Trong 2 năm vừa qua, mỗi khi vào vụ măng cụt, bên cạnh những công đoạn vẫn thường làm trước kia như thu hoạch, đóng gói rồi chuyển đến các vựa thu mua, ông Vũ Phi Hùng còn làm thêm một thao tác mới là dán tem truy xuất nguồn gốc lên trái măng cụt của gia đình.
“Định danh” cho trái cây
Ông Hùng là một trong những nhà vườn trồng măng cụt có tiếng nhất ở Bảo Lộc. Sau nhiều năm gắn bó với loại cây tưởng chỉ có ở các tỉnh phía Nam này, ông bảo việc dán tem truy xuất nguồn gốc giống như “định danh” cho từng trái măng cụt, từ đó nâng tầm thương hiệu, đảm bảo giá bán ổn định hơn.
Với diện tích trên 4 ha trồng 700 cây măng cụt, trong có 250 cây đang cho trái, bình quân mỗi năm, gia đình ông Hùng thu về từ 15 - 20 tấn trái. Cá biệt, có những cây măng cụt đã trên 50 tuổi, thuộc dạng những cây măng cụt đầu tiên được trồng tại Bảo Lộc đến giờ vẫn ra hoa kết quả, cho năng suất cao.
Măng cụt đang là một trong những loại cây kinh kinh tế thế mạnh ở Bảo Lộc. |
“Cũng giống như nhiều loại cây trái khác, măng cụt cũng có năm được năm mất, nhưng nhìn chung vẫn là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao. Nhà trồng nhiều thì thu nhập vài trăm triệu, đến hàng tỷ đồng cũng có, nhà trồng ít cũng thu 30-50 triệu đồng. Cái lợi là tiêu thụ măng cụt rất dễ, ít khi bị ế”, ông Hùng chia sẻ.
Được biết, sau nhiều năm dày công xây dựng, măng cụt Bảo Lộc đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Măng cụt Bảo Lộc”. Đây là cơ hội lớn để người trồng măng cụt tại địa phương đưa loại trái cây đặc trưng này đến với người tiêu dùng trong cả nước.
Toàn TP Bảo Lộc đang có hơn 300 ha trồng măng cụt. Măng cụt Bảo Lộc có chất lượng rất khác biệt so với măng cụt các vùng khác. Do khí hậu và thổ nhưỡng ở đây nên trái măng cụt rất ngon, lớp vỏ mỏng, đẹp, căng mịn và bóng đều, cơm dày - trắng muốt, độ chua ngọt thanh và ít hư.
Đặc biệt, măng cụt Bảo Lộc lệch vụ thu hoạch với nơi khác, mọi nơi tháng 6, tháng 7 chính vụ thì măng cụt Bảo Lộc phải tháng 8 mới có thu, tháng 9, tháng 10 mới rộ. Điều này càng giúp thị trường, giá bán măng cụt ở Bảo Lộc được đảm bảo.
Liên kết làm nông nghiệp theo chuỗi
Không chỉ có măng cụt, với chiến lược phát triển bài bản của ngành nông nghiệp, Bảo Lộc hiện có nhiều loại nông sản chất lượng, có thương hiệu và giá trị cao, điển hình như cây cà phê.
Những năm qua, để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX Nông nghiệp & Dịch vụ Phúc An Lâm Đồng đã định hướng cho các thành viên, hộ liên kết sản xuất cà phê sạch, đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, cho giá trị kinh tế cao.
Anh Nguyễn Xuân Lộc, thành viên của HTX Phúc An Lâm Đồng chia sẻ, trước đây, khi chưa vào HTX, anh sản xuất cà phê theo tư duy cũ, tự phát nên năng suất thấp, thu nhập bấp bênh, thương lái ép giá.
Kể từ khi tham gia HTX, anh Lộc được tiếp cận và ứng dụng nhiều kỹ thuật mới vào sản xuất. Đặc biệt ở khâu sau thu hoạch - công đoạn quyết định đến chất lượng cà phê thành phẩm, anh đã áp dụng phương thức phơi cà phê hiện đại.
