Tại buổi làm việc của Tổ Công tác của Đoàn giám sát Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia với Bộ Nông nghiệp và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến báo cáo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, đây là Báo cáo lần 1 (đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 25 từ tháng 7/2021 đến hết tháng 12/2022), được xây dựng dựa trên kết quả theo dõi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tổng hợp từ báo cáo của một số địa phương gửi về Văn phòng Điều phối Nông thôn mới(NTM) Trung ương. Mục đích là nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 25, những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân của hạn chế, từ đó kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 25, bảo đảm hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025.
Nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng tới NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ, tính đến tháng 12/2022, cả nước có 6.001/8.211 xã (chiếm 73,08%) đạt chuẩn NTM (tăng 4,4 điểm phần trăm so với cuối năm 2021). Số xã dưới 10 tiêu chí của cả nước còn 624 xã (chiếm 7,6%), trong đó 72,7% tập trung ở vùng Trung du miền núi phía Bắc. Đây là nhóm xã cần thúc đẩy mạnh trong những năm tới để phấn đấu đạt mục tiêu cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí NTM vào năm 2025. Có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 42 đơn vị so với cuối năm 2021 (chiếm 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước). 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến
Nhìn chung, Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng tới NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, kết quả sau 2 năm triển khai thực hiện, hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; giáo dục và đào tạo phát triển ổn định vững chắc; hoạt động văn hóa thể dục, thể thao ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng; chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo và kịp thời chăm lo cho đối tượng chính sách, người nghèo; thu nhập của người dân được nâng lên; môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; an toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn luôn được ổn định.
Công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình được quan tâm sát sao. Công tác phối hợp triển khai giữa cơ quan chủ trì Chương trình với các bộ, ngành trung ương và địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần hoàn thành 100% nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương giao thực hiện trong năm 2022.
Văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình chậm được ban hành so với kế hoạch
Bên cạnh những mặt đạt được, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình như hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình ở cấp Trung ương chậm được ban hành so với kế hoạch, nên ảnh hưởng đến tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ kế hoạch, giao vốn ngân sách trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021-2025. Một số văn bản hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu, tiêu chí NTM của một số bộ, ngành còn chưa cụ thể hoặc một số chỉ tiêu khó thực hiện ở một số địa bàn nên gây khó khăn, vướng mắc cho một số địa phương trong thực hiện.
Một số địa phương còn chậm ban hành các văn bản cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025 theo phân cấp; ban hành Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình chuyên đề, đặc biệt là các chương trình mới như: Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh… Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao năm 2022 còn chậm, chưa thực hiện việc giải ngân ngay sau khi hoàn thành công tác giao kế hoạch vốn.
Một số địa phương chưa tích cực chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí NTM và chưa thực sự phát huy hết nội lực trong nhân dân. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế.
Ngoài ra, nhiều địa phương chưa nhìn nhận đúng mức, chưa hiểu rõ và chưa phát huy được nhiều giá trị, tiềm năng dư địa, vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Kết quả đạt chuẩn xã NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn…
Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới
Từ những vướng mắc nêu trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã đề xất các kiến nghị, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2023 và đến hết năm 2025 theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu, bảo đảm thực chất, hiệu quả và bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội, Chính phủ giao, trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, nhất là đưa phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân.
Thứ hai, tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả Chương trình.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới năm 2023 và đến hết năm 2025.
Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp, đặc biệt cán bộ cơ sở về phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số trong xây dựng NTM, phát triển du lịch nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát huy.
Thứ tư, chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả 11 nội dung của Chương trình; 06 chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM (môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn…)
Thứ năm, thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó, huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai Chương trình. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ thực hiện 06 chương trình chuyên đề, nhất là các mô hình chỉ đạo điểm của trung ương; đầu tư cho các địa bàn khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách trong xây dựng NTM giữa các vùng, miền. Đồng thời thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 03 Chương trình MTQG và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM được Quốc hội phê duyệt.
Thứ sáu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.
Cùng với đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm, tạo nền tảng vững chắc cho xây dựng NTM bền vững như tri thức hóa nông dân thông qua hỗ trợ tiếp cận, đào tạo kiến thức, nâng cao nhận thức, tư duy, được huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nông dân thực sự trở thành chủ thể, có tâm thế tự lực, tự chủ, hội đủ kiến thức, kỹ năng, năng lực, thái độ của “người làm chủ” - làm chủ vận mệnh của bản thân, làm chủ câu chuyện phát triển cộng đồng dân cư nông thôn.
Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn. Bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất: Chuyên nghiệp hóa, tăng quy mô sản xuất, phát triển hộ nhỏ thành gia trại, trang trại. Tiếp tục hoàn thiện Luật, chính sách để phát triển kinh tế hợp tác, nhất là hợp tác xã. Khuyến khích và điều chỉnh chính sách thúc đẩy phát triển chuỗi, hình thành một hệ thống các tập đoàn doanh nghiệp đầu tư vào các ngành hàng chiến lược liên kết với nông dân thông qua kinh tế hợp tác.
Đổi mới khoa học công nghệ, coi đây thực sự là động lực để nâng cao hiệu quả, tạo tăng trưởng cho giai đoạn tới. Tăng cường nguồn lực tài chính cho nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn.
Đáng chú ý, tập trung hoàn thiện và đổi mới một số chính sách quan trọng như chính sách đất đai, chính sách tín dụng, đổi mới thể chế. Trong đó, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển thị trường đất đai như thị trường quyền tài sản, mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp. Hoàn thiện chính sách tín dụng cho nông nghiệp nông thôn thúc đẩy tín dụng chính thức, phát triển sản phẩm tín dụng mới, xây dựng chương trình tín dụng thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ...
Bên cạnh đó, cần nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu điện, đường, trường, trạm, viễn thông cho những xã khó khăn, vùng sâu vùng xa. Ưu tiên phát triển đường, điện cho vùng sản xuất tập trung, kết nối vùng sản xuất với thị trường.
Nguồn: https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=75340