Trồng thanh long hữu cơ ở đất đồi Uông Bí

Bình luận · 248 Lượt xem

QUẢNG NINH Theo anh Quyền, việc trồng thanh long theo hướng hữu cơ mang lại lợi nhuận gấp đôi, thậm chí gấp ba so với cách trồng truyền thống.

Là kỹ sư thủy lợi lâu năm, do tính chất công việc nên anh Nguyễn Tôn Quyền thường xuyên phải vào Nam ra Bắc. Đặc biệt, trong những lần công tác tại các tỉnh ĐBSCL, anh Quyền nhận ra mình có một niềm đam mê mãnh liệt với nông nghiệp. 

Nhìn những cánh đồng thanh long chín đỏ rực, quả nào quả nấy căng tròn, mọng nước, anh Quyền ấp ủ kế hoạch xây dựng một vườn thanh long cho riêng mình. Trải qua thời gian dài làm việc ở TP Uông Bí (Quảng Ninh), anh quyết định xây dựng trang trại trồng thanh long ở nơi đây.

Cây thanh long ruột đỏ của anh Quyền đến thời kỳ ra quả có thể cho thu hoạch 9-10 đợt/năm. Ảnh: Tiến Thành.

Cây thanh long ruột đỏ của anh Quyền đến thời kỳ ra quả có thể cho thu hoạch 9-10 đợt/năm. Ảnh: Tiến Thành.

Năm 2015, trên khu đất đồi rộng 5ha thuộc phường Quang Trung (TP Uông Bí), anh Quyền nhập giống cây thanh long ruột đỏ từ một đơn vị viện nghiên cứu uy tín về gieo trồng. Đây là giống cây cho năng suất cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Cây thanh long ruột đỏ của anh Quyền đến thời kỳ ra quả có thể cho thu hoạch 9-10 đợt/năm. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ tháng 4 tới tháng 11 dương lịch. Trung bình mỗi đợt quả đạt sản lượng từ 3 - 5 tấn, một năm cho thu hoạch khoảng 40 - 50 tấn thanh long. Với giá bán 25.000 đ/kg, mỗi năm vườn thanh long cho thu nhập khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Anh Quyền cho biết, thanh long được anh trồng hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Để đảm bảo đúng quy trình, anh Quyền rất cẩn thận từ khâu đất trồng, nước tưới, phân bón cho đến cách chăm sóc cây theo bí quyết mà anh tự tìm hiểu và học hỏi từ những người có kinh nghiệm lâu năm.

Theo anh Quyền, việc trồng thanh long hữu cơ mang lại lợi nhuận gấp đôi, thậm chí gấp ba so với cách trồng truyền thống, bởi vốn dĩ loại cây ăn quả này cũng không quá tốn chi phí chăm sóc.

Thanh long được trồng theo quy trình theo hướng hữu cơ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thanh long được trồng theo quy trình theo hướng hữu cơ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Vườn thanh long của anh Quyền sử dụng phân hữu cơ được làm từ phân gà ủ mục với trấu và vôi bột. Theo anh Quyền chia sẻ, phân gà được cho rằng chứa nhiều hàm lượng hữu cơ cao cũng như các hàm lượng natri, photo, kali vượt trội hơn hẳn phân dê hay như phân trâu.

Nhờ chứa nhiều dưỡng chất nên phân gà được đánh giá cao trong việc sử dụng để hỗ trợ bổ sung cho đất đối với các loại cây trồng ăn trái.

Trung bình mỗi năm, một gốc thanh long được bón 30kg phân hữu cơ được chia làm 2 lần, lúc cây ra hoa và lúc thu hoạch xong. "Đây là giai đoạn mà cây cần bổ sung nhiều dưỡng chất nhất, vì vậy, nếu được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cây mạnh khỏe, cho trái ngon, quả ngọt", anh Quyền chia sẻ.

Vườn thanh long được tưới nước theo công nghệ Israel. Theo đó, một hệ thống đường ống nước sẽ được kiểm soát để tưới nhỏ giọt cho từng gốc cây với liều lượng nhất định. Hệ thống này chắc chắn sẽ tiết kiệm nước hơn so với việc phun nước tưới thông thường nhưng vẫn đảm bảo lượng nước cần thiết cung cấp cho cây trồng.

Hiện tại, thanh long ruột đỏ của anh Quyền được tiêu thụ tại các siêu thị, chung cư trên địa bàn TP Uông Bí, Hạ Long và Hà Nội. Ảnh: Viết Cường.

Hiện tại, thanh long ruột đỏ của anh Quyền được tiêu thụ tại các siêu thị, chung cư trên địa bàn TP Uông Bí, Hạ Long và Hà Nội. Ảnh: Viết Cường.

Đặc biệt, do trồng theo phương pháp hữu cơ, vườn thanh long hoàn toàn không dùng thuốc trừ sâu. Để quả có vỏ đẹp, bắt mắt, anh Quyền dùng nước vôi trong để phun trị muội quả. Cách làm này giúp anh tiết kiệm chi phí, lại không ảnh hưởng đến chất lượng quả, bên cạnh đó còn giúp cây cứng cáp, khỏe mạnh hơn.

Hiện tại, thanh long ruột đỏ của anh Quyền được tiêu thụ tại các siêu thị, chung cư trên địa bàn TP Uông Bí, Hạ Long và Hà Nội.

"Thời gian vừa qua, mặc dù dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp nhưng sản phẩm của tôi vẫn tiêu thụ hết. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng sản lượng lên gấp đôi để cung cấp ra thị trường. Ngoài ra, tôi sẽ đầu tư thêm hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm, đăng ký sản phẩm OCOP và dán tem truy xuất để người tiêu dùng có thể biết được nguồn gốc cũng như quy trình sản xuất ra sản phẩm", anh Quyền vui vẻ nói.

Hệ thống tưới nhỏ giọt được anh Quyền đầu tư bài bản. Ảnh: Viết Cường.

Hệ thống tưới nhỏ giọt được anh Quyền đầu tư bài bản. Ảnh: Viết Cường.

Ông Phạm Văn Sự, Phó phòng Kinh tế TP Uông Bí cho biết, năm 2017, Uông Bí đã có kế hoạch phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm cây thanh long ruột đỏ thành sản phẩm chủ lực. Do vậy, Thành phố đã tư vấn, hỗ trợ, vận động hộ dân trồng thanh long ruột đỏ thành lập HTX Thanh long Uông Bí nhằm đưa quả thanh long ruột đỏ tiếp cận thị trường và nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân.

“Hiện TP Uông Bí đã quy hoạch khu vực trồng thanh long tập trung, từng bước đưa loại cây ăn quả này trở thành thương hiệu của địa phương. Trước mắt, yêu cầu các phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch, có phương án hỗ trợ kinh phí xây dựng kho bảo quản quả thanh long, đồng thời giới thiệu cho HTX tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Thành phố cũng yêu cầu thành viên HTX phải đảm bảo quy trình trồng thanh long an toàn”, ông Sự cho biết thêm.

Phạm Hiếu - Văn Ngọ
Bình luận