát. Bởi theo ông, điều này sẽ tránh được tình trạng rớt giá và bị động trong việc xoay đồng vốn. Với cách thức này, mỗi năm ông Duyên đưa ra thị trường khoảng 200 tấn cá thông qua thương lái.
“Nếu cá thát lát Hậu Giang mình được quảng bá thương hiệu, rồi hút hàng lên, cá có giá thì nông dân tụi tôi gắn bó lâu dài. Những sản phẩm cá thát lát, làm chả, khô, rút xương trên thị trường đã có, tôi dự tính chuẩn bị lên quy trình chế biến ra những món ngon hơn nữa để làm thương hiệu riêng của mình. Hiện giờ, đầu ra và giá cá thát lát đang ổn định, nếu được như vầy sẽ làm giàu được…”, ông Lê Hoàng Duyên phấn khởi cho biết.
Tiếp tục tìm hiểu về các mô hình làm ăn hiệu quả tại thị xã Long Mỹ, chúng tôi được địa phương giới thiệu về mô hình của anh Đoàn Mạnh Giỏi, ở xã Long Phú. So với các mô hình khác, dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của anh Giỏi còn khá mới mẻ, khi bắt đầu vận hành từ tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, hiệu quả bước đầu đã cho thấy những tín hiệu tích cực. Anh Giỏi hiện có trong tay 4 trại nuôi vịt, mỗi trại rộng khoảng 2.000m2. Cứ 2 tháng, vịt được xuất trại một lần với số lượng 60.000 con, mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập khá.
“Tôi nuôi vịt theo quy chuẩn của Tập đoàn CP. Tất cả vịt được nuôi trong nhà lạnh, sàn nhựa. Toàn bộ chất thải được xử lý thành phân bón hữu cơ và sử dụng cho biogas nên không ô nhiễm môi trường. Mỗi đợt xuất 4 trại, bán hết nghỉ trại 15 ngày, xong mới thả tiếp. Đến nay, trang trại đã xuất được 3 đợt, theo giá thị trường”, anh Đoàn Mạnh Giỏi cho hay.
Đẩy mạnh kinh tế tập thể
Ông Đoàn Quốc Thật, Bí thư Thị ủy Long Mỹ, cho biết: Địa phương chú trọng phát triển HTX, tổ hợp tác. Đến nay, số lượng và chất lượng hoạt động của các HTX, tổ hợp tác được tăng lên đáng kể, toàn thị xã có hiện 83 tổ hợp tác và 32 HTX (28 HTX nông nghiệp và 4 HTX phi nông nghiệp). Thông qua HTX, thị xã đã hỗ trợ cho người dân giống mới, chất lượng cao, hỗ trợ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Điển hình như năm 2023, thị xã đã hỗ trợ 4 HTX xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng theo quy trình VietGAP với quy mô 363ha. Thông qua mô hình, thị xã hỗ trợ 14 tấn lúa giống xác nhận 1; 144 tấn phân hữu cơ vi sinh.
Bên cạnh đó, thị xã còn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất cho các HTX trên địa bàn dự kiến triển khai trong năm 2024. Thị xã được tỉnh chọn HTX Dịch vụ nông nghiệp Thành Đạt tham gia đề án phát triển nông nghiệp của tỉnh. Thông qua dự án này, HTX sẽ được hỗ trợ nhà kho, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc phục vụ nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất ứng dụng các khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số… Dự kiến năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu theo đề án. Đây có thể nói là HTX điển hình, làm hình mẫu để nhân rộng phát triển HTX trong thời gian tới.
“Khuyến khích nông dân sản xuất canh tác theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), hướng hữu cơ nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới trong sản xuất nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, người nông dân cần tham gia HTX, tổ hợp tác để sản xuất quy mô lớn, cạnh tranh và được sự hỗ trợ của Nhà nước trong chuyển giao tiến bộ khoa học, chuyển đổi số và hỗ trợ sản xuất, liên kết tiêu thụ…”, ông Đoàn Quốc Thật chia sẻ.