Mở ngành mới để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực
Năm học 2023 - 2024, Đại học Cần Thơ dự kiến tuyển trên 7.600 sinh viên cho 89 ngành đào tạo chương trình đại học đại trà và 14 ngành thuộc chương trình tiên tiến, chất lượng cao. Trong đó, có 12 ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp, với chỉ tiêu tuyển 920 sinh viên.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Khang, Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ), thời gian qua, dù trường thực hiện khá tốt công tác tuyển sinh, từ việc tổ chức ngày hội tư vấn hay trực tiếp đến các trường THPT để định hướng ngành nghề cho các em học sinh, thế nhưng từ năm 2022 đến nay, trường rất băn khoăn vì số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành nông nghiệp có khuynh hướng giảm dần.
Thậm chí, một số ngành truyền thống như chăn nuôi, bảo vệ thực vật... số lượng thí sinh đăng ký theo học chỉ đạt từ 67 - 70%, không đảm bảo theo chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Nông nghiệp đề ra.
Trong kỳ tuyển sinh năm 2023, điểm sàn các ngành của Đại học Cần Thơ thấp hơn mọi năm, điều này khiến Trường Nông nghiệp rất lo lắng cho kết quả tuyển sinh trong năm học mới sắp tới.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Khang, mặc dù trường đã cố gắng áp dụng mọi hình thức để thông tin về ngành nghề đào tạo, nhu cầu xã hội cũng như tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường đạt cao… Thế nhưng vẫn chưa đủ để “đánh động” học sinh.
Lý giải nguyên nhân này, lãnh đạo Trường Nông nghiệp cho rằng, hiện nay đa phần học sinh lựa chọn ngành nghề theo sở thích và tâm lý của phụ huynh còn e ngại. Tâm lý này khiến các khối ngành nông nghiệp chưa hấp dẫn thí sinh.
“Đặc thù của ngành nông nghiệp, để có thể trở thành một kỹ sư có kinh nghiệm, có kiến thức và tự tin, buộc sinh viên phải lăn lộn thực tế tại đồng ruộng, trang trại. Tâm lý sợ nặng nề, vất vả so với những ngành khác khiến việc lựa chọn theo học các ngành về nông nghiệp của học sinh rất ít”, PGS.TS Khang lý giải.
Việc sinh viên theo học ngành nông nghiệp ít dần, dẫn đến nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của các cơ quan ban ngành ở địa phương cũng trở nên thiếu hụt. Những con số gần đây được Trường Nông nghiệp ghi nhận cho thấy, đa phần sinh viên sau khi ra trường lựa chọn các công ty liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài để làm việc.
Đặc biệt, nhóm ngành chăn nuôi, thú y có tới 90% sinh viên lựa chọn làm việc ở những doanh nghiệp với mức lương hấp dẫn, cơ hội phát triển cao. Kinh tế “đánh” vào suy nghĩ của sinh viên nhiều hơn.
Trước bối cảnh đó, để việc đào tạo ngành nghề thích ứng với nhu cầu thị trường, Trường Nông nghiệp đã thực hiện một số thay đổi. Với những ngành sau một thời gian mở mà số lượng, chỉ tiêu tuyển sinh không đạt, trường tiến hành đóng ngành.
Điển hình như ngành Công nghệ giống, vật nuôi, do có sự phân biệt ngành nghề, chuyên môn, bằng cấp, nhiều đơn vị tuyển dụng chưa biết đến rộng rãi, dẫn đến việc tuyển sinh đầu vào khó khăn hơn, buộc trường phải đóng ngành. Hay đối với ngành Dược Thú y, Trường Nông nghiệp cũng đã ngưng tuyển sinh khoảng 2 năm trở lại đây.
PGS.TS Khang đánh giá, ngành Dược Thú y xã hội có nhu cầu rất cao, thế nhưng lực lượng cán bộ cơ hữu phục vụ giảng dạy của trường lại có chuyên môn nghiêng về mảng chẩn đoán bệnh thú y. Để đáp ứng được chất lượng giảng dạy thì mảng dược học còn mỏng. Dự kiến bước sang năm 2024, Trường sẽ thực hiện tuyển sinh lại ngành học này, bởi một lực lượng cán bộ đã hoàn thành nhiệm vụ đào tạo ở nước ngoài trở về trường giảng dạy.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để mở một ngành học, phải đảm bảo số lượng thí sinh đăng ký đạt 25 sinh viên. Nhưng ngành Khoa học đất tại Trường Nông nghiệp số lượng sinh viên theo học lại dưới mức quy định đề ra. Với mong muốn giữ lại ngành học quan trọng này, Ban Giám hiệu Trường đã quyết định thay đổi tên ngành học trở thành ngành Quản lý đất và Công nghệ phân bón. Ngoài ra trong chương trình đào tạo cũng thay đổi một số học phần phù hợp với thực tế. Cách làm này đã tạo sự chuyển biến, năm học 2022 - 2023, số lượng sinh viên đăng ký ngành học này lại có sự gia tăng đáng kể.