Bảo Lộc đang định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng. |
Cụ thể, để đảm bảo chất lượng, cà phê được phơi trên giàn cao, trong nhà kính và để nguyên vỏ. Cách này mất thời gian, công sức hơn so với phơi hạt cà phê sau bóc vỏ trực tiếp trên nền đất nhưng đã đem lại những giá trị vượt trội.
“Nhờ sản xuất khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới, năng suất vườn cà phê nhà tôi những năm qua đạt trên 100 triệu đồng/ha. Đời sống được cải thiện đáng kể. Vui hơn là không còn lo thương lái ép giá vì đã có HTX hỗ trợ tiêu thụ”, anh Lộc phấn khởi nói.
Để hỗ trợ thành viên, hộ liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, HTX luôn chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, liên kết với đối tác giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nhằm đảm bảo lợi ích cho từng thành viên.
Đến nay, HTX đang canh tác trên 25 ha cà phê sạch, với thương hiệu cà phê Organat 100% cà phê hữu cơ, trong đó có 3 sản phẩm “Nhân xanh, Model O và Espresso với sản lượng liên tục tăng dần theo từng năm, đảm bảo thu nhập ổn định cho các thành viên, nông dân liên kết.
Thúc đẩy các nguồn lực hỗ trợ
Bên cạnh HTX Phúc An Lâm Đồng, trên địa bàn TP Bảo Lộc ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất trồng rau sạch theo hướng hữu cơ. Các mô hình sản xuất rau sạch chủ yếu được người dân trồng thủy canh tập trung tại các xã, phường như: Lộc Nga, Lộc Phát, Lộc Tiến, Lộc Sơn và Phường 2… có quy mô dao động từ 0,5 - 3 sào được đầu tư nhà kính, nhà lưới bài bản và hệ thống tưới tự động.
Đáng chú ý, không chỉ các cây trồng truyền thống, trên địa bàn TP Bảo Lộc cũng đang xuất hiện nhiều loại cây trồng mới cho thu nhập tiền tỷ. Đơn cử như mô hình trồng hoa lan cattleya ở xã Lộc Thanh.
Anh Phạm Trường Sơn, nông dân thôn Tân Bình 2, xã Lộc Thanh là một trong những người tiên phong phát triển mô hình trồng lan cattleya. Theo anh Sơn, cattleya là loại lan có hoa to, màu sắc sặc sỡ, dễ chăm sóc và dễ nở hoa.
Cũng giống hầu hết các loại hoa lan, cattleya yêu cầu được trồng tại nơi có bóng râm. Sau thời gian ban đầu canh tác nhỏ, trồng trong nhà lưới, hiện tại anh Sơn đã có 4 sào nhà kính trồng lan. Điểm đặc biệt là lan Cattleya khá rẻ, chỉ từ 80-150 ngàn đồng là đã có một chậu bông.
“Nắm vững kỹ thuật, chăm sóc tốt, một sào lan có thể cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm, rất dễ bán vì đã có sẵn thương nhân bao tiêu sản phẩm. Vào những ngày sát Tết, gia đình tôi thường xuất bán hàng chục ngàn chậu lan đang nở hoa sặc sỡ”, anh Sơn chia sẻ.
Có thể nói, quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng trên địa bàn TP Bảo Lộc những năm qua đang có tiến bộ vượt bậc, hình thành những mô hình sản xuất cho giá trị cao, mang lại thu nhập bạc tỷ cho nông dân, HTX.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp TP. Bảo Lộc dự kiến tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng và huy động các nguồn lực để hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đáng chú ý, Bảo Lộc đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển thành công trên 10 nghìn ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông minh.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp thành phố sẽ ưu tiên hỗ trợ triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ mới như sử dụng robot chăm sóc cây trồng; ứng dụng công nghệ thông minh trong phân loại sản phẩm; trong vận chuyển, bảo quản nông sản; tiếp tục thực hiện các đề án, chương trình phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ.
Mỹ Chí