Ngoài ra, một số ngành mới đã được mở mới để đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp như Công nghệ rau hoa quả cảnh quan, Nông nghiệp công nghệ cao.
Liên kết chặt với doanh nghiệp
Trường Nông nghiệp là một trong những đơn vị có sự liên kết mạnh mẽ với các doanh nghiệp, thực hiện đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu. Phương thức này vừa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, ngành nghề của doanh nghiệp, vừa giải quyết được vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Nhất là thỏa mong muốn về thu nhập cho sinh viên.
Mới đây, Trường đã thực hiện chương trình “Tạo dựng tương lai của bạn” liên kết với Công ty De Heus. Mục tiêu của chương trình này là đào tạo sinh viên có kỹ năng tay nghề cao, ngôn ngữ tiếng Anh chuyên ngành tốt, đáp ứng yêu cầu công việc của De Heus. Chương trình sắp kết thúc khóa đào tạo thứ 4, sinh viên ra trường được làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp mà không phải qua đào tạo lại.
Hay Tập đoàn GreenFeed có chương trình liên kết đào tạo “Hạt giống tài năng” bước vào khóa học thứ 3. Khởi động từ cuối năm 2020, đến nay chương trình có khoảng 60 sinh viên thuộc các chuyên ngành Chăn nuôi, Thú y, Nông học, Di truyền và Chọn giống cây trồng tham gia.
Các chương trình liên kết hướng sinh viên tham gia trải nghiệm thực tế để củng cố kiến thức đã học tại trường. Ngoài ra, trong quá trình học và thực tập tại doanh nghiệp, sinh viên được đào tạo và trả lương.
Hiện nay, các ngành nghề thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thú y đang có nhu cầu nguồn nhân lực lớn. Sinh viên sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn trong công việc như: Làm việc tại các phòng lab, thương mại thị trường, tư vấn viên kỹ thuật…
Trái ngược với định hướng làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, những sinh viên chuyên ngành chăn nuôi có mong muốn mở cửa hàng thuốc thú y lại gặp khó khăn về vấn đề bằng cấp và chứng chỉ hành nghề.
Sinh viên ngành chăn nuôi vướng chứng chỉ hành nghề
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Khang cho biết, bắt đầu từ khóa 28 (năm 2002 - 2006), theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên văn bằng tốt nghiệp của sinh viên bắt đầu ghi rõ hai ngành khác biệt nhau là Kỹ sư Chăn nuôi và Bác sĩ Thú y.
Khi hành nghề mở cửa hàng thuốc thú y, những sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy ngành Chăn nuôi lại không đủ điều kiện được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh do không có chứng chỉ hành nghề thú y. Mặc dù chương trình đào tạo giữa ngành Chăn nuôi và Thú y chỉ khác nhau khoảng 30%. Trong khi trước đó, sinh viên thuộc 2 ngành học trên, tốt nghiệp ra trường sẽ được cấp bằng Kỹ sư Chăn nuôi Thú y.
Theo thông tin của PGS.TS Khang, hiện cả nước chỉ có 2 cơ sở được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở thí điểm chuyên ngành Chăn nuôi Thú y gồm: Học viện Nông nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ NN-PTNT) và Trường Đại học Nông nghiệp Huế (thuộc Đại học Huế).
Hiện nay, việc kiểm soát hoạt động kinh doanh thuốc thú y tại các chi cục chăn nuôi và thú y địa phương khá chặt chẽ, với những quy định bằng cấp rất cụ thể. Tại ĐBSCL, sinh viên đã tốt nghiệp ngành chăn nuôi muốn có cơ hội tự kinh doanh cửa hàng thuốc thú y buộc phải mất thêm từ 1 - 1,5 năm tham gia chương trình liên kết đào tạo từ xa (vừa học vừa làm) chuyên ngành thú y.
Với những sinh viên ngành chăn nuôi đã có định hướng mở cửa hàng thuốc thú y từ những năm đầu đại học, cũng phải học song song ngành thứ 2 là thú y mới đảm bảo điều kiện